1. Sau nhiều lần không diệt được xã trưởng Kỳ Khương (nay là xã Tam Hiệp, Núi Thành) - Phan Trân, Ngô Nghiên về đứng ở Thọ Khương rút 3 chiến sĩ trong đội vũ trang tuyên truyền, gồm Hai Huệ (người Kỳ Xuân), Tám Túc (thôn 8, Khương Thọ) và Dương Phi (còn gọi Dương Tiên, ở Tam Giang), thành lập đội công tác đặc biệt do Hai Huệ làm đội trưởng. Đội có nhiệm vụ bám sát, theo dõi hành tung của Phan Trân để phối hợp với quân báo mật của khu 5 tăng cường như Trần Xuân, Đinh Ngọc Anh (người Khương Bình) lên kế hoạch tiêu diệt. Ba ngày đầu, anh em đội công tác bò gần đến trên đường xe lửa, bò vào sau hè nhà chánh Ngoạn, tức xã trưởng Phan Trân, nhưng không tài nào vào được căn nhà ngói kín cổng cao tường.
Đội công tác dựa vào cơ sở tin cậy có hàng quán ở gần đường 1, là cốt cán cung cấp thông tin cập nhật về Phan Trân. Cơ sở nắm tình hình báo cho biết, thường khoảng 9 giờ tối thì Phan Trân mới rời chỗ làm việc về nhà. Ngô Nghiên giao nhiệm vụ Tám và Út Sơn (Trĩ) phục bám liền 5 đêm không thấy Phan Trân về nhà. Đội công tác không bỏ cuộc. Lại nhận tin cơ sở báo tối hôm đó tại cơ quan hội đồng có một cuộc mít tinh, chắc chắn xã trưởng dự. Lần này, tổ công tác gồm Ba Duy, Nguyễn Tám, Hai Huệ và Dương Phi. Ngô nghiên phân cho Dương Phi, lính quân báo, giữ cây tiểu liên cùng Duy phục cách nhà Phan Trân chừng 200 mét. Một tổ phục sát đường số 1 chờ tin cơ sở khi nào Phan Trân rời cơ quan thì báo ngay để Phi sẵn sàng. Thấy hai người xách đèn măng sông đi lên, Ngô Nghiên và Tám nghĩ ngay là vợ chồng chánh Ngoạn. Tám thấy người đàn ông đi cứ nhướng tới, càng tin chắc đó là chánh Ngoạn, liền vỗ tay ba cái - tín hiệu hành động cho Phi và Duy biết. Phi và Duy rời bụi cây chạy ra đường. Vừa giáp mặt, Phi nã 4 phát tiểu liên vào người Phan Trân. Ba viên nổ, một viên “tịt”. Phan Trân ngã xuống đất. Loạt tiểu liên của quân báo Dương Phi vang lên vào lúc chín giờ đêm 29.4.1960, buộc đại diện Kỳ Khương có nhiều nợ máu với nhân dân đền tội.
Ngồi trên đồi nhìn xuống làng, nghe tiếng trống, tiếng mõ báo động, thấy đèn đuốc sáng từ Vĩnh Đại ra cầu An Tân, Ngô Nghiên cảm thấy mừng. Nhưng ông vẫn không yên. Điều gì sẽ xảy ra khi Phan Trân bị “xử”, bà con trong xóm, các cơ sở của ông sẽ phải sống và đối phó ra sao với bọn tay sai ác ôn? Ngô Nghiên gọi Nguyễn Tám lại dặn dò rồi bảo bám xuống làng nắm tình hình. Anh em tổ vũ trang cùng Ngô Nghiên rút lên Dương Bản Lầu.
Nguyễn Tám lội xuống Rừng Mây, đi đến gần xóm nhà dân thì rúc vào một bụi cây. Ngồi từ sáng sớm đến một giờ chiều, thấy một người dắt trâu ra. Tám nhận ra ngay Út Đa (Bích), bèn cầm cục sạn ném về chỗ em gái. Nghe động, Út Đa nhìn vô bụi nhận ra anh Tám, liền thả con trâu, chạy tới chỗ anh trai: “Chu choa, anh Tám, sao anh về đây kinh rứa! Người ta nói mấy anh bắn chết chánh Ngoạn rồi. Bắn hồi hôm. Anh ăn chi chưa?”. Út Đa hỏi vậy nhưng biết anh trai có chi đâu mà ăn, liền chạy vào nhà vét nồi mang ra một đùm cơm nguội với mấy con cá nục kho. Tám Túc dừng ở Hố Dứa ních hết đùm cơm với cá nục của em gái, rồi đi một mạch lên Hố Thượng báo cho Ngô Nghiên mừng. Ngay ngày hôm sau 30.4.1960, địch kéo lên bắt 3 người, trong đó có ông Lê Xuân Hường - Bí thư chi bộ xóm trong, ở cạnh nhà Phan Trân. Chúng bắn ông Hường ngay tại sân nhà. Chúng bắt bà Thường (người Kỳ Xuân) ra giam ở lao Tam Kỳ mấy ngày thì đưa bà và hai người bị giam trước đó về bắn tại Hố Giang gần nhà Phan Trân. Chúng bắt thêm một số cơ sở như Trần Thống, Trần Đến (người Thọ Khương), ông Chỉ (Vân Trai), ông Đoàn Tác (Vĩnh Đại). Chúng hăm he, hù dọa uy hiếp tinh thần của bà con ta…
2. Một hôm, nhận được tin xã trưởng Kỳ Sanh (nay thuộc xã Tam Mỹ Tây, huyện Núi Thành) - Phan Toại cho người làm trại cho đồng bào dân tộc, tổ chức mít tinh, mời đồng bào về dự ở Truông Dài (thôn 9, Kỳ Sanh), Huyện ủy Tam Kỳ họp xác định mục đích của cuộc mít tinh là thực hiện âm mưu “thượng du vận”. Lập tức, đội công tác gồm du kích, đội vũ trang huyện, có Hùng (người Kỳ Hòa, vừa từ miền Bắc về), Nguyễn Tám, Dương Phi, Trần Sơn (ở Tứ Mỹ), Phan Duy (Kỳ Phú), phối hợp với tổ đặc công của đội vũ trang tỉnh, do Lê Tấn Hiền phụ trách, triển khai bố trí đội hình phục kích diệt Phan Toại.
Hôm ấy là ngày 6.12.1960, khoảng 5 giờ chiều, cơm nước xong, mỗi người lận theo vắt cơm tròn trong lá chuối rừng, rời Hố Thượng. Đến nơi đã quá khuya, liền triển khai đội hình theo phương án định trước. Hôm sau, gần đứng bóng thì có tin báo địch kéo lên ngả thôn 7. Tám nhận ra Phan Toại đi sau tốp dân vệ, rồi một đoàn hộ tống theo sau. Tám liền chồm vào bấm đùi Hùng rồi vọt ra đường giương cây tuyn vào mặt Phan Toại, bấm cò. Nghe cái “cách”. Không nổ. Tám lại bấm cò, hai tiếng nổ vang lên. Phan Toại gục xuống. Bỗng nghe tiếng súng nổ từ gốc cây nơi Hùng phục. Tám khoát tay bảo Hùng không được bắn nhưng... không kịp, một viên đạn đã xuyên qua bắp đùi. Địch quá bất ngờ, hoảng kinh, mạnh tên nào tên nấy chạy thục mạng.
Ngô Nghiên bảo Hùng cõng Tám lên trại. Hùng vừa đi vừa chạy vấp ngã ngửa làm vết thương Tám đau thấu xương. Tổ công tác biến cuộc mít tinh do Phan Toại tổ chức thành cuộc mít tinh của cách mạng, vạch trần âm mưu và tội ác của Phan Trân, Phan Toại và bọn tay sai bán nước phản dân, lên án và răn đe những tên tay sai nếu còn ngoan cố tiếp tục dẫm lên vết xe tội ác sẽ phải đền tội đích đáng.
*
* *
Bà con dân tộc cầm đuốc, thay nhau khiêng anh Tám lên Hố Thượng. Một cuộc giải phẫu tức thì diễn ra cứu anh qua cơn nguy hiểm. Già Loan (người Kỳ Phú) ở lại trông nom anh Tám, liên hệ với ông Quang - Bí thư chi bộ sản xuất làm một cái trại bên cái rẫy của đồng bào. Hằng ngày, cứ khoảng 10 giờ, bà con dân tộc đem thức ăn đến cho Tám; ban đêm ra suối bắt ốc, mò cua nấu cháo bồi dưỡng. Chuẩn bị giải phóng Tứ Mỹ, ông Huệ người dân tộc ở Hố Thượng cõng anh Tám xuống Hố Dứa cho gần anh em. Đang nằm ở Hố Dứa thì Tám thấy đầu gối đau quá. Được phép của bác sĩ Xuân Thủy, y tá Trần Việt Sỹ mở băng cho Tám thì thấy xương đầu gối nhô nhọn. Thế là bác sĩ Chất về quyết định mổ. Phải lượm hết xương bể, đục xương nhọn chống đau. Ca mổ thực hiện từ 7 giờ sáng đến 3 giờ chiều mới xong.
Trong khi đang điều trị vết thương, qua đề xuất của Mười Chấp và Ngô Nghiên, cấp trên đồng ý cho phép kết nạp Nguyễn Tám vào Đảng (Nguyễn Tám con nhà phú nông nên phải xin ý kiến cấp trên). Huyện ủy Tam Kỳ ra quyết định kết nạp Đảng tại trận cho Nguyễn Tám. Ngô Độ và Nguyễn Phùng (xã đội Tam Hiệp) tổ chức lễ. Ngô Độ cho phép Nguyễn Tám nằm trên sạp, nhìn lên cờ Đảng. Ông đọc quyết định kết nạp Đảng tại trận cho Nguyễn Tám, lấy bí danh là Thức, lấy ngày 6.12.1960 - ngày diệt xã trưởng Phan Toại làm ngày vào Đảng.
HỒ DUY LỆ