Bộ Giáo dục Indonesia vừa công bố kế hoạch gây tranh cãi về số giờ học ở trường dành cho học sinh.
Đầu tháng 8 vừa qua, tân Bộ trưởng Giáo dục Indonesia, Muhadjir Effendy giới thiệu về chương trình tăng giờ ở trường dành cho các em học sinh từ tiểu học đến THCS. Theo đó, học sinh ở các cấp học này sẽ tham gia chính khóa và các hoạt động khác ở trường từ 7 giờ sáng đến 5 giờ chiều mỗi ngày, trừ hai ngày nghỉ cuối tuần thay vì trước đó các em chỉ ở trường từ 6 - 7 tiếng với một ngày nghỉ cuối tuần. Bộ trưởng Muhadjir Effendy cho biết, kế hoạch trên nhận được sự ủng hộ tích cực của Tổng thống Joko Widodo và Phó Tổng thống Jusuf Kalla của Indonesia để được triển khai thí điểm trước khi bắt đầu có hiệu lực.
Học sinh miền Đông Java - Indonesia, đến trường. Ảnh: dreamstime |
Người đứng đầu ngành giáo dục của Indonesia lý giải, nhiều học sinh tiểu học và THCS thường kết thúc giờ học ở trường vào lúc một giờ chiều. Trong khi đó các bậc phụ huynh phải tan sở lúc 5 giờ chiều. Như vậy, nhiều gia đình không có điều kiện để đưa đón và chăm sóc các em. Thêm giờ ở trường, các em được học thêm kiến thức như môn toán, khoa học, các hoạt động ngoại khóa như thể thao, ngôn ngữ, tôn giáo… Kế hoạch trên cũng nhận được sự ủng hộ của nhiều chính trị gia, các bậc phụ huynh trong bối cảnh xếp hạng của nền giáo dục của Indonesia còn ở mức thấp so với hệ thống giáo dục toàn cầu. Như vậy, nhà trường sẽ giúp các bậc phụ huynh yên tâm hơn với công việc để góp phần vào tăng trưởng của nền kinh tế Indonesia.
Mustiana Dewi ở Bekasi, thành phố miền Tây Java, có con gái đang theo học trường phổ thông cơ sở tư thục nói: “Chương trình sẽ khuyến khích con gái tôi tham gia nhiều hoạt động ngoại khóa bổ ích ở trường bên cạnh kiến thức chính khóa, giảm thời gian xem quá nhiều tivi hay dán mắt vào màn hình điện thoại, máy tính ở nhà”. Còn chị Ruth Ninajanty, một phụ huynh có con trai lên lớp 5, tên là Andrew cũng tại Java kể lại, chị có hỏi Andrew nghĩ sao về việc tăng số giờ học ở trường. Andrew trả lời: “Con không nghĩ lớp học kết thúc vào lúc 4 giờ chiều theo kế hoạch, so với 2 giờ chiều như trước đây là quá dài. Nhưng ở trường con sẽ được tham gia ngoại khóa như chơi cờ, rất thú vị”.
Tuy nhiên, kế hoạch tăng giờ dạy học ở trường đón nhận không ít ý kiến trái chiều. Một số chuyên gia phân tích cho rằng điều đó sẽ gây nên áp lực cho các học sinh và giáo viên. Như tại nhiều quốc gia châu Á, học sinh thường được giao nhiều bài tập ở nhà và trải qua rất nhiều kỳ kiểm tra trên lớp, nhất là đối với các kỳ thi quốc gia. Các giáo viên tăng giờ dạy sẽ không còn nhiều thời gian để chăm sóc gia đình như trước trong khi nhiều giáo viên có mức lương khá thấp. Do đó, việc đánh giá học lực hay tổ chức các kỳ thi vốn gây áp lực cho học sinh cần được xem xét lại. Còn nếu như kế hoạch chính thức được áp dụng, việc tăng giờ học ở trường nên tập trung hơn vào phát triển tính sáng tạo, tinh thần đoàn kết, hợp tác hay các kỹ năng sống cho các em học sinh.
Wiwin Darwinah, phụ huynh có hai con theo học trường tiểu học công ở Ciputat, thành phố South Tangerang cho hay: “Thực tế con em các nhà khá giả đang học tại các trường tư thục có thể học đầy đủ chương trình theo kế hoạch tăng giờ. Thế nhưng con em các gia đình kinh tế khó khăn tại trường công rất khó để chi trả thêm học phí cho các giờ học thêm và đối tượng này rất cần được hỗ trợ”.
QUỐC HƯNG