Mục tiêu đưa cây sâm, loài dược liệu quý ở đỉnh núi Ngọc Linh trở thành cây hàng hóa; đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển công nghiệp sâm Ngọc Linh là hướng mà đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) kỳ vọng.
Sâm Ngọc Linh nuôi cấy mô. Ảnh: B.LIÊN |
Thương hiệu quốc gia
Đề án quốc gia về phát triển cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam, do UBND huyện Nam Trà My chủ trì) có những mục tiêu gắn với những cơ chế hỗ trợ, khuyến khích của tỉnh, của địa phương như một luồng gió mới thổi đến vùng sâm Ngọc Linh. Theo mục tiêu đề án, đến năm 2025 đưa Việt Nam trở thành nước sản xuất sâm đứng thứ 2 trên thế giới (sau Hàn Quốc); hằng năm sản xuất ra được 500 - 1.000 tấn sâm thương phẩm. Để đạt được mục tiêu đó, giai đoạn 2015 - 2020, hai huyện Nam Trà My và TuMơRông (Kon Tum) cần phát triển tổng cộng 200ha sâm với 2 triệu cây giống phục vụ trồng nhân rộng. Vùng sâm gốc bảo tồn được chọn tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang (Nam Trà My) và tại 2 xã Ngọc Lây, Măng Ri (Kon Tum). Song song với khâu bảo tồn, mục tiêu đề án hướng tới là phát triển vùng sâm theo hướng di thực ra những vùng có điều kiện tương đồng với khí hậu, thổ nhưỡng đỉnh Ngọc Linh ở 2 địa phương. Tại Quảng Nam, sẽ di thực cây sâm ra 30.000ha đất rừng ở 7 xã trên địa bàn Nam Trà My vốn nằm trong vùng quy hoạch cây sâm do UBND tỉnh phê duyệt trước đó. Việc xây dựng và đăng ký thương hiệu sâm quốc gia cũng được xúc tiến.
Theo ông Lê Muộn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, sở đang chủ trì, thuê đơn vị tư vấn quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh. Trong số khoảng 19.000ha đất rừng vùng Nam Trà My thuộc vùng khảo sát, có khoảng 6.000ha là phù hợp nhất, khả thi nhất cho trồng sâm. Cũng theo ông Muộn, chiến lược bảo tồn, phát triển sâm Ngọc Linh là chiến lược dài hơi, phải mất 15 - 20 năm bởi đòi hỏi nguồn vốn đầu tư lớn, trong khi đó nguồn giống sâm trở nên khan hiếm, công nghệ nuôi cấy mô theo đánh giá hiện nay lại không mấy khả quan. Cần phải theo dõi chặt chẽ về cây sâm mô, bên cạnh không ngừng nhân giống theo kiểu truyền thống để tạo nguồn giống đảm bảo. |
Ngoài ra, theo đề án, sẽ nâng cấp các tuyến đường trọng điểm dẫn vào vùng sâm tại Nam Trà My và TuMơRông; xây dựng nhà bảo tồn, trung tâm nghiên cứu di thực sâm, xây dựng quần thể du lịch sâm gốc nằm dọc theo hai bên sườn của đỉnh núi Ngọc Linh cao 2.578m thuộc 2 tỉnh Quảng Nam và Kon Tum phục vụ nhu cầu tham quan, nghiên cứu... Còn trên thực tế, thời gian qua, cùng với Kon Tum, Quảng Nam cũng có nhiều động thái tích cực trong chiến lược phát triển vùng sâm. Bên cạnh triển khai một loạt đề tài, dự án nghiên cứu khoa học về sâm Ngọc Linh như di thực cây sâm, nuôi cấy mô cây sâm..., nhiều quyết định, nghị quyết, cơ chế hỗ trợ và khuyến khích phát triển vùng sâm đã được đưa ra. Ví như Quy hoạch bảo tồn và phát triển cây sâm Ngọc Linh tại địa bàn huyện Nam Trà My giai đoạn 2015 - 2020, Cơ chế khuyến khích, bảo tồn phát triển sâm Ngọc Linh giai đoạn 2014 - 2020. Huyện Nam Trà My cũng đã ban hành nhiều nghị quyết thiết thực về cây sâm Ngọc Linh... Có thể nói, đó là những cơ sở, tiền đề tạo thuận lợi cho việc bảo tồn và phát triển vùng dược liệu quý này.
Chú trọng nguồn sâm giống
Tại Nam Trà My, hiện vùng sâm được bảo tồn và phát triển dưới nhiều hình thức. Trong nhân dân, tại 3 xã Trà Nam, Trà Linh và Trà Cang đã và đang hình thành 27 chốt trồng sâm với hơn 653.500 cây sâm bao gồm nhiều độ tuổi khác nhau. Trại sâm giống Tắk Ngo ở thôn 2, xã Trà Linh (do UBND huyện Nam Trà My quản lý, được hình thành năm 2013) hiện có hơn 20.000 cây sâm giống có độ tuổi 2 năm. Trại dược liệu Trà Linh (Sở Y tế quản lý) với tổng diện tích hơn 7,1ha trồng cây sâm có nhiều độ tuổi. Tại Kon Tum, vùng sâm trên 4.000m2 của người dân làng Lạc Bông (xã Ngọc Lei) được trồng từ năm 1995. Trung tâm sâm Ngọc Linh thuộc Công ty TNHH một thành viên Lâm nghiệp Đắk Tô đang quản lý trên 5ha cây giống sâm Ngọc Linh… Ông Hồ Quang Bửu - Phó Bí thư Huyện ủy, Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho biết, so với 4 nước sản xuất nhân sâm lớn nhất thế giới là Hàn Quốc, Trung Quốc, Canada và Mỹ với sản lượng sâm do các quốc gia này cung ứng ra thế giới 88.080 tấn/năm thì sản lượng từ vùng sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) vẫn còn như muối bỏ bể. Bài toán về cây sâm giống vẫn nan giải, thiếu hụt nghiêm trọng lượng cây giống. Dù huyện đã triển khai nhiều mô hình trồng sâm dưới giàn che mái, ươm giống trong khay, hướng dẫn nhân dân gieo ươm, nuôi trồng tự nhiên… song lượng cây con ươm tạo mỗi năm chưa nhiều. Việc hướng tới xây dựng vùng nguyên liệu ổn định, lâu dài là cấp thiết, rất cần cơ chế hỗ trợ của Nhà nước và thu hút doanh nghiệp đầu tư phát triển vùng sâm.
Ông Bửu thông tin, mới đây nhất, UBND tỉnh đã có quyết định thành lập Trung tâm sâm Nam Trà My, tạo đà giúp huyện chủ động trong khâu bảo tồn và phát triển nguồn giống. Vườn sâm của Nam Trà My đang ươm tạo khoảng 20.000 cây giống, dự kiến tháng 5.2015 này sẽ ra giống, phục vụ cấp giống trong dân. Hiện đã có 3 doanh nghiệp đăng ký đầu tư trồng sâm với tổng diện tích 350ha. “Hiện đề án quốc gia về cây sâm Ngọc Linh (sâm Việt Nam) cũng được UBND tỉnh giao Sở Kế hoạch - đầu tư chủ trì, sắp tới sẽ lấy ý kiến góp ý của các sở ban ngành để hoàn thiện, trình Chính phủ phê duyệt. Đây là đề án về cây xóa đói giảm nghèo, sát thực với tình hình của huyện nghèo nên tính khả thi rất lớn. Song, để đề án thành công, cần có sự chung tay của toàn xã hội, cụ thể là Nhà nước - nhà doanh nghiệp - nhà khoa học - nhà nông” - ông Bửu nói.
TRẦN BÍCH LIÊN