Kẽ hở trong quản lý môi trường

TRẦN HỮU 08/08/2014 08:15

Đoàn thanh tra Bộ Tài nguyên – môi trường vừa phát hiện hàng loạt cơ sở, doanh nghiệp sản xuất trên địa bàn tỉnh sai phạm các quy định về bảo vệ môi trường. Điều đáng nói, việc quản lý về môi trường hiện nay vẫn còn nhiều lỗ hổng.

Quy trình ngược

Theo kế hoạch, giai đoạn 2011 - 2020, các địa phương trong tỉnh sẽ xây dựng 28 khu xử lý rác thải rộng gần 200ha và 80 trạm trung chuyển rác thải để đáp ứng hiện trạng rác thải thông thường giai đoạn trung và dài hạn. Bức tranh sáng nhất trong lĩnh vực môi trường thời gian qua là hệ thống xử lý rác thải đưa vào sử dụng tại Khu công nghiệp (KCN) Điện Nam - Điện Ngọc và KCN Bắc Chu Lai. Trong đó, KCN Điện Nam - Điện Ngọc với công suất xử lý 5.000m3/ngày đêm, đã xây dựng 100% hệ thống thoát nước mưa và thu gom nước thải riêng biệt. Theo Bộ Tài nguyên – môi trường, qua kiểm tra, rà soát cho thấy phần lớn các cơ sở sản xuất, kinh doanh đã thực hiện đầy đủ đăng ký chủ nguồn thải chất thải nguy hại, thu gom và phân loại chất thải nguy hại tại cơ sở bài bản. Còn Chi cục Bảo vệ môi trường (Sở Tài nguyên – môi trường) cho rằng, đến năm 2015, sẽ kiểm soát được tình trạng ô nhiễm môi trường trong tất cả lĩnh vực có nguy cơ ô nhiễm cao như công nghiệp hóa chất, dệt, nhuộm, giày da, giấy, chế biến thực phẩm, khai thác và chế biến khoáng sản…

Nguồn nước tại mương Cầu (xã Tam Hiệp, Núi Thành) bị nhiễm độc do các nhà máy trong KCN Bắc Chu Lai xả ra.
Nguồn nước tại mương Cầu (xã Tam Hiệp, Núi Thành) bị nhiễm độc do các nhà máy trong KCN Bắc Chu Lai xả ra.

Mặc dù ngành chức năng đang nỗ lực để bít nhiều lỗ hổng ô nhiễm môi trường, nhưng thực tế chưa thể kiểm soát triệt để. Lo ngại hơn, các quy định bắt buộc về môi trường đã bị nhiều cơ sở bỏ qua. Theo kết quả thanh tra, đến nay chỉ có 5/9 KCN và 3/108 cụm công nghiệp (CCN) được phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường; 3 KCN và 48 CCN chưa thực hiện quan trắc môi trường theo quy định của pháp luật. Doanh nghiệp gây ô nhiễm môi trường từ các mức độ nặng nhẹ khác nhau. Chính sự dễ dãi, xem nhẹ khâu kiểm soát đầu vào mà môi trường sống đang bị đe dọa, tạo ra nhiều lực cản cho con đường phát triển bền vững.

Theo Sở Tài nguyên – môi trường, cái khó lớn nhất hiện nay trong xử lý nhà đầu tư, doanh nghiệp hoạt động tại các KCN, CCN là họ vừa hoạt động sản xuất, kinh doanh vừa hoàn tất thủ tục, hồ sơ đánh giá tác động môi trường hoặc bổ sung các quy định khác về môi trường. Việc giải quyết “hạn chế lịch sử” này liên quan đến nhiều ngành, địa phương. Về nguyên tắc, trước khi doanh nghiệp đi vào hoạt động, phải hoàn tất đánh giá tác động môi trường được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt; đầu tư hệ thống xử lý nước thải phù hợp nhưng nhiều nơi đã làm ngược quy trình.

Sai phạm

Hai năm (2012 - 2013), UBND tỉnh đã “điểm danh” các cơ sở gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng phải có biện pháp khắc phục, gồm Công ty TNHH Vinh Gia, Nhà máy tuyển rữa cát – chi nhánh Vicosimex miền Trung, Trung tâm Y tế huyện Tiên Phước, Bệnh viện Đa khoa Vĩnh Đức, Nhà máy chế biến thủy sản Đại Thành… Đối với 2 Trung tâm Y tế TP.Tam Kỳ và Thăng Bình hiện đã hoàn thành hệ thống xử lý nước thải đang đề nghị đưa ra khỏi “danh sách đen” về ô nhiễm môi trường.

Tại buổi làm việc mới đây, thanh tra Bộ Tài nguyên - môi trường nêu ra hàng loạt vi phạm trong công tác bảo vệ môi trường. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp phát sinh chất thải nguy hại vượt quá 15% so với đăng ký chủ nguồn thải nhưng không được chấn chỉnh kịp thời. Cá biệt có nhiều đơn vị vượt chuẩn gấp hàng trăm lần như Công ty TNHH Sản xuất Lixli Inax Đà Nẵng phát sinh chất thải nguy hại vượt 800%, Công ty VBL Quảng Nam vượt gấp 150 lần so với đăng ký. Kết quả thanh tra cũng cho thấy, Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai thẩm định, phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường sai thẩm quyền quy định; Sở Tài nguyên - môi trường đã cấp phép vượt gần gấp 3 lần năng lực thực tế của Công ty TNHH MTV Môi trường đô thị Quảng Nam trong việc xử lý rác thải nguy hại. Cơ quan này đã không thẩm định đúng về khả năng xử lý của doanh nghiệp. Cụ thể, với 4.630 tấn chất thải nguy hiểm, trên thực tế, với lò đốt được đầu tư có công suất 200kg/giờ và đốt hết công suất cả ngày lẫn đêm chỉ được 1.752 tấn…

Theo ông Lương Duy Hanh - Chánh Thanh tra Tổng cục Môi trường (thuộc Bộ Tài nguyên - môi trường), khi cơ quan chức năng tiến hành thanh tra 23 doanh nghiệp trên địa bàn thì có đến 18 doanh nghiệp vi phạm. Công tác bảo vệ môi trường ở các KCN, CCN tại nhiều địa phương trong tỉnh đáng báo động. Trong số 6 KCN kiểm tra mới có 2 KCN đầu tư hệ thống xử lý nước thải, 48 CCN nhưng chỉ có 1 trong số đó có hệ thống xử lý nước thải. “Nhiều dự án đi vào hoạt động nhưng không có báo cáo đánh giá tác động môi trường. Việc thanh tra, kiểm tra đối với các doanh nghiệp còn ít, chưa phản ánh đúng thực tế. Số tiền xử phạt năm 2013 chỉ 300 triệu đồng, 6 tháng đầu năm có 230 triệu đồng là quá nhỏ so với thực tế vi phạm” – ông Hanh nói. Cũng theo ông Hanh, các cơ quan chức năng của tỉnh đã kiểm tra, xác nhận hoàn thành các công trình, biện pháp khắc phục bảo vệ môi trường phục vụ giai đoạn vận hành dự án thiếu chặt chẽ; phân bổ kinh phí chi sự nghiệp 1% còn bất cập.

TRẦN HỮU

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kẽ hở trong quản lý môi trường
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO