Hụt nguồn nguyên liệu

ĐĂNG QUANG 02/03/2020 11:58

Sau ngành du lịch và các loại hình dịch vụ thương mại, giờ tới lượt các ngành sản xuất công nghiệp bị ảnh hưởng nặng bởi dịch Covid -19.

Ở tầm quốc gia, chỉ số sản xuất công nghiệp 2 tháng qua chỉ tăng 6,2%, nhưng giảm khoảng 2% so với cùng kỳ. Trong đó, công nghiệp chế biến chế tạo chỉ tăng 7,4%, giảm 4% so với cùng kỳ. Không như các tỉnh thành lớn nhưng Quảng Nam cũng chịu ảnh hưởng chung, với chỉ số sản xuất ngành công nghiệp  giảm 18,4% so với cùng kỳ năm trước, trong đó chủ yếu giảm ở ngành chế biến chế tạo với 18%.

Đáng lo nhất là nguyên vật liệu cho sản xuất của ngành chế biến chế tạo đã tới hạn hết nguồn dự trữ. Như Cục Công nghiệp Bộ Công Thương cho biết, các doanh nghiệp điện tử chỉ đủ linh kiện sản xuất tới giữa tháng 3. Còn doanh nghiệp dệt may chỉ còn đủ nguyên liệu sản xuất tới đầu tháng 3, vì thế có khả năng phải dừng sản xuất.

Hình dung mức độ thiệt hại sẽ rất lớn nếu ngừng sản xuất khi hụt nguồn nguyên liệu. Đọc lại báo cáo thống kê năm rồi sẽ rõ: Ngành điện - điện tử, năm 2019 Việt Nam đã nhập khẩu khoảng 40 tỷ USD; trong đó, nhập khẩu các mặt hàng từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Nhật Bản đã là khoảng 32 tỷ USD. Ngành dệt may và da giày, túi xách, năm 2019 Việt Nam nhập khẩu 2,47 tỷ USD bông các loại; 2,3 tỷ USD xơ sợi và 12,7 tỷ USD vải; 5,6 tỷ USD nguyên phụ liệu.

Với ngành sản xuất lắp ráp ô tô, năm 2019 Việt Nam đã nhập gần 4 tỷ USD phụ tùng linh kiện, riêng số nhập từ Hàn Quốc, Nhật Bản và Trung Quốc khoảng 2,6 tỷ USD. Những con số đó cho thấy sự phụ thuộc rất lớn của ta vào nguồn cung nguyên vật liệu hàng hóa điện tử, ô tô, da giày… từ Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản.

Vì sao phải phụ thuộc đến thế? Hẳn là vì công nghệ phụ trợ sản xuất linh kiện của các nước đó đứng hàng đầu châu Á, như Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh đã nêu, Trung Quốc chiếm 40% chuỗi cung ứng châu Á, và 10% với Mỹ. Như vậy không phải riêng Việt Nam bị tác động mà nhiều nước trên thế giới cũng chịu ảnh hưởng.

Giải pháp nào cho tình huống “nước sôi lửa bỏng” này? Xem phân tích và khuyến nghị của các chuyên gia, thấy nhiều vấn đề đúng cả, như chuyện cần phải có biện pháp khuyến khích doanh nghiệp công nghiệp hỗ trợ trong nước, đặc biệt là doanh nghiệp sản xuất các nguyên phụ liệu đầu vào cho một số ngành công nghiệp như dệt may, da giày tăng cường sản xuất để đáp ứng một phần nhu cầu nội địa.

Tuy nhiên, muốn làm ra nguyên phụ liệu thay thế nguồn cung lâu nay thì phải có thời gian chứ không thể “một sớm một chiều”. Cho nên, có lẽ khả thi hơn là trước mắt ngành chức năng như Bộ Công Thương tích cực tổ chức các thương vụ tìm kiếm, cung cấp và cập nhật thường xuyên danh sách nhà phân phối, sản xuất xuất khẩu nguyên phụ liệu cho ngành dệt may, da giày, máy tính và nguyên nhiên vật liệu phục vụ sản xuất của ngành hóa chất, đồ gỗ, sắt thép...; từ đó, hỗ trợ các hiệp hội ngành hàng, các doanh nghiệp kết nối với nhà cung cấp nước ngoài khi được yêu cầu.

Các địa phương có sự phát triển tốt lâu nay với ngành dệt may da giày, ô tô, như Quảng Nam, thì chính quyền và các hiệp hội cần nắm rõ những khó khăn của doanh nghiệp về nguồn cung nguyên vật liệu để  đề xuất chính phủ và ngành chức năng hỗ trợ tháo gỡ.

Tình hình dịch bệnh Covid-19 dự báo sẽ còn phức tạp và kéo dài, ảnh hưởng tới chuỗi cung ứng sản xuất công nghiệp. Việc tái cơ cấu nguồn cung nguyên liệu, mở thị trường về các nước khác ngoài vùng dịch thông qua các FTA thế hệ mới, chắc chắn là điều phải làm. Đồng thời việc xúc tiến đầu tư công nghiệp hỗ trợ cần đẩy mạnh với giải pháp quyết liệt trong hỗ trợ mặt bằng, huy động vốn, công nghệ và nhân lực. Tất cả là để càng ít phụ thuộc vào một thị trường càng tốt, cả nguồn cung lẫn cầu.

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Hụt nguồn nguyên liệu
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO