Năm 2018, lượng du khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến Khu đền tháp Mỹ Sơn tăng cao, đóng góp đến gần 60% tổng nguồn thu từ bán vé tham quan.
Mỹ Sơn hưởng lợi từ khách Hàn Quốc tăng cao. Ảnh: V.L |
Tăng đột biến
Theo ông Phan Hộ - Giám đốc Ban Quản lý Di sản văn hóa Mỹ Sơn, dự kiến hết năm 2018 Mỹ Sơn sẽ đón 390 nghìn lượt khách, doanh thu 60 tỷ đồng (phí tham quan 12 tỷ đồng và phí dịch vụ 48 tỷ đồng). Đây là số khách kỷ lục đến Mỹ Sơn trong vài năm trở lại đây. “Yếu tố tạo ra sự đột biến trên chính là lượng khách Hàn, Trung đến Mỹ Sơn tăng cao” - ông Hộ thừa nhận. Thống kê cho thấy, trong 3 năm trở lại đây lượng khách Hàn, Trung đến Mỹ Sơn luôn chiếm tỷ lệ cao trong tổng cơ cấu khách. Nếu như năm 2016 khách Hàn, Trung chỉ khoảng 28% thì năm 2017 đã chiếm trên 47% và năm nay ước đạt khoảng 60%. “Khách Hàn, Trung tham quan Mỹ Sơn cũng bình thường như mọi khách khác nên không có điều gì lợn cợn hay ồn ào cả” - ông Hộ cho biết.
Gần 20 năm qua Khu đền tháp Mỹ Sơn tập trung chủ yếu vào loại hình du lịch văn hóa sinh thái. Khách đến Mỹ Sơn không chỉ được trải nghiệm các giá trị văn hóa, lịch sử, kiến trúc, nghệ thuật, tâm linh… mà còn được thưởng ngoạn không gian sinh thái trong lành của cảnh quan núi, rừng, khe suối… Do đó, lượng khách đến khu đền tháp hầu hết là châu Âu (Tây Âu, Bắc Mỹ, Úc), những người có xu hướng ưa thích loại hình du lịch văn hóa, gần gũi với thiên nhiên. Số liệu cho thấy, từ năm 2000 đến những năm gần đây khách châu Âu đến Mỹ Sơn luôn chiếm tỷ lệ khoảng 80% trong tổng cơ cấu khách (20% còn lại là khách châu Á và Việt Nam). Tuy vậy, trước sự gia tăng của khách Hàn, Trung, thị trường khách châu Âu đã không còn chiếm tỷ lệ cao trong tổng cơ cấu khách đến Mỹ Sơn.
Thông tin từ Sở VH-TT&DL cho biết, tính đến tháng 9.2018 tổng lượt khách Hàn Quốc, Trung Quốc đến Quảng Nam đã hơn 400 nghìn lượt. Trong đó, khách Hàn Quốc tập trung nhiều nhất tại Hội An với gần 297 nghìn lượt, chiếm tỷ lệ gần 27% trong tổng cơ cấu khách quốc tế đến thành phố này. Sự xuất hiện của khách Hàn Quốc tại một số điểm du lịch của Hội An thời gian qua cũng ít nhiều gây lo lắng cho một số doanh nghiệp du lịch về sự ồn ào, thời gian lưu trú ngắn nhất là khả năng chi tiêu của thị trường khách này khá ít nếu so với khách châu Âu.
Hưởng lợi
Tuy nhiên, với Khu di tích Mỹ Sơn, nơi nguồn thu chính từ du lịch chủ yếu là vé tham quan và các dịch vụ ăn uống, bán hàng lưu niệm thì sự xuất hiện của thị trường khách Đông Bắc Á này lại khá phù hợp. Thậm chí, tại Mỹ Sơn khách Hàn, Trung mua sắm hàng lưu niệm cao hơn rất nhiều so với khách châu Âu và khách Việt. Tính đến tháng 11, tổng doanh thu từ dịch vụ bán hàng lưu niệm, giải khát, ăn uống của Mỹ Sơn đã đạt 5,1 tỷ đồng.
Ông Hộ cho biết, năm 2018, Mỹ Sơn được UBND huyện Duy Xuyên giao chỉ tiêu đón 320 nghìn lượt khách, tuy nhiên Ban Quản lý Mỹ Sơn đã đặt ra mục tiêu đón 360 nghìn lượt khách, và đến thời điểm hiện tại con số này đã vượt khá nhiều, dự kiến hết năm 2018 Mỹ Sơn sẽ đón 390 nghìn lượt khách. “Khách Hàn Quốc đến Quảng Nam tăng trong vài năm gần đây đã góp phần rất lớn cho sự tăng trưởng khách của Mỹ Sơn. Nếu không có thị trường khách này bổ sung thì Mỹ Sơn khó đạt được mục tiêu đặt ra, điều này là thực tế khi mà thị trường khách châu Âu đến Việt Nam, Quảng Nam đang có dấu hiệu chững lại”, ông Hộ nói.
Theo ông Lê Ngọc Tường – Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL, dù không đối xử, phân biệt thị trường khách, nhưng trong chiến lược phát triển du lịch của mình Quảng Nam luôn ưu tiên những thị trường khách truyền thống (Úc, Tây Âu, Bắc Mỹ) vì phù hợp với những sản phẩm du lịch văn hóa, sinh thái, làng nghề của Quảng Nam. Việc khách Hàn Quốc gia tăng và lan tỏa đến Mỹ Sơn nên nhìn nhận là tín hiệu tốt, ít ra là giúp tăng doanh thu từ việc bán vé và dịch vụ cho khách” .
VĨNH LỘC