Hương sen

HẢI TRÌNH 26/05/2013 09:58

Phải đến năm 13 tuổi, khi đã vượt qua một kỳ thi vào Đệ thất đầy khắc nghiệt, tôi mới được đặt chân lên thành phố học tiếp bậc trung học. Cũng may mắn cho tôi, khi được người chú họ cưu mang cho nơi ăn chốn ở đàng hoàng. Chú làm nghề đạp xích lô, nhà chú ở kiệt 5 đường Mã Khái (1), là khu đất thuộc sở Canh nông trong Thành nội. Cư dân nơi đây, phần đông là dân quê chạy ra thành phố  lánh nạn chiến tranh. Họ làm đủ nghề, từ phu xe, bốc xếp đến phu lục lộ vá đường. Đàn bà thì gánh nước mướn, hoặc buôn thúng bán bưng… Đặc biệt nơi đây là hầu như nhà nào cũng có một vài học sinh từ miền quê lên trọ học. Bởi vậy xóm tôi nghiễm nhiên trở thành xóm của học trò nghèo.

Là giáp trưởng, chú tôi có trách nhiệm đứng ra tổ chức các lễ cúng tế trong năm của xóm như kỳ yên, cúng cô hồn 23 tháng 5 (ngày thất thủ kinh đô), nhưng trọng đại hơn cả vẫn là ngày Phật đản. Tuy nghèo, nhưng người xóm tôi rất sùng đạo. Nghe đến Phật sự thì ai cũng xông xáo lo toan. Vào những ngày đầu tháng tư (2) mọi người đã bàn tính đến chuyện chuẩn bị lễ sao cho được chu đáo. Hằng ngày đầu tắt mặt tối với nghề đạp xích lô, nhưng vào những ngày này chú thường cho xe về sớm, để vận động bà con bàn tính việc trang hoàng, mua sắm cờ xí, hoa đăng nhằm thiết kế quyền môn sao cho được hoành tráng hơn năm trước. Được mấy vị cao niên đồng tình và nhất là sự hăng hái của đội ngũ học sinh lớn như chúng tôi, cứ vào ngày mồng 5 âm lịch mọi người đã bắt tay vào việc.

Tranh thủ học bài sớm, đúng 8 giờ mỗi tối, tất cả chúng tôi tề tựu đến nhà chú Phúc để làm lồng đèn. Tuy chỉ lớn hơn chúng tôi chừng 3-4 bốn tuổi, nhưng bọn tôi ai cũng gọi anh Phúc bằng chú. Có lẽ đây là thói xưng hô quen thuộc của những đứa trẻ vùng quê. Cha ông chúng tôi hồi đó đã cẩn trọng dạy dỗ con cháu đến cả cách xưng hô với người lớn: “Nhất tuế vi huynh, tam tuế vi thúc” (Hơn một tuổi là anh, hơn ba tuổi là chú). Vả lại, chú là người học giỏi, hay giúp người, nhất là trong việc học tập của chúng tôi nên được thương mến. Đội đèn lồng chúng tôi gồm năm đứa, dưới sự hướng dẫn trực tiếp của chú. Những chiếc đèn ú đều phải cùng một kích cỡ, tua lồng đèn cũng không được dài ngắn khác nhau. Chú bảo: “Cái đẹp cốt ở hài hòa”. Hăng say công việc, đến khuya mà vẫn chưa thấy buồn ngủ; bù lại, chúng tôi được chú thưởng mỗi đứa một ly chè đá bán dạo. Chiều hôm sau, đầu xóm tôi một quyền môn mừng Phật đản đã dựng lên trước vẻ hân hoan của bà con lối xóm.

Mới đi đâu về, thằng Thuẩn vừa dựng chiếc xe đạp vừa nói với vẻ tự đắc bằng cái giọng nhà quê đặc sệt: “Năm ni, quyền môn xóm mình đẹp nhứt. Nếu có được thêm bàn hương án thì tuyệt cú mèo”. Đang đứng chỉ chúng tôi dán những lá đạo kỳ vào sợi dây giăng ngang mặt quyền môn, bác Mẫn đã nhanh nhẩu chen vào: “Đừng lo, có sẵn rồi đó. Chỉ cần chục bông sen nữa là xong ngay”. Thằng Thuẩn trả lời gọn hơ: “Việc đó để cháu lo”. Sáng hôm sau, một hương án trang nghiêm đã được bày ngay trước cổng tam quan. Bộ tam sự bằng đồng bóng loáng do thầy giáo Thuyên vừa trịnh trọng mang đến. Chú Phúc thì chịu phần bức tượng đức Bổn sư trong tư thế tham thiền nhập định uy nghi, được đặt ngay chính giữa. Mọi người đang tất bật với công việc, bỗng nhiên thằng Thuẩn xuất hiện, dáng vẻ hớn hở tươi cười. Tay ôm một bó gì nằng nặng bọc trong tàu lá chuối, buộc hững hờ, lôi thôi lếch thếch. Hắn lặng lẽ để lên bàn hương án, rồi tự tay mình tẩn mẩn mở ra. Ôi thôi, thì ra là một mớ hoa sen bông dài, bông ngắn, bông nở, bông búp, bông non, bông già... Ngừng rót dầu lửa vào các chông đèn, chú Phúc liếc nhìn qua mỉm cười, rồi quay sang cầm tay nó dẫn qua quán nước phía bên kia đường trước con mắt ngac nhiên của mọi người. Gọi hai ly cà phê xong, chú nhìn ngay vào mặt nó mà nói chắc như bắp rang: “Hồi hôm em ăn cắp bông sen đó ở đâu?”.

Nó lí nhí trả lời trong miệng:

- Ở dưới hồ Tịnh Tâm.

- Mấy hôm rày chủ hồ cho người đi tuần tra ráo riết, bằng cách nào mà em qua mắt được họ?

- Nhờ học được kinh nghiệm của mấy đứa bạn bày cho. Hái một ngọn lá sen thật to, đội lên đầu. Khi ánh đèn của người đi tuần quét qua thì em hụp xuống, thế là an toàn tuyệt đối.

 Không nhịn được, chú Phúc cười sặc sụa. Nhưng chú kịp trấn tĩnh, lấy lại vẻ nghiêm nghị lúc ban đầu:
- Em có biết làm như vậy là sai trái không?

- Thưa chú, có ạ.

- Biết là sai sao em vẫn làm?

Nó nói trong niềm xúc động:

- Vì em lỡ hứa nhưng không đủ tiền để mua. Năm nay sen mất mùa, lại vào dịp đại lễ nên giá quá cao. Vả lại, em nghĩ em ăn cắp sen để cúng Phật thì cũng khác gì chủ hồ cúng Phật vậy.

Chú Phúc ái ngại nhìn vào khuôn mặt thểu não của nó, dịu dàng:

- Chú biết em có lòng thành như vậy là tốt. Nhưng không phải vì thế mà làm điều xằng bậy.

Rồi chú lại nghiêm giọng :

- Ăn cắp là phạm một trong 5 điều cấm của Phật tử, chắc em biết rồi chứ? Lại ăn cắp để cúng Phật thì tội lại càng lớn. Vả lại lý luận như em thì càng không thể chấp nhận được. Cứu cánh không thể biện minh cho phương tiện.

Trả tiền nước xong, chú Phúc choàng tay ôm vai nó. Qua lộ, hai người ghé lại quyền môn để làm nốt những phần việc còn lại. Lúc đó, chị Bốn cũng vừa đi bán về ghé vào. Cầm trên tay một bó sen với những nụ hoa hàm tiếu nồng ngát hương thơm, chị nói như để phân bua:

- Lễ Phật đản năm nay chủ hồ biếu cho mỗi khách hàng một chục bông để cúng vía Đản sinh. Nay tôi xin cúng dường phần mình để trang hoàng bàn hương án cho được mỹ quan.

 Chú tôi đưa hai tay ra đỡ lấy, vừa cười vừa nói trong nỗi hân hoan: “A Di Đà Phật! Tôi xin thay mặt bà con tán thán công đức của chị”. Rồi tự tay mình, chú cẩn trọng cắm vào chiếc độc bình men sứ có họa hình sơn thủy xanh lơ.

Trên tán lá xanh rờn của cây đa cổ thụ bên khuông Tịnh Bình, chiếc loa phóng thanh đang phát đi những lời ca ngọt ngào, thân quen vào mỗi mùa sen nở: “Dòng A Nô Ma sóng nhấp nhô ngàn lau xanh…”. Làn gió thoảng ban mai ngát mùi hương sen hồ Tịnh. Tôi nghe trong gió như có muôn triệu lời ngọt ngào yêu thương của đồng loại đón mừng Đản sinh của đức Từ phụ.

HẢI TRÌNH
(1)  Nay là đường Nhật Lệ - Huế.
(2)  Trước năm 1963, Phật đản được tổ chức vào ngày 8 tháng 4 âm lịch.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hương sen
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO