Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao

HOÀNG LIÊN 29/07/2016 08:31

Một trong những điểm mới trong “Chiến lược phát triển khoa học và công nghệ (KH&CN) đến năm 2025, tầm nhìn 2030” vừa được HĐND tỉnh (khóa IX) thông qua tại Kỳ họp thứ 2 là chủ trương xây dựng khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Mô hình sản xuất rau VietGAP tại Đại Lộc. Ảnh: H.L
Mô hình sản xuất rau VietGAP tại Đại Lộc. Ảnh: H.L

Bà Lê Thủy Trinh - Phó Giám đốc Sở KH&CN cho hay, thực hiện “Chiến lược phát triển KH&CN đến năm 2025, tầm nhìn 2030”, giai đoạn tới, một trong những mục tiêu trọng tâm của ngành là ưu tiên phát triển công nghệ sinh học, từng bước hình thành khu nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao.

Cụ thể, công nghệ sinh học sẽ được áp dụng rộng rãi trong lĩnh vực chế biến, gồm: chế biến thức ăn chăn nuôi; sản phẩm nông sản; sản xuất phân bón sinh học; chế phẩm phòng bệnh cho cây trồng, con vật nuôi. Ngành KH&CN cũng sẽ hướng tới đẩy mạnh và phát triển công nghệ enzyme, protein trong bảo quản và chế biến nông - lâm - thủy sản... Việc ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học sẽ góp phần tăng năng suất, sản lượng và giá trị cho cây trồng. Như việc ứng dụng kỹ thuật nuôi cấy mô sâm Ngọc Linh, ứng dụng kỹ thuật tiên tiến sàng lọc, bảo tồn và phát triển cây ăn quả sạch bệnh, cây dược liệu có giá trị… sẽ giúp ngành nông nghiệp của tỉnh có bước tiến xa trong những năm đến. Bà Trinh cũng cho hay, sắp tới, Tam Kỳ sẽ là địa phương đi đầu thử nghiệm mô hình nông nghiệp công nghệ cao này. Cùng với đó, để có thể bắt kịp xu hướng mới, cơ sở vật chất, trang thiết bị về nghiên cứu nuôi cấy mô, phục vụ nhân giống cây ăn quả sạch bệnh tại Quảng Nam đang từng bước kiện toàn. Trong đó, Trung tâm Công nghệ sinh học (trực thuộc Sở KH&CN) đang được kiện toàn trên địa bàn Phú Ninh, vùng tiếp giáp với Tam Kỳ, có diện tích hàng chục héc ta, trang bị phòng làm việc, phân khu chức năng, khu vực sản xuất giống, nhà bảo lưu nguồn gen gốc của cây đặc hữu… Hay như Trung tâm Giống nông lâm nghiệp Quảng Nam (trực thuộc Sở NN&PTNT) cũng đang được khôi phục, bước đầu cung ứng ra thị trường một số loại cây trồng nuôi cấy mô như: keo lai, cây giống ba kích, chuối, lan nuôi cấy mô…

Triển vọng về một nền nông nghiệp tiên tiến, nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao được mở ra khi mới đây UBND tỉnh đã có buổi làm việc với đoàn chuyên gia Israel về dự án Trung tâm phát triển nông nghiệp tiên tiến tại tỉnh Quảng Nam. Trước buổi làm việc này, đoàn chuyên gia Israel đã có đợt khảo sát sơ bộ về thị trường, tình hình sản xuất nông nghiệp tại Quảng Nam. Các chuyên gia cam kết sẽ hỗ trợ trong việc xây dựng một trung tâm phát triển nông nghiệp tiên tiến tại xã Tam Phú (Tam Kỳ), nông dân sẽ được tiếp cận kỹ thuật canh tác theo hình thức khép kín từ quá trình đầu tư sản xuất tới khâu tiêu thụ nông sản. Việc biến một nền nông nghiệp sản xuất còn đơn điệu, manh mún với thị trường tiêu thụ nhỏ lẻ, truyền thống, luôn bấp bênh về đầu ra lẫn giá cả trở thành nền nông nghiệp tiên tiến với phương thức sản xuất hiện đại, cho nguồn nông sản sạch, đa dạng chủng loại, tăng thu nhập của nông dân trên cùng đơn vị diện tích như Israel vẫn còn trên ý tưởng. Tuy nhiên, theo nhận định của các nhà chuyên môn, triển vọng từ một nền sản xuất tiên tiến đã mở ra. “Đây đã là thời điểm chín muồi của nông nghiệp công nghệ cao trước vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm quá xuống cấp, tình trạng người sản xuất lạm dụng thuốc bảo vệ thực vật, chất cấm trong chăn nuôi tràn lan… Tam Kỳ rất tâm huyết về vấn đề này, nếu làm thành công, sẽ tạo động lực cho sự phát triển. Dù khó nhưng nếu quyết tâm thì sẽ làm được và doanh nghiệp cũng sẽ vào cuộc nếu được hỗ trợ cơ chế thuận lợi” - bà Trinh nói.

Chia sẻ về câu chuyện nông nghiệp công nghệ cao, ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT cho rằng, phải có doanh nghiệp làm “đầu tàu” mới được. Bởi lẽ nông dân Quảng Nam chưa đủ điều kiện, khả năng để làm nông nghiệp công nghệ cao. Rào cản với loại hình này cũng không ít, nhất là đất đai, đầu tư cơ sở hạ tầng ban đầu, chưa kể yếu tố thiên tai. “Một số người nghĩ ứng dụng công nghệ cao là phải do nhà nước đầu tư và thực hiện, nhưng thực tế chỉ có doanh nghiệp mới làm nổi. Quảng Nam kỳ vọng đi theo hướng của Lâm Đồng, tức là trước hết tiếp cận ở lĩnh vực hoa, rau củ quả. Chỉ cần doanh nghiệp đi tiên phong, sau đó thúc đẩy nông dân tham gia làm vệ tinh” - ông Lê Muộn nói. Cũng theo ông Muộn, đi cùng với triển vọng thì áp lực cũng không nhỏ, bởi nếu đầu tư ở lĩnh vực hoa, rau củ quả, e rằng doanh nghiệp sẽ khó chọn Quảng Nam mà chọn Lâm Đồng vì nơi đây hội đủ mọi điều kiện thuận lợi cho nông nghiệp công nghệ cao. Vì thế, tỉnh cần có một số cơ chế hỗ trợ đặc thù, ưu tiên lớn cho nông nghiệp công nghệ cao. “Chuyện đầu tư cho nông nghiệp công nghệ cao không khó, nhưng cái khó chính là đầu ra, phải tính đến chuỗi giá trị cung - cầu khi xây dựng mô hình, điều này hết sức nan giải. Mô hình dưa hấu VietGAP, lúa hữu cơ… đang bí đầu ra là một thực tế” - ông Muộn nhận định.
Ông Đặng Tấn Giản - Phó Chủ tịch Hội Nông dân chia sẻ, hội đang phối hợp với một vài công ty ở miền Bắc khảo sát, tìm vùng sản xuất cây măng tây xanh phù hợp ở Thăng Bình, Quế Sơn. Hội Nông dân đứng ra làm cầu nối giữa doanh nghiệp - nhà nông - nhà khoa học.  Doanh nghiệp sẽ chuyển giao giống, tiến bộ kỹ thuật, công nghệ trồng, tưới tiêu, chăm sóc, thu hoạch cho nông dân và bao tiêu sản phẩm. Nếu thuận lợi, vùng sản xuất thí điểm có thể lên tới 10ha và triển vọng từ cây măng tây xanh là rất lớn với hàng tỷ đồng/ha/năm. “Tuy nhiên, để thành công thì phải là doanh nghiệp điều tiết cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ, người dân mới có thể trụ được” - ông Giản nói. Ông Giản cho rằng, nông nghiệp công nghệ cao là xu thế phát triển tất yếu, có thể giải quyết được thực tế bức xúc hiện nay như mất an toàn vệ sinh thực phẩm, sử dụng chất cấm trong chăn nuôi…

HOÀNG LIÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hướng đến nông nghiệp công nghệ cao
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO