Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam 2011-2020 là yêu cầu cần thiết nhằm hiện thực hóa các mục tiêu phát triển kinh tế xã hội và khắc phục có hiệu quả những bất cập của thị trường lao động lâu nay.
Sinh viên trường Đại học Quảng Nam trong ngày lễ tốt nghiệp. Ảnh: X.P |
Nguồn nhân lực: thừa và thiếu
Thời gian qua, việc đầu tư cơ sở hạ tầng nhằm đáp ứng yêu cầu phát triển nhân lực của tỉnh rất được quan tâm. Cùng với việc nâng cấp nhiều trường từ trung cấp lên cao đẳng, từ cao đẳng lên đại học, các cơ sở đào tạo không ngừng được đầu tư để tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo theo nhu cầu của xã hội, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của tỉnh cũng như khu vực. Nhờ vậy, 10 năm gần đây, tổng số lao động đã qua đào tạo có chiều hướng tăng nhanh từ 14% lên 40%, trong đó tỷ lệ người lao động đã qua đào tạo nghề từ 8,6% tăng lên 30%. Chất lượng nguồn nhân lực cũng được nâng lên đáng kể. Cụ thể, trong số lao động đã qua đào tạo thì số người lao động có trình độ học vấn THPT tăng từ 12,5% lên 24%, trình độ công nhân kỹ thuật tăng từ 1,5% lên 5%, trung cấp chuyên nghiệp từ 2% lên 4,3%, còn trình độ cao đẳng, đại học từ 3,3% lên 5,7%.
Tuy nhiên, theo nhiều chuyên gia, về cơ bản thị trường lao động Quảng Nam vẫn là thị trường mất cân đối nghiêm trọng và ở trình độ thấp so với khu vực cũng như cả nước. Dư thừa lớn lao động không kỹ năng hoặc kỹ năng thấp, thiếu lao động kỹ thuật trình độ cao, trong khi đó số người có trình độ chuyên môn kỹ thuật từ cao đẳng, đại học trở lên còn cao hơn số người lao động có trình độ trung cấp chuyên nghiệp và trung cấp nghề. Dù đã có sự chuyển dịch theo hướng tích cực nhưng cơ cấu lao động ngành công nghiệp và dịch vụ vẫn còn khá thấp trong khi ngành nông lâm ngư nghiệp còn cao với gần 60%. Một điều đáng lo nữa là mặc dù thời gian qua Quảng Nam cũng đã ban hành nhiều chính sách thu hút nhân tài nhưng vẫn chưa đủ lực để thu hút các chuyên gia. Ngược lại, gần đây xuất hiện hiện tượng sinh viên giỏi không muốn về quê hương làm việc, cán bộ chuyên môn giỏi có xu hướng tìm việc ở địa phương khác hoặc khu vực tư nhân.
Rõ ràng đó là những thách thức rất lớn đối với Quảng Nam trên con đường phát triển nhân lực nói riêng, kinh tế xã hội nói chung. Theo ông Đặng Công Lệnh, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch - đầu tư, thị trường lao động ở Quảng Nam phát triển không đồng đều và còn nhỏ bé, chất lượng nguồn nhân lực chưa cao. Việc đẩy nhanh tốc độ đầu tư vào Khu Kinh tế mở Chu Lai và các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh trong tương lai sẽ có tác động chuyển dịch cơ cấu lao động - việc làm, nhu cầu chuyển đổi ngành nghề, đào tạo và đào tạo lại rất lớn. Do vậy, việc phát triển giao dịch việc làm vùng, nâng cao chất lượng dịch vụ đào tạo nghề là rất bức bách.
Hướng đến chất lượng và hợp lý
Tại hội nghị công bố Quy hoạch phát triển nhân lực tỉnh Quảng Nam giai đoạn 2011-2020 tổ chức mới đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Minh Cả cho rằng, một trong những mục tiêu đột phá theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XX là phát triển nguồn nhân lực và điều này là cơ sở quan trọng để tỉnh, các ngành và địa phương xây dựng quy hoạch. Trước thực trạng lao động và nhu cầu việc làm của thị trường lao động, Quy hoạch phát triển nhân lực của tỉnh giai đoạn 2011-2020 nhấn mạnh đến mục tiêu hướng đến một nguồn nhân lực đảm bảo về số lượng, chất lượng, cơ cấu nhân sự hợp lý; gia tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo, chú trọng đào tạo nghề chất lượng cao; cải thiện trình độ học vấn, kỹ năng nghề nghiệp. Đồng thời, phân bố lại dân cư và lao động trên địa bàn tỉnh, phát triển thị trường lao động đáp ứng nhu cầu việc làm của người lao động, tăng cường thu hút nhân lực chất lượng cao. Theo đó, đến năm 2020 nguồn nhận lực của tỉnh sẽ đạt các mục tiêu: giảm cơ cấu lao động tham gia ngành nông lâm nghiệp, thủy sản xuống còn 41,3%, tăng ngành công nghiệp và xây dựng lên 31,6%, dịch vụ lên 27,1%; tăng tỷ lệ lao động qua đào tạo từ 40% hiện nay lên 75%, trong đó lao động qua đào tạo nghề chiếm 60% (hiện 30%); giải quyết việc làm mới bình quân hàng năm 50 nghìn lao động.
Cần xây dựng các trường nghề chất lượng cao Theo Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Đức Hải, Quảng Nam không thể cạnh tranh với Đà Nẵng trong việc phát triển các trường đại học. Vì vậy, nên đầu tư xây dựng trường nghề có chất lượng cao, tạo ra thương hiệu trong công tác đào tạo nghề và tỉnh có điều kiện thuận lợi để thực hiện được mục tiêu này. Trong quy hoạch phát triển nhân lực, cần tập trung đánh giá đúng thực trạng tình hình để có những giải pháp hữu hiệu, tránh tình trạng quy hoạch treo. |
Để thực hiện các mục tiêu đề ra trong quy hoạch, nhiều giải pháp được đưa ra gồm đổi mới quản lý nhà nước về phát triển nhân lực, đẩy mạnh đào tạo và bồi dưỡng nhân lực, trong đó quy hoạch lại mạng lưới cơ sở đào tạo. Đến năm 2020, mạng lưới đào tạo chuyên nghiệp vẫn giữ nguyên con số 11 trường nhưng có thay đổi lớn về chất với việc nâng cấp 2 trường cao đẳng lên thành trường đại học, đưa số trường đại học toàn tỉnh lên 4 trường, 4 trường cao đẳng và 3 trung cấp chuyên nghiệp. Mạng lưới đào tạo nghề cũng tiếp tục được quan tâm đầu tư, nâng tổng số cơ sở đào tạo nghề lên 60, trong đó 5 trường cao đẳng, 4 trường trung cấp. Cùng với đó, tỉnh sẽ nghiên cứu ban hành các chính sách về việc làm, thị trường lao động, điều kiện làm việc, chính sách đãi ngộ và thu hút nhân tài…
Theo ông Nguyễn Thùy, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH, để thực hiện mục tiêu về lao động qua đào tạo nghề giai đoạn 2011-2020 như quy hoạch của tỉnh, cần tập trung đầu tư đồng bộ các yếu tố, góp phần nâng cao chất lượng, nhất là các cơ sở đào tạo nghề được chọn đầu tư nghề trọng điểm đã được Bộ LĐ-TB&XH phê duyệt. Cụ thể, trường Cao đẳng Nghề Quảng Nam với các nghề như công nghệ ô tô, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp; các trường trung cấp Nghề Bắc Quảng Nam với các nghề nghiệp vụ nhà hàng, quản trị khách sạn, kỹ thuật chế biến thức ăn; trường Nam Quảng Nam với các nghề cơ điện nông thôn, xử lý nước thải công nghiệp; trường Thanh niên Dân tộc miền núi Quảng Nam với nghề mộc xây dựng và trang trí nội thất, trồng cây công nghiệp. Ngoài ra, đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị cho Trung tâm Dạy nghề huyện Duy Xuyên để trở thành trung tâm kiểu mẫu về dạy nghề theo đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn...
Xuân Phú