Kết nối tâm linh Việt

BẢO ANH 06/04/2017 15:58

(QNO) - Lần theo câu ca “Dù ai đi ngược về xuôi. Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba”, trong những ngày diễn ra Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng năm 2017 (từ ngày 1 đến 6.4), hàng nghìn người con đất Việt đã tìm về đất tổ Phú Thọ.

Chen chúc trong trật tự, chậm rãi giữa vùng “Tam sơn cấm địa”, người đi lễ vừa bước vừa hướng mắt vọng về ngọn núi Hy Cương trong sự thành kính, thiêng liêng máu thịt cội nguồn...

Người từ muôn phương về dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng, kết nối tâm linh Việt. ảnh: P.C.A
Người từ muôn phương về dâng hương tưởng niệm các vua Hùng, kết nối tâm linh Việt. Ảnh: P.C.A

Thiêng liêng nguồn cội

Để đến được núi thiêng Hy Cương, mọi người phải xuống xe đi bộ qua quãng đường dài non 2 cây số từ vòng ngoài khu trung tâm Di tich lịch sử Đền Hùng. Từ chân núi, có 3 sự lựa chọn. Muốn lên dâng lễ tại Đền Hạ, phải leo lên 225 bậc đá. Muốn đến Đền Trung, thêm 168 bậc nữa. Còn muốn lên Đền Thượng, phải leo qua tổng cộng 495 bậc đá, lên đến độ cao 175 mét so với mực nước biển. Đó là những con số thách thức đối với người cao tuổi, người mắc các chứng bệnh về cơ xương khớp. Vậy mà trong dòng người lên Hy Cương dâng lễ, thật ngạc nhiên là có rất đông những người nằm trong nhóm mắc hội chứng “sợ cầu thang” ấy. Hỏi chuyện, lại càng ngạc nhiên và thán phục khi hầu như ai cũng bảo “đã đi là phải đi hết 3 đền”. Cụ Lê Liên Nam, 76 tuổi, quê Bắc Ninh, bảo đã 16 năm rồi kể từ ngày nghỉ hưu, năm nào cụ cũng về Đền Hùng dâng lễ giỗ Tổ. Cụ khoe: “Kỳ diệu lắm. Có năm gần đến ngày giỗ Tổ thì tôi bị ốm. Ốm nhưng vẫn quyết đi, ai cũng bảo đi xong chắc là quỵ luôn. Vậy mà khi lên dâng lễ xong ở Đền Thượng, vừa trở chân quay về thì tự dưng nghe khỏe ra như chẳng bệnh tật gì”. Cùng đi với cụ Nam trong mùa lễ hội năm nay còn có 3 cụ khác trong cùng tổ hưu, đều trên 70 tuổi. Và, tuy phải chen chúc giữa dòng người ken dày và khá ngột ngạt nhưng cụ nào trông cũng tươi tỉnh, phởn phơ.

Trong thời gian diễn ra quốc giỗ 2017, dòng người hướng về phía núi Hy Cương oai thiêng dường như bất tận. ảnh: P.C.A
Trong thời gian diễn ra Quốc giỗ 2017, dòng người hướng về phía núi Hy Cương oai thiêng dường như bất tận. Ảnh: P.C.A

Trước đây, Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương gần như là “việc riêng” của tỉnh Phú Thọ. Nhưng từ năm 2013 trở lại đây, sau khi UNESCO công nhận Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương là Di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại (tháng 12.2012), lễ giỗ được tổ chức với sự tham gia của một số địa phương trong cả nước. Đến mùa giỗ năm nay, cùng với Phú Thọ đã có 24 tỉnh, thành phố lần lượt tham gia góp giỗ. Cùng với đó, nhiều doanh nghiệp, tổ chức chính trị xã hội, đồng bào trong và ngoài nước cũng tham gia góp giỗ, đóng góp tiền bạc để trùng tu, tôn tạo các di tích trong Khu di tích lịch sử Đền Hùng.

Về dự lễ giỗ năm nay, anh Đỗ Minh Long, một doanh nhân ở Bến Tre, cho biết anh không cầu xin hay hy vọng được ơn trên phò trì cho việc làm ăn mà anh về đây là về với cội nguồn, để ngưỡng vọng, để được tự tay mình thắp nén hương lên bàn thờ các vua Hùng có công dựng nước. Hay như bạn Phan Văn Quân, thành viên nhóm phượt Roadway đến từ Khánh Hòa, cho biết lúc đầu cả nhóm chỉ có ý định về Đền Hùng để đi phượt thuần túy. Nhưng khi đứng trước ngọn núi Hy Cương oai linh và nhất là khi hòa vào dòng người lên Đền, cả nhóm đã quyết định tham gia dâng hương lên các vua Hùng bằng tất cả sự thành kính của những con dân Việt.

Kết nối tâm linh Việt

Cùng với những lễ nghi đã thành nếp từ lâu đời trên xứ sở của các lễ hội tâm linh, Giỗ Tổ Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng càng ngày càng được tổ chức một cách bài bản, chuyên nghiệp nhưng không kém phần trang nghiêm, thành kính. Theo ông Nguyễn Đắc Thủy - Phó Giám đốc Sở VH-TT&DL Phú Thọ, mọi hoạt động trong khuôn khổ lễ hội và lễ Giỗ tổ đều được tổ chức trên tinh thần bảo tồn, tôn vinh các giá trị lịch sử, truyền thống, qua đó kết nối tinh thần Việt. Như trong mùa lễ - giỗ năm nay, vai trò chủ thể của cộng đồng một lần nữa được đề cao: ai cũng có quyền tham gia vào các hoạt động văn hóa, tín ngưỡng.

Một góc không gian tâm linh Đền Hùng. ảnh: P.C.A
Một góc không gian tâm linh Đền Hùng. Ảnh: P.C.A

Và, điều hết sức đặc biệt là, với một lượng người về dự Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương cực kỳ đông đúc và ai cũng được trao gửi vai trò chủ thể nhưng lễ hội và lễ giỗ không hề rối. Bên cạnh các vị cao niên, tham gia hành lễ, dâng hương, dâng lễ vật còn có khá nhiều những người trẻ tuổi, nhưng tất cả đều thuần thục, nhuần nhuyễn. Ngoài sự thành kính, ngưỡng vọng sẵn có trong huyết quản, sự bài bản ấy một phần còn nhờ sự chuẩn bị chu đáo, dài hơi của người đất Tổ.

Mấy năm trở lại đây, tỉnh Phú Thọ đã mở nhiều đợt trao truyền thực hành tín ngưỡng, nghi thức tế lễ, nhận diện giá trị lễ hội cho thế hệ trẻ. Một ngân hàng dữ liệu về tín ngưỡng Thờ cúng Hùng Vương tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng cũng đã được xây dựng, được cập nhật thường xuyên, phục vụ cho việc tìm hiểu, nghiên cứu của người dân cũng như sưu tầm, bổ sung tư liệu phục vụ công tác bảo tồn, phát huy giá trị di sản. Lê Ngọc Huy, một trong những thanh niên được chọn tham gia dâng 100 chiếc bánh ngọt, 100 phần oản và hoa tại lễ dâng hương tưởng niệm Tổ Mẫu Âu Cơ diễn ra hôm mồng 6.3 âm lịch cho biết, với những gì đã được trao truyền, Huy hoàn toàn tự tin khi hành lễ. Và sự tự tin ấy càng được nhân lên khi mà được chọn vào đội dâng lễ là một niềm tự hào lớn lao - thậm chí là mơ ước mà với nhiều người cả đời chưa chắc có được.

Lễ hội Đền Hùng - Giỗ Tổ Hùng Vương năm nay diễn ra trong 6 ngày (từ mồng 5 đến mồng 10.3 âm lịch). Tuy nhiên hành trình tâm linh về với cội nguồn dân tộc thì không chỉ diễn ra trong khoảng thời gian cao điểm ấy mà là thường xuyên, liên tục, bất tận. Cùng với Phú Thọ, nhân dân cả nước đang và đang tiếp tục chung tay góp sức bảo tồn các giá trị di sản truyền thống; giữ gìn không gian linh thiêng tại Khu di tích lịch sử Đền Hùng - Phú Thọ cũng như các điểm thờ cúng Hùng Vương tại nhiều địa phương khác...

Giữa không gian tâm linh Đền Hùng trong mùa lễ - giỗ năm nay, nhìn những đàn con Việt thành kính kéo về Hy Cương dâng hương, hành lễ, không ai không thấy lòng xúc động, bồi hồi. Với đạo lý "uống nước nhớ nguồn" đã ăn sâu vào máu thịt các thế hệ người Việt, góp phần làm nên cốt cách tâm hồn Việt; với những nỗ lực không mệt mỏi trong việc kết nối, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống, Giỗ Tổ Hùng Vương sẽ mãi là một nghi thức tâm linh, một phong tục đẹp, một nét văn hóa độc đáo của dân tộc Việt Nam trong tầm vóc của một di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại.

BẢO ANH

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối tâm linh Việt
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO