Kế tục văn hóa làng…

ALĂNG NGƯỚC 29/11/2016 08:26

Văn hóa truyền thống của người Cơ Tu ở huyện miền núi Đông Giang tiếp tục được gìn giữ, phát huy khi ngày càng có nhiều người trẻ học hỏi, tìm hiểu từ các bậc cao niên trong làng về văn hóa của đồng bào mình.

1. Năm ngoái, tại không gian lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn (Đông Giang) lần thứ 3, rất nhiều du khách hết sức ngỡ ngàng và thích thú khi chứng kiến màn biểu diễn múa tâng tung da dá của các em Cơ Tu ở các làng, bản trên địa bàn. Dù tuổi còn rất nhỏ nhưng các em đã thể hiện được điệu nhảy truyền thống một cách điêu luyện, từng bước chân uyển chuyển, nhịp nhàng hệt những nghệ nhân thực thụ của làng. Theo ông Bh’riu Len - cán bộ văn hóa xã Sông Kôn, hầu hết các em đều là những diễn viên nằm trong các đội trống chiêng nhí thuộc các thôn trên địa bàn xã, được hình thành trong những năm gần đây.

Không chỉ được xem là một trong những mô hình hay, đem lại hiệu quả tích cực, đội trống chiêng nhí này còn giúp địa phương trong việc góp phần gìn giữ được những giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ Tu trước nguy cơ mai một. Để có được sự khéo léo trong cách nhảy, điệu múa truyền thống, các em phải chăm chỉ luyện tập trong suốt thời gian dài với sự hướng dẫn của các nghệ nhân của làng. “Ngoài khuyến khích các em nhỏ cùng tham gia tập luyện, biểu diễn điệu múa tâng tung da dá truyền thống tại các sự kiện lớn của làng, của xã, chính quyền địa phương còn xây dựng nhiều kế hoạch, hoạt động cụ thể nhằm giáo dục thế hệ trẻ trong việc chung tay bảo tồn và phát huy bản sắc văn hóa của đồng bào mình” - ông Len chia sẻ.

Đội trống chiêng nhí làng Bhơ Hôồng 1 biểu diễn điệu múa tâng tung da dá tại lễ hội văn hóa truyền thống xã Sông Kôn năm 2015.  Ảnh: ALĂNG NGƯỚC
Đội trống chiêng nhí làng Bhơ Hôồng 1 biểu diễn điệu múa tâng tung da dá tại lễ hội văn hóa truyền thống xã Sông Kôn năm 2015. Ảnh: ALĂNG NGƯỚC

Hiệu quả từ các đội trống chiêng nhí ở xã Sông Kôn, tiêu biểu là mô hình của làng Bhơ Hôồng 1 với sự dẫn dắt của nữ nghệ nhân Bh’ling Thị Xiếc. Hơn 10 thành viên ở độ tuổi từ 6 - 12, đội trống chiêng Bhơ Hôồng 1 được biết đến thông qua các lần tham gia biểu diễn ở nhiều sự kiện lễ hội văn hóa của xã, huyện và tỉnh để phục vụ du khách như: chương trình lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu xã Sông Kôn; hội đâm trâu kỷ niệm 10 năm tái lập huyện Đông Giang; lễ hội Festival Di sản Quảng Nam năm 2013… Và, trong mỗi lần biểu diễn, các diễn viên nhí của Bhơ Hôồng 1 luôn để lại nhiều ấn tượng, sự thích thú đối với du khách trong và ngoài tỉnh. “Các cháu đều được trang bị đầy đủ các loại thổ cẩm, khiên, trống, chiêng… làm đạo cụ để biểu diễn các điệu múa tâng tung da dá truyền thống. Bên cạnh việc tập luyện, thỉnh thoảng các cháu cũng được tham gia biểu diễn phục vụ du khách trong chuyến tham quan du lịch cộng đồng Cơ Tu tại làng và luôn nhận được lời khen ngợi” - chị Xiếc nói. Hiện đội trống chiêng nhí cũng được hình thành tại hầu hết các thôn bản của xã Sông Kôn với nhiều hoạt động văn hóa truyền thống được chính các em tham gia biểu diễn tại các lễ hội chung của làng, của xã.

Ở huyện miền núi Đông Giang, có rất nhiều người trẻ như Alăng Beo, Alăng Điều… am hiểu văn hóa tuyền thống của đồng bào thông qua việc nói lý - hát lý, đánh cồng chiêng. Ví như Alăng Dứi (ở thôn Sơn, xã Sông Kôn), dù rất trẻ nhưng đã vinh dự giành được danh hiệu “Người đánh chiêng hay nhất xã Sông Kôn” tại lễ hội văn hóa truyền thống Cơ Tu toàn xã năm 2015 do các nghệ nhân, già làng bình chọn. Đây thực sự là tín hiệu đáng mừng, vì có những người trẻ còn “nặng lòng” với văn hóa truyền thống của cha ông để lại.

2. Những năm gần đây, mỗi khi có sự kiện lớn do cộng đồng làng tổ chức đều luôn có sự góp mặt của đông đủ của lớp trẻ. Họ cùng đến chia vui, cùng hỗ trợ công việc chung của làng. Bởi đó là cơ hội giúp người trẻ Cơ Tu tiếp cận và hiểu biết hơn về truyền thống văn hóa của đồng bào mình để học hỏi kinh nghiệm từ các bậc cao niên, để kế tục sau này. Dù tuổi đời còn rất trẻ, nhưng Alăng Beo (ở làng Bút Tưa, xã Sông Kôn) rất ham học hỏi từ các cụ cao niên trong làng, trong xã về làn điệu nói lý - hát lý truyền thống. Beo tâm sự, cứ mỗi lần được nghe các cụ nói lý - hát lý bản thân cảm thấy bị “kích thích” và say mê đến lạ lùng. Vì thế, trong các sự kiện lớn của làng, dù bận đến mấy, hễ nghe các già làng cất lên câu lý là Beo chạy đến ngồi nghe, rồi nhẩm theo để học. “Có nhiều lúc do công việc nên không thể ngồi nghe trực tiếp, mình dùng điện thoại để ghi âm, sau đó về nhà nghe đi nghe lại. Chỗ nào chưa hiểu, mình trực tiếp đến nhà già làng để xin lời giải. Dần dà, mình học được nhiều hơn và có thể đối đáp nói lý vài câu đơn giản” - Beo bộc bạch.

Cũng như Beo, từng được dân làng tín nhiệm bầu làm trưởng thôn khi mới 27 tuổi, Alăng Điều đã sớm có cơ hội trau dồi khả năng nói lý của mình. Anh nói khá mạch lạc, rành mạch nên được hội đồng già làng tiến cử làm nhiệm vụ “pa’tooi” (đại diện nhà trai sang mời khách nhà gái về ăn cưới) theo phong tục truyền thống của đồng bào Cơ Tu. Công việc này rất khó, đòi hỏi người “pa’tooi” phải am hiểu về mọi lĩnh vực xã hội, có khả năng ứng khẩu nói lý tốt và có địa vị, uy tín nhất định trong làng bản. “Lúc đầu, mình cũng hơi lo vì sợ không đủ khả năng để hoàn thành nhiệm vụ mà dân làng đã giao. Nhưng sau nhiều lần, mình tự tin hẳn và tất nhiên khả năng nói lý, giao tiếp cũng tiến bộ dần lên” - Điều chia sẻ.

ALĂNG NGƯỚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kế tục văn hóa làng…
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO