Với sự hỗ trợ của ngành chức năng, nhiều địa phương ở Tam Kỳ đang phát triển mạnh cây hoa ly. Thời tiết thuận lợi, người trồng hoa đang hy vọng dịp tết này sẽ bội thu.
Các hộ dân trồng hoa ly ở TP. Tam Kỳ cho hiệu quả kinh tế cao. Ảnh: H.TÂN |
Cây cảnh “hết thời”
Chúng tôi tìm về làng hoa An Sơn một thời nổi tiếng không chỉ với những loài hoa dân dã như cúc, ly, hướng dương, vạn thọ... mà còn được biết đến với nhiều loại cây cảnh có giá vài tỷ đồng. Bây giờ, làng hoa không còn. Đất nhường chỗ cho đô thị hóa. Nhiều người buồn và nuối tiếc vì không giữ được nghề. Nhưng những cây kiểng đẹp như một “bức bình phong” với giá không định được vẫn được những ông chủ yêu nghề giữ lại. Ông Lê Đình Hoàng (khối 7, phường An Sơn) cho biết, năm 2011, những người yêu cây cảnh đứng ra thành lập câu lạc bộ (CLB) cây cảnh phường An Sơn, ông làm phó chủ nhiệm. CLB ra đời với gần 30 thành viên, mong muốn kết nối những người yêu thích nghề trồng cây cảnh lại với nhau; chia sẻ cách chăm sóc, cách uốn nắn cho cây và cả việc “môi giới” cho nhau để bán cây cảnh, mong gầy dựng lại làng hoa phát triển.
Nhưng đến nay, CLB không phát triển được, không sinh hoạt. Cây cảnh cũng “rớt” giá. Nhiều người không còn mặn mà với nghề. Vườn nhà ông Hoàng những năm trước được các “đại gia” ở miền Bắc ra giá cây tới hàng chục tỷ đồng. Nhưng khoảng 2 năm nay, giá hỏi mua không được một nửa. Cây “ngai vàng” hơn 50 tuổi có giá 1 tỷ đồng, nay được trả chỉ 400 triệu đồng. Hay cây “đa làng”, năm trước trả với giá 120 triệu đồng, nay chỉ hỏi mua với giá 50 triệu. “Cây cảnh rất vô giá, cây nào có đẳng cấp rồi thì không định giá được. Chỉ người biết ngắm mới biết giá trị của nó. Đắt rẻ cũng tùy vào điều kiện kinh tế. Tôi không bán, vì muốn giữ lại để ngắm, để thỏa cái thú thích chơi cây cảnh của mình” - ông Hoàng chia sẻ.
Khoảng 2 năm trở lại đây, đời sống kinh tế khó khăn. Ít người còn để ý đến thú chơi “đẳng cấp” này. Cây cảnh cũng theo đó mà rớt giá. Đất càng bị thu hẹp, làng hoa cũng không còn. Ông Huỳnh Công Nam (khối phố 1, phường An Sơn) cho biết, những năm trước gia đình ông vừa trồng hoa để bán quanh năm vừa làm nghề trồng cây cảnh như sanh, mai, lộc vừng… Nhưng bây giờ, ông không còn yêu nghề vì không bán được. Cũng không có một tổ chức nào đứng ra hỗ trợ việc thu mua, phân phối đưa cây ra thị trường. “Ai cũng muốn “ôm” lấy cái nghề này mà sống, nhưng tự cung, tự cấp, tự sản xuất thì khó lắm, nên làng hoa cứ thế mà lụi dần, đời sống người trồng hoa gặp nhiều khó khăn” - ông Nam chia sẻ.
Chuyển hướng
Trước thực trạng cây cảnh đang rớt giá như hiện nay, các ngành chức năng ở thành phố đang tìm hướng đi mới cho làng hoa bằng mô hình trồng hoa dân dã như hoa ly, cúc, mang lại hiệu quả kinh tế và nhất là không lạm dụng nhiều đất để sản xuất. Đây là mùa ly thứ 3, những nông dân ở Tam Kỳ mạnh dạn áp dụng những kỹ thuật trồng trọt hiện đại cùng với kinh nghiệm vào việc trồng hoa ly. Đây cũng là năm hứa hẹn một mùa thu hoạch đạt lợi nhuận kinh tế cao. Năm nay, có 10 hộ tham gia trồng thí điểm mô hình này cùng sự hỗ trợ kỹ thuật của Trung tâm Chuyển giao công nghệ thành phố với 8.000 củ ly cùng 4 sào hoa cúc, tập trung ở các phường Trường Xuân, An Sơn, Hòa Hương, Tân Thạnh và xã Tam Ngọc.
Ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Trung tâm Chuyển giao công nghệ thành phố cho biết: “Với chủ trương phát triển Tam Kỳ theo hướng nông nghiệp đô thị nên phải tập trung vào việc qui hoạch, phân bổ và hỗ trợ mọi điều kiện về giống, phân bón, qui trình, kỹ thuật trồng hoa ở những nơi làm điểm. Mô hình trồng hoa ly rất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, bởi diện tích đất đang bị thu hẹp dần do quá trình đô thị hóa. Mô hình này hiện mang lại hiệu quả kinh tế cao. Để tăng hiệu quả kinh tế, năm nay và những năm đến trung tâm sẽ hỗ trợ tích cực cho nông dân phát triển mô hình trồng cây hoa này”.
Mô hình trồng hoa thí điểm của anh Nguyễn Văn Nhân (khối phố 6, phường An Xuân) với gần 1.000 củ ly. Năm ngoái, chỉ trồng 500 củ ly, anh đã bán với giá từ 50 - 60 ngàn đồng/chậu, lãi gần 5 triệu đồng. Năm nay, thời tiết thuận lợi, hoa ly đang nhú mầm khỏe mạnh. Anh Nhân cho biết, năm nay hoa ly chắc sẽ có giá hơn và nếu thời tiết tốt như hiện tại thì sẽ cho lợi nhuận cao hơn. Với sự hỗ trợ của các ngành chức năng, chị Nguyễn Thị Oanh (thôn Thọ Tân, xã Tam Ngọc) được hỗ trợ 500 củ ly. Năm ngoái chỉ 200 củ ly, nhưng cho thu nhập được 3 triệu đồng. Năm nay, nếu hoa ra đều, chị tính sẽ có lãi khoảng hơn 5 triệu đồng. Chị cho biết, trồng hoa ly dễ hơn những loại hoa khác. Chỉ cần biết chút ít về kỹ thuật, cùng học hỏi kinh nghiệm của bạn bè trồng trước thì có thể trồng được. Hoa ly cũng không chiếm diện tích đất nhiều nhưng cho hiệu quả kinh tế cao.
Hoa ly thích hợp với khí hậu mát, nhưng cũng dễ trồng. Tuy nhiên, theo ông Nguyễn Quốc Tuấn, để trồng được hoa ly với số lượng lớn và đảm bảo cho thu nhập cao, người trồng hoa nên làm giàn lưới và tưới nước để giữ độ ẩm cho cây. Một trong những lo lắng của nông dân trồng hoa ly là mua cây giống với giá cao. Tuy nhiên, thành phố cũng đã chủ trương năm đến sẽ tiếp tục hỗ trợ người dân về giống, phân bón và kỹ thuật. Đây cũng là hướng góp phần chuyển đổi ngành nghề, nâng cao đời sống cho nông dân, đặc biệt thúc đẩy mạnh mẽ định hướng phát triển nông nghiệp đô thị của TP. Tam Kỳ trong thời gian đến.
H.Tân - L.Quân