Ka Đắp hết...sợ lũ

Ghi chép của ĐĂNG NGUYÊN 02/12/2017 09:23

Chủ tịch UBND xã Arooih (huyện Đông Giang) - ông Hôih Bảy nói với chúng tôi, rằng sau hàng chục năm sống cô lập phía bên kia dòng A Vương, hơn 30 hộ dân ở làng Ka Đắp bây giờ đã hết… sợ lũ. Là khi, con đường bê tông mới được đầu tư về tận ngõ làng, từ một năm nay.

Một góc con đường mới được mở về làng Ka Đắp. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Một góc con đường mới được mở về làng Ka Đắp. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

Trưa, từ phía bên này sông A Vương nhìn về làng Ka Đắp, những mái nhà thấp thoáng dưới màu xanh của rừng. Dòng A Vương vẫn đục ngầu, xuôi theo những cơn mưa rừng và lũ đầu nguồn đầy hung dữ. Nhưng lần này trở lại, chúng tôi nghe được câu chuyện thật khác về làng, cùng tin vui mới: Ka Đắp không còn sống trong cảnh bị cô lập với bên ngoài.  

1. Chúng tôi men theo con đường bê tông uốn lượn chạy dài dưới chân núi nối làng Ka Đắp với tuyến đường Hồ Chí Minh tại điểm dân cư A Dinh (thị trấn P’rao). Dưới ngút ngàn rừng keo, bất chợt gặp từng chuyến xe gắn máy tìm về làng, rồi trở ra, mang theo những mặt hàng nông sản đặc trưng của đồng bào Cơ Tu. Mới thấy, tuyến đường như một ngả rẽ để người làng Ka Đắp thay đổi vận may, sau hàng chục năm “ẩn mình”. Dừng chân nơi cổng làng trên đỉnh đồi, đã nghe tiếng xe máy từ phía xa vọng lại, cùng tiếng rao của những người bán buôn.

Ka Đắp, giờ đây đã không còn là “làng ốc đảo” như nhiều năm trước. Phía khúc sông A Vương trước làng, nay cũng vắng đi bóng dáng của những chiếc bè nứa - thứ phương tiện duy nhất để người làng vượt sông mỗi khi cần đi ra bên ngoài. Một sự đổi khác, hiện hữu ở Ka Đắp. Trưởng thôn - ông Arâl Thương đón chúng tôi hồ hởi hệt như được gặp lại người bạn cũ. Mùa này, căn nhà sàn của ông chất đầy những bồ thóc sau vụ thu hoạch lúa rẫy. Câu chuyện về làng, bên chén trà ấm cứ thế miên man theo những đổi thay rất mới, bắt đầu từ con đường bê tông dưới chân núi, dài hơn 5 cây số, được đầu tư theo chương trình phát triển giao thông nông thôn miền núi. “Hồi trước, người làng muốn đi ra ngoài trung tâm xã hoặc lên thị trấn cũng đều phải bơi qua sông hoặc chèo bè nứa, rất nguy hiểm. Hơn một năm nay, khi con đường bê tông nông thôn được mở về tận làng, tình trạng vượt sông không còn diễn ra nữa. Ai cũng vui, vì cuối cùng người làng Ka Đắp này cũng đã có con đường để đi, để mở hướng phát triển kinh tế” - ông Thương nói, rồi chỉ tay về phía bến sông giờ đã rậm rịt cỏ cây. Cũng phải, con đường mới được đầu tư, bến sông xưa đã trở thành lối cũ, chỉ còn lại trong ký ức của người làng. Vui có, buồn có, bao câu chuyện cứ thế cuốn theo dòng nước trôi bồng bềnh.

Kể từ khi hàng quán của Arâl Thanh được dựng lên, đã phục vụ tốt cho cuộc sống bà con dân bản. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN
Kể từ khi hàng quán của Arâl Thanh được dựng lên, đã phục vụ tốt cho cuộc sống bà con dân bản. Ảnh: ĐĂNG NGUYÊN

2. Già làng Arâl Ta Hước nhẩm tính, cả làng có gần 20 chiếc xe máy, trong đó hơn một nửa được mua về khi có con đường. “Ngày trước, cũng có một vài hộ mua xe, nhưng không mang về nhà được, mà chỉ gửi lại ở bờ sông hoặc nhà dân ở phía bên kia sông. Xe mất mấy đợt, khổ lắm” - già Ta Hước nhớ lại. Ánh mắt của vị già làng xa xăm, cố lần giở từng ký ức. Câu chuyện ngày cũ, là những năm tháng sống cô lập giữa rừng. Chỉ một trận mưa, nước sông dâng lên, lũ về, là không thể ra ngoài. Bao mùa mưa nắng, những bè nứa chòng chành chở người làng sang sông. Rồi những ngày tết, trời rét đậm, nhiều người làng Ka Đắp cũng không buồn ra ngoài, mặc cho phía bên kia không khí xuân rộn rã. “Chỉ vui chơi trong làng. Khách đến thì tiếp, không ai đến thì bà con cùng nhau sum vầy. Năm này sang năm khác, cái tết chỉ riêng cuộc vui của dân làng thôi” - già Ta Hước kể lại.

Vùng cao, gió vẫn rít từng hồi, lác đác những cơn mưa đầu mùa. Trên từng nóc nhà, khói bếp vẫn nghi ngút tỏa, bay cùng làn sương mờ của núi. Có tiếng bước chân về làng, của đám thanh niên, sau buổi góp công cho một hộ dân, cùng nụ cười rạng rỡ. Già Ta Hước bảo, nơi này, dù nghèo khó nhưng rất giàu tình cảm và tinh thần cố kết cộng đồng làng, xem đó như một động lực để vươn lên trong cuộc sống. Tục xưa vẫn giữ, tính sơ cũng hàng chục lần người làng giúp nhau vận chuyển số gỗ từ rừng về để dựng nhà, dựng gươl và kể không hết lần hỗ trợ nhau thu hoạch lúa mùa, góp nhau từng ang gạo, bó củi trong những lúc hoạn nạn. Chưa kể, con đường được mở về tận làng cũng nhờ tấm lòng thảo thơm hiến tặng cả những mảnh vườn, đồi keo của rất nhiều hộ dân, như Arâl Ngân, Alăng Nhơn… góp nên công sức cho sự đổi thay của làng bây giờ.

Cuộc sống quần cư đã tạo nên những nếp sống riêng cho người làng Ka Đắp. Bên góc núi xa mờ, những người con Cơ Tu nay vẫn tự hào vì giữ được nếp cũ: luôn giúp nhau mỗi khi có việc cần, từ con gà, ghè rượu cần, ang gạo, cho đến đổi công ngày rẫy. Tấm lòng đó của mỗi cá nhân, hay tập thể làng cũng đều được “ghi danh” trong mỗi cuốn sổ vàng của làng. Trưởng thôn Arâl Thương lật giở từng trang sổ, nét chữ vẫn còn thơm mùi mực, đọc chi tiết những lần người làng giúp nhau trong cuộc sống. “Tháng 10.2017, vận chuyển gỗ nhà cho Alăng Nhơn; giúp cõng Alăng Bền xuống viện và hỗ trợ kiếm củi cho gia đình; tháng 12.2016, giúp phát rẫy cho hộ Arâl Kênh…”. Tình người ở Ka Đắp, cứ thế dài thêm theo “nhật ký” của làng, đẹp tựa sắc hoa pơlang rực thắm, bung nở bên dòng A Vương.
3. Tôi theo chân trưởng thôn Arâl Thương đi vào bên trong gươl, từ trên cao hướng mắt về phía làng, một màu xanh tươi thắm hiện hữu. Trước đây, 31 hộ với 116 nhân khẩu làng Ka Đắp đều nằm trong diện hộ nghèo, cận nghèo. Nhưng kể từ khi có con đường, Ka Đắp đã “rút” thêm 3 hộ ra khỏi diện nghèo, trở thành động lực lớn để người làng cùng vươn lên phát triển, ổn định cuộc sống lâu dài. Năm 2016, hai mươi hộ dân tại làng Ka Đắp được chính quyền địa phương hỗ trợ 10 con bò giống nuôi chung để quay vòng, như một giải pháp giúp họ có thêm nguồn vốn làm ăn, phát triển kinh tế hộ gia đình. Hơn 2 năm nay, cả làng đã trồng hơn 14ha diện tích keo lai, cùng 12 nghìn gốc chuối và hoa màu, mở hướng phát triển mới. “Cũng nhờ có đường, mà mô hình phát triển kinh tế được hiện thực trên những mảnh vườn của người làng, từ vài năm nay”. Ông Thương nói, rồi phân tích thêm, rằng từ vườn chuối, vườn keo và một số cây dược liệu khác được trồng, trong vài năm nữa sẽ trở thành nguồn thu nhập ổn định cho từng hộ ở Ka Đắp. Mà thực tế, đã có một vài hộ trong làng thoát nghèo, sau thành công bước đầu từ mô hình trồng chuối, đào ao thả cá kết hợp với chăn nuôi bò, như hộ Arâl Đó - Hôih Thị Yếu. Vài năm trước, không cam chịu với số phận, vợ chồng Arâl Đó đã mạnh dạn vay vốn để chăn nuôi bò và cải tạo vườn rẫy trồng hơn hai nghìn gốc chuối để phát triển kinh tế. Nhờ vậy, nhiều năm liền hộ Arâl Đó luôn đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi tại địa phương miền núi này.

Vài năm trước, khi hàng quán của Arâl Thanh - một hộ dân trong làng được dựng lên, những cư dân Ka Đắp đã không còn lo nhiều thứ như những tháng năm dài ngày cũ. Mọi thứ, từ đồ ăn, thức uống được Thanh nhập về đủ đầy, ngay tại làng, thuận tiện… Thanh nói, anh chỉ bán nhỏ lẻ các mặt hàng, chủ yếu phục vụ người trong làng, để mùa mưa khỏi phải đi ra thị trấn để sắm sửa mất công. Chừng hơn một năm nay, khi dân cư ngày thêm nhiều, ngoài Thanh, hộ Arâl Nghênh cũng học cách bán buôn phục vụ dân bản. Vốn liếng dù là vay mượn, nhưng cả Thanh và Nghênh bảo, đó là cách mà họ khởi nghiệp ngay trên làng bản mình. Là bởi, chỉ khi kinh tế gia đình được ổn định, mới dám nghĩ tiếp đến việc “làm thương mại”, giúp đỡ dân làng, và thêm những chuyện khác nữa trong cuộc sống. Đó là cách họ tư duy, vì cộng đồng, như bao người con của núi rừng khác mà chúng tôi từng gặp. Một hướng đi mới, dù không phải đầu tiên, nhưng cũng là lối tư duy sáng tạo, để những người con của làng cùng góp thêm công sức cho cuộc sống mới ở nơi mà họ đang sinh sống.

Gió chiều vẫn ngút ngàn trên những vòm lá keo giữa rừng. Tôi trở ra từ làng, cái bắt tay thật chặt với Arâl Thanh, bên hàng quán của anh, nghe lòng dâng cảm giác khó tả. Bước đường thênh thang, như rộng lớn hơn lúc chúng tôi đi về phía làng, hun hút trong rừng xanh đầy màu sắc. Xa xăm phía sau lưng đồi, chợt nghe rõ từng tiếng cười đùa vang theo chiều gió, bay về…

Ghi chép của ĐĂNG NGUYÊN

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Ka Đắp hết...sợ lũ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO