Một sân chơi trí tuệ mở ra hy vọng về một “thương hiệu” cho ngôi trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm (TP.Tam Kỳ; gọi tắt là trường Nguyễn Bỉnh Khiêm).
Từ chương trình “Đường lên đỉnh Olympia” dành cho lứa tuổi THPT, một số cựu học sinh Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm đã bàn nhau về một sân chơi cho các lứa học sinh đàn em mang tên “Huyền thoại Everest”. “Một sân chơi lành mạnh, bổ ích cho học sinh trường chuyên, từ đây tìm kiếm những gương mặt xuất sắc có thể đại diện cho trường tham gia các cuộc thi học thuật, đặc biệt là cuộc thi “Đường lên đỉnh Olympia” của Đài Truyền hình Việt Nam. Hơn thế nữa, chúng tôi muốn hướng tới một hoạt động lâu dài, một điểm nhấn, là thương hiệu riêng khi nghĩ đến THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm của Quảng Nam” - Nguyễn Văn Đặng Sơn, thành viên nòng cốt tổ chức chương trình “Huyền thoại Everest”, chia sẻ. Vậy là sau thời gian ấp ủ, lên kế hoạch tổ chức, tìm kiếm nguồn tài trợ, các thành viên là cựu học sinh của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đã tạo nên một sân chơi khá lý thú ngay tại trường cũ, thu hút học sinh toàn trường tham gia. Và trước thềm mùa tựu trường năm học mới 2015 - 2016, “Huyền thoại Everest” đã chính thức bắt đầu. Chương trình được tổ chức thành nhiều vòng thi, tuyển chọn những học sinh vượt qua các câu hỏi ở nhiều lĩnh vực và chọn ra 4 học sinh xuất sắc nhất để vào chung kết.
Thí sinh cuộc thi “Huyền thoại Everest” Trường THPT chuyên Nguyễn Bỉnh Khiêm giao lưu tương tác với khán giả. Ảnh: LÊ QUÂN |
Thể thức thi của đêm chung kết hôm 23.8 vừa qua giống như của chương trình Đường lên đỉnh Olympia - VTV3, gồm cả 4 phần “khởi động, vượt chướng ngại vật, tăng tốc và về đích”. Từng gói câu hỏi được các cựu học sinh chọn lọc kỹ càng, đầu tư bài bản. Ngay cả phần mềm ứng dụng trong cuộc thi cũng tương tự Đường lên đỉnh Olympia để giúp thí sinh làm quen, nếu được tham gia cuộc chơi lớn khỏi phải bỡ ngỡ. Phần mềm này cũng do cựu học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm đang công tác, học tập trong nước và ở các nước Malaysia, Hàn Quốc, Mỹ… phối hợp thực hiện. Cấu trúc phần mềm này và ứng dụng của nó khiến khán giả tham dự đêm chung kết “Huyền thoại Everest” vô cùng ấn tượng. Cũng như vậy, sự đầu tư sân khấu, các clip hình ảnh về ngôi trường cũng do các thành viên Ban tổ chức “Huyền thoại Everest” thực hiện đã gây bất ngờ và xúc động cho nhiều người. Hồ Phú Quốc - nghiên cứu sinh Đại học Chicago (Mỹ), là học sinh khóa 2 của trường Nguyễn Bỉnh Khiêm, cũng tham gia tư vấn, trợ giúp tổ chức sân chơi này, chia sẻ: “Mình rất bất ngờ về sự năng động và sức sáng tạo của các em khóa sau. Hy vọng sân chơi này được duy trì để trở thành một kênh kết nối các thế hệ học sinh trường Nguyễn Bỉnh Khiêm”.
Những cái tên học sinh của trường một thời từng làm nên “hiện tượng” ở cuộc thi Đường lên đỉnh Olympia - VTV3 như Nguyễn Văn Đặng Sơn, Trần Lê Phương, Nguyễn Nhựt Trường…, với sự nhiệt thành của mình đã góp phần tạo nên sân chơi này. Tham dự đêm chung kết, thầy Phan Văn Chương - Phó Hiệu trưởng nhà trường nhìn nhận: “Sự nỗ lực tìm tòi của các cựu học sinh đã làm nên một chương trình rất hay. Khối lượng kiến thức của chương trình đặt ra khá phong phú và hấp dẫn, thu hút được các thế hệ học sinh tham gia”.
Dù các thành viên của Ban tổ chức đều học tập và làm việc cách Quảng Nam cả nghìn cây số, nhưng không vì thế mà “sức nóng” của chương trình giảm đi. Bởi trước đó, tận dụng tất cả phương tiện có được, nhất là từ mạng xã hội, dù gặp nhiều khó khăn nhưng các bạn đã đan dệt một mạng lưới rộng khắp, kết nối hơn 10 thế hệ cựu học sinh nhà trường bằng những câu chuyện ký ức về mái nhà chung Nguyễn Bỉnh Khiêm. Nguyễn Văn Đặng Sơn cho biết, để có một chương trình thành công, tôi cùng một nhóm cựu học sinh đã tổ chức nhiều hoạt động nhằm kêu gọi, kết nối các thế hệ học sinh nhà trường. Đồng thời tổ chức các hoạt động thi online để mọi người có thể đăng ký tham gia, cùng giao lưu, qua đó huy động sự ủng hộ của các cựu học sinh trong việc xây dựng hệ thống câu hỏi cũng như kêu gọi hỗ trợ về mặt kinh phí… “Tôi nghĩ “Huyền thoại Everest” sẽ là điểm tựa để tiến tới nhiều hoạt động trong tương lai với những cuộc thi liên quan đến mái trường Nguyễn Bỉnh Khiêm. Lâu dài, nếu phát triển tốt, từ chương trình có thể thành lập quỹ học bổng hỗ trợ cho học sinh của trường có hoàn cảnh khó khăn” - Đặng Sơn chia sẻ.
Kết quả chung cuộc, Nguyễn Minh Nghĩa, học sinh lớp 11 (chuyên Sử Địa) vô địch “Huyền thoại Everest”. Từ đây, Nghĩa sẽ cùng tham gia vào nhóm cựu học sinh của trường từng dự thi Đường lên đỉnh Olympia - VTV3 để rèn luyện, chờ đến ngày “lên đường” được tham gia cuộc thi lớn. Mong rằng sân chơi này sẽ được duy trì, như cái cách các cựu học sinh đã kỳ vọng vào một “thương hiệu” của trường chuyên. Mô hình sân chơi này, nếu được quảng bá rộng rãi, sẽ là một cơ hội tốt để học sinh THPT trau dồi thêm kiến thức.
LÊ QUÂN