Indonesia - một trong 10 thành viên của ASEAN (Hiệp hội các nước Đông Nam Á) đang ráo riết chuẩn bị tiến trình hội nhập khi Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) chính thức ra đời vào cuối năm nay.
Tuyên bố Kuala Lumpur năm 2015 về việc thành lập Cộng đồng ASEAN mang ý nghĩa bước ngoặt lịch sử của khu vực, sau 48 năm ra đời và phát triển, được xem là một bước tiến quan trọng trên con đường hội nhập kinh tế của các nước trong khu vực. Trong đó, AEC là một trong 3 trụ cột chính của Cộng đồng ASEAN chính thức ra đời vào ngày 31.12.2015. Khi đi vào hiệu lực, một thị trường chung ASEAN hơn 600 triệu dân, hơn 2.600 tỷ USD cam kết tiếp tục xóa bỏ các hàng rào thuế quan và phi thuế quan, tạo điều kiện thuận lợi cho trao đổi mậu dịch, đầu tư và nguồn lao động di chuyển tự do giữa các nước ASEAN.
Một xưởng may mặc tại Indonesia. Ảnh:SBS |
Như nhiều thành viên ASEAN, Indonesia đang tăng tốc nhiều chương trình để nắm bắt cơ hội cũng như ứng phó với không ít thách thức trong ngôi nhà chung ASEAN thống nhất nhưng đa dạng. Chính phủ Indonesia cải cách minh bạch các thủ tục thuế quan tại các hải cảng lớn, giảm chi phí logistics để mang lại hiệu quả cho sản phẩm khi cạnh tranh. Indonesia chuẩn bị kế hoạch tổng thể về tăng tốc và mở rộng nền kinh tế Indonesia cùng nhiều kế hoạch chi tiết liên quan đến tài chính, cải thiện nhiều quy chế nhằm thu hút đầu tư, tăng cường tính cạnh tranh…Ngoài ra, nhiều diễn đàn về chuẩn bị cho AEC được tổ chức thường xuyên, khắp các tỉnh thành với sự tham gia của các thống đốc ban, các nhà doanh nghiệp.
Các chuyên gia kinh tế cho rằng, AEC ra đời mang lại ý nghĩa rất lớn cho Indonesia - thị trường đông dân nhất khu vực với hơn 230 triệu dân. Bên cạnh đó, Indonsia hiện là nền kinh tế lớn nhất khu vực với quy mô tổng sản phẩm quốc nội hiện ở mức 870 tỷ USD và sẽ đạt 1,14 nghìn tỷ USD vào năm 2017. Vì vậy, AEC sẽ tạo ra nhiều thuận lợi hơn so với rủi ro và thách thức cho các doanh nghiệp địa phương trong tiến trình hội nhập vào thị trường lớn ASEAN. Lãnh đạo Hiệp hội các công ty sản xuất ô tô của Indonesia - Noegardjito nói: “Đối với các nhà sản xuất, riêng trong lĩnh vực ô tô của Indonesia thì một thị trường chung rộng lớn là cơ hội lớn và nhiều công ty đã chuẩn bị kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất từ cuối năm nay để sản xuất sang thị trường khu vực”. Hiện Indonesia là nhà sản xuất ô tô lớn thứ hai với 1,8 triệu chiếc năm 2014, chỉ sau Thái Lan trong khu vực ASEAN.
Tổng thống Indonesia Joko Widodo thông báo việc Indonesia thực hiện hành động theo Thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Agreement) được các thành viên ASEAN ký kết vào năm 2007 nhằm đào tạo nguồn nhân lực có tay nghề cao, đáp ứng nhu cầu cạnh tranh tự do di chuyển trong khu vực đặc biệt bao gồm kỹ thuật viên, kiến trúc sư, y tá, nha sĩ, kế toán, nhân viên ngành du lịch. Chương trình đào tạo chuyên môn này được chính phủ Indonesia kiểm soát trong phương án, chương trình đào tạo ngay tại các trường đại học, từ đầu vào cũng như đầu ra nhằm đáp ứng tốt nhất nhu cầu thị trường chung ASEAN.
Chính phủ Indonesia còn chú trọng việc tạo thuận lợi cho lao động tiếp cận nguồn vốn và thông tin. Trong đó đặc biệt tập trung đến việc chuyển giao công nghệ, chuyển nền kinh tế từ tiêu thụ sang sản xuất để giảm chi phí và tăng thu nhập nhập cho người dân.
NAM VIỆT