"Huyện công nghiệp +"

Ghi chép của THANH THẢO 28/01/2014 12:47

(Xuân Giáp Ngọ) - Cách đây ngót 50 năm, lần đầu tiên tôi biết địa danh Núi Thành là qua một bài hát của nhạc sĩ Trọng Bằng. Bài hát có nhịp hành khúc, trầm hùng, quyết liệt: “Mờ trong màn đêm ánh sao soi đường ta đi/ Trông xa xa bóng Núi Thành…”. Đó là bài hát ca ngợi chiến thắng Núi Thành, nơi lần đầu tiên quân Giải phóng miền Nam đối đầu trực diện với quân đội Mỹ.

Cái duyên của tôi với Núi Thành, sở dĩ có được là do huyện “3 miền” (miền núi, đồng bằng, miền biển) này nằm vắt dài theo trục quốc lộ 1, nơi mà tôi thường qua lại sau giải phóng. Những năm đó, mỗi lần nhìn ngắm Núi Thành, cảm giác chung là vẫn như cũ, rất ít thay đổi. Cách đây mười mấy năm, thông qua anh bạn nhà văn Đà Linh quê Tam Giang (Núi Thành), lần đầu tiên tôi có dịp về thăm chơi và làm việc với huyện Núi Thành. Lúc bấy giờ, anh Phương (nay đã mất) là Bí thư Huyện ủy ân cần tiếp chúng tôi. Núi Thành lúc ấy còn nghèo, chưa có Khu Kinh tế mở Chu Lai hay các nhà máy hoành tráng như bây giờ. Trong câu chuyện của anh Phương, Núi Thành hiện lên với những chiến công thời chống Mỹ, với những danh xưng như “Chiến thắng Núi Thành” hay “Nóc ông Bền” - nơi nhà văn Phan Tứ từng sống trong thời chiến tranh để viết tiểu thuyết “Mẫn và tôi”.

Bây giờ nhớ lại, có vẻ đó đã là “chuyện đời xưa”. Dù chỉ 15 năm trôi qua, nhưng Núi Thành hôm nay đã khác nhiều quá.

“Trường Hải ô tô” và “công nhân Núi Thành”

Khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu Lai - Trường Hải, một cái tên khá dài nhưng tôi buộc phải nhớ, khi muốn viết cái gì đó về Núi Thành hôm nay. Vì chính cái tên dài dòng này mở đầu cho sự nghiệp “công nghiệp hóa” của huyện Núi Thành. Cũng là mở đầu cho ý tưởng và dự án Khu Kinh tế mở Chu Lai hình thành mấy năm sau đó.

Với 3.500 cán bộ công nhân viên, với kế hoạch sản xuất và lắp ráp 29.000 xe ô tô nhiều chủng loại trong năm 2013, với mức nộp ngân sách hàng năm dao động từ 3.200 - 4.100 tỷ đồng, “Trường Hải ô tô” chính là “chim đầu đàn” của công nghiệp Núi Thành và của cả Quảng Nam. Đây là cái duyên từ cả hai phía, nhà đầu tư và chủ đầu tư. Họ gặp nhau khá sớm trên vùng đất cát Núi Thành và đã phát triển cơ hội làm ăn. “Trường Hải ô tô” hôm nay đã có cảng container riêng của mình: cảng Tam Hiệp, được xây dựng bài bản, mỗi năm có khoảng 500.000 tấn hàng qua cảng.

Một góc khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu lai - Trường Hải.                 Ảnh: P.THẢO - MINH HẢI
Một góc khu phức hợp sản xuất và lắp ráp ô tô Chu lai - Trường Hải. Ảnh: P.THẢO - MINH HẢI

Những cảng biển, cảng sông của Núi Thành mỗi năm đón lượng hàng khoảng 1 triệu tấn, bằng một nửa lượng hàng qua cảng Đà Nẵng. Đó là con số không nhỏ, bởi ai cũng biết, có nhiều cảng biển hiện nay được xây dựng khá hoành tráng nhưng… không có hàng. Anh Nguyễn Tấn Nam - phụ trách văn phòng cảng Kỳ Hà cho biết: “Sắp tới chúng tôi xin nâng cấp cầu tàu cảng, tốn khoảng 400 tỷ đồng, nhưng sẽ đón được tàu 20.000 tấn. Và như thế, cảng Kỳ Hà sẽ “bao trọn gói” mặt hàng gỗ dăm xuất khẩu của Quảng Nam, lâu nay vẫn phải xuất qua cảng Dung Quất của Quảng Ngãi và chịu đội giá thành do đường xa”. Xin nói thêm, năm 2013, có 350.000 tấn hàng qua cảng Kỳ Hà, một con số khá ấn tượng nếu ta tận mắt nhìn vẻ khiêm tốn của cảng biển ấy.

Trở lại với “Trường Hải ô tô”. Khu phức hợp công nghiệp này bài bản tới mức từ năm 1998 đã có chi bộ Đảng, nay thành đảng bộ với 60 đảng viên. Giữ lời hứa sẽ thu nhận con em quê Núi Thành vào làm việc, “Trường Hải ô tô” cùng với các nhà máy khác đóng trên địa bàn Núi Thành có tới 70% cán bộ công nhân là người địa phương, trên tổng số 11.000 lao động. Một con số không hề nhỏ. Nhất là khi ta biết, ở nhiều địa phương có khu công nghiệp hay dịch vụ, tỷ lệ người địa phương được nhận vào làm việc rất thấp.

Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: P.THẢO
Khu Kinh tế mở Chu Lai. Ảnh: P.THẢO

Huyện công nghiệp, đầu vào và đầu ra

Với tỷ trọng công nghiệp và dịch vụ chiếm tới 82,19%, bây giờ phải gọi Núi Thành là “huyện công nghiệp” mới đúng. Một huyện nghèo, trước kia chỉ biết cấy lúa, làm muối và đánh cá, giờ bỗng trở thành “đất lành” cho những “đại gia” công nghiệp và dịch vụ công nghiệp đầu tư với quy mô lớn, đó chẳng phải là điều ngạc nhiên đáng mừng lắm sao!

Bây giờ, tỷ trọng nông nghiệp của Núi Thành chỉ còn khoảng 17,81%, trong đó thủy sản chiếm 6,5%. Với Núi Thành, một huyện không có những cánh đồng “thẳng cánh cò bay” và ruộng “nhất đẳng điền”, thì công nghiệp hóa là bài toán hợp lý để phát triển. Vì thế, Nhà nước đã cho thành lập Khu Kinh tế mở Chu Lai với những chính sách ưu đãi nhằm thu hút các nhà đầu tư. Dù chưa đạt được kế hoạch như dự tính, nhưng Khu Kinh tế mở Chu Lai đã đặt nền móng cho Núi Thành, trong tương lai có thể trở thành một đặc khu kinh tế.

Nhiều nhà máy ở Núi Thành sử dụng thiết bị hiện đại.                                                       Ảnh: P.THẢO
Nhiều nhà máy ở Núi Thành sử dụng thiết bị hiện đại. Ảnh: P.THẢO

Không thể huyện nào cũng có được một sân bay như sân bay Chu Lai của Núi Thành. Với diện tích 4.000ha, đây là sân bay có diện tích lớn nhất trong các sân bay Việt Nam hiện nay. Tuy bây giờ, sân bay Chu Lai hàng ngày chỉ đón và tiễn hai chuyến bay của máy bay cánh quạt ATR72 và hai chuyến bay của máy bay phản lực loại nhỏ Fokker70, nhưng với đường băng dài 3.050m, Chu Lai có tiềm năng rất lớn để trở thành một sân bay tầm cỡ của khu vực Đông Nam Á. Dĩ nhiên, mọi sự đầu tư chỉ đến khi tính được hiệu quả.

Núi Thành quả thực là vùng đất hội đủ cả “đầu vào” và “đầu ra” với cảng biển, cảng hàng không, quốc lộ 1 và ga tàu lửa tuyến Bắc - Nam.

Sự bình tĩnh khi thu hút hay “trải thảm đỏ” mời gọi các nhà đầu tư đã làm nên một mặt bằng chắc chắn cho Núi Thành. Cùng với thời gian, đã chứng minh được thành công của những nhà đầu tư nào có thực tâm, thực lực để đầu tư vào mảnh đất có rất nhiều thuận lợi cho công nghiệp và dịch vụ này.

Xôi nếp bầu -  “xóm tự lực”

Một khi công nghiệp phát triển, người ta phải nhìn lại về sự phát triển của các vùng nông thôn, nhìn lại đời sống của người nông dân xem có gì mới hơn, khác hơn theo hướng tích cực. Nghĩa là người nông dân được hưởng những lợi ích gì từ công nghiệp hóa? Với suy nghĩ đó, tôi theo nhà thơ Nguyễn Kim Huy - người quê xã Tam Mỹ Tây - về thăm cái xóm “độc canh” nơi chôn rau cắt rốn của anh.

Tên xóm là Đông An. Nghe kể, ngày xưa ở đây chỉ có chưa tới 30 nóc nhà. Bây giờ, cả xóm cũng chỉ có 42 hộ, nằm khá biệt lập ở một “vùng trũng”. Đường vào xóm đã bê tông hóa hoàn toàn. Anh Nhung, nguyên là cán bộ Đoàn, nguyên Phó Chủ tịch Hội nông dân huyện Núi Thành, kể với giọng tự hào: “Xóm tôi không chỉ tự làm đường bê tông, còn tự làm cả cầu đúc cho con em đi học an toàn, tự kéo điện về cho cả xóm bừng ánh điện từ rất nhiều năm trước”. Có thể gọi Đông An là “xóm tự lực”, vì người dân ở đây, tuy là “dân kháng chiến”, nhưng không hề ỷ lại, cũng chẳng công thần. Họ tự lo cho cuộc sống của xóm mình, để tuy không giàu có bằng ai, nhưng không hề đói kém. Trong sân nhà anh Nhung, đàn gà, vịt có tới năm bảy chục con, mà theo anh nói, bà con trong xóm đều nuôi nhiều gà vịt như vậy, vì điều kiện chăn nuôi ở đây khá thuận lợi.

Khi tôi đến nhà anh Nhung, mấy lão nông trong xóm nghe có nhà báo về chơi đã ngồi sẵn bên ấm chè xanh. Câu chuyện của các bác lão nông ở Đông An nghe mãi không chán, vì toàn là chuyện có thật. Rất sinh động và thực thà. Hóa ra, điều khiến các lão nông ở đây tự hào nhất về xóm mình không phải là đời sống ổn định, có bát ăn bát để, mà vì cả xóm đã có ngót 40 con cháu tốt nghiệp đại học và cao đẳng, có 2 thạc sĩ văn học và hiện hai “cháu ngoại” của xóm đang làm luận án tiến sĩ tại Úc và Pháp theo diện học bổng toàn phần. Xóm lại có 2 nhà văn - Hội viên Hội Nhà văn Việt Nam - là Nguyễn Kim Huy và Nguyễn Tam Mỹ. Thanh niên trong xóm bây giờ hầu hết đi làm nhà máy, công ty, tham gia vào guồng máy công nghiệp ở Núi Thành, ở Đà Nẵng, miền Nam. Có một điều hơi buồn, là trong xóm bây giờ chỉ còn lại toàn người cao tuổi.

Nhưng Đông An vẫn quyết duy trì và phát triển một đặc sản nông nghiệp của mình: đó là giống nếp bầu nổi tiếng - được coi là đặc sản của xóm, của xã. Vợ anh Nhung, như muốn chứng minh cái thơm ngon của giống nếp này, đã nhanh tay bắc nồi thổi xôi. Chúng tôi chuyện trò chưa giập bã trầu thì chị Nhung đã bưng đĩa xôi nếp bầu thơm nức lên mời. Các lão nông nói với tôi: món xôi này phải “ăn kèm” với cá rô mề ruộng trũng nướng lửa than hoa thì mới “đúng điệu”. Ối trời, xôi nếp bầu hay cá rô mề nướng của Đông An, ăn riêng cũng quá ngon rồi, nói gì tới “ăn kèm”! Khi tiễn tôi, gia chủ đã cẩn thận gói một gói nếp bầu biếu “nhà báo ăn lấy thảo”. Đúng là quá thảo!

Một xóm khá biệt lập như Đông An mà bây giờ số lượng thanh niên có học đông đến vậy, đi làm ở các nhà máy trên địa bàn huyện nhiều đến vậy, thì quả thật, công nghiệp đã tác động tích cực tới đời sống của nông thôn Núi Thành rồi. Bây giờ, tôi có thể gọi Núi Thành là “Huyện công nghiệp +” được chứ! Dấu (+) này là cộng với nông nghiệp, ngư nghiệp, cộng với đời sống của nông dân, ngư dân huyện Núi Thành đã có những thay đổi tích cực nhờ công nghiệp hóa.

 Ghi chép của THANH THẢO

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
"Huyện công nghiệp +"
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO