(QNO) - Phân tích tâm lý, sở thích du lịch; đánh giá tiềm năng thị trường cũng như tốc độ tăng trưởng khách Nhật Bản đến Việt Nam, TP.Hồ Chí Minh và miền Trung nhằm thúc đẩy hơn nữa việc thu hút khách thị trường này… là nội dung chính của hội thảo thị trường khách Nhật Bản diễn ra sáng 7.9 tại TP.Hồ Chí Minh. Sự kiện nằm trong khuôn khổ Hội chợ Du lịch quốc tế TP.Hồ Chí Minh lần thứ 14 - 2018.
Quang cảnh hội thảo. Ảnh: VĨNH LỘC |
Thị trường khách tiềm năng
Theo Trung tâm ASEAN - Nhật Bản, từ năm 2013 đến nay bình quân mỗi năm có khoảng 17 triệu lượt người Nhật du lịch ra nước ngoài. Riêng năm 2017, ước khoảng 18 triệu khách Nhật đã du lịch khắp nơi trên thế giới. Trong đó, gần 5 triệu lượt người Nhật đã chọn các nước ASEAN làm điểm đến, và Việt Nam đứng vị trí thứ 2 trong tổng số 10 quốc gia trong khu vực có khách Nhật tham quan, lưu trú với gần 800 nghìn lượt (sau Thái Lan, khoảng 1,55 triệu lượt khách). Tính rộng hơn, khách Nhật Bản đến Việt Nam chỉ đứng thứ 3 sau Trung Quốc và Hàn Quốc.
Tuy có phát triển nhưng tỷ lệ tăng trưởng khách Nhật đến Việt Nam hàng năm tương đối chậm. Thống kê cho thấy, nếu năm 2013 có hơn 604 nghìn lượt khách Nhật du lịch tới Việt Nam thì sang năm 2014 chỉ nhích nhẹ lên gần 649 nghìn lượt, năm 2015 hơn 677 nghìn lượt, 2016 gần 741 nghìn lượt, 2017 hơn 798 nghìn lượt và 8 tháng đầu năm hơn 465 nghìn lượt.
Khách Nhật Bản du lịch nước ngoài đa phần lớn tuổi. Ảnh: VĨNH LỘC |
Bà Mizuho Kanda - trợ lý Giám đốc Trung tâm ASEAN - Nhật Bản thừa nhận, so với Hàn Quốc (dân số ít hơn), con số gần 18 triệu người Nhật du lịch nước ngoài là khá khiêm tốn. Nguyên nhân, do người Nhật ngại ra nước ngoài; lo ngại về an ninh điểm đến; không sử dụng được tiếng Anh; không phù hợp thức ăn; lo lắng về sức khỏe, dịch bệnh; quy trình và thủ tục du lịch rắc rối; không có thời gian; không thích đi du lịch...
Đặc biệt, không có người chăm sóc động vật, cây cối, thú cưng, nếu thuê bác sĩ thú y chăm sóc thú cưng, chi phí có thể cao hơn chi phí đi du lịch. “Các điểm du lịch Việt Nam được người Nhật ưa thích và lựa chọn vì thời gian di chuyển ngắn, nhưng họ lại ngại các vấn đề về vệ sinh, an toàn thực phẩm, kể cả tình trạng móc túi, cướp giật” - bà Mizuho Kanda nói.
Theo ông Hideaki Murai - Phó Trưởng Bộ phận Xúc tiến du lịch nước ngoài (Hiệp hội Du lịch Nhật Bản, JATA), 3 yếu tố chính của du lịch Nhật Bản ở nước ngoài gồm: thư giãn (khu nghỉ dưỡng, khách sạn, spa, làm đẹp, mua sắm, ăn uống); quan tâm (di sản văn hóa, điểm văn hóa, đi dạo, giải trí, các điểm thời trang mới) và trải nghiệm (các trải nghiệm ấn tượng và đáng nhớ, hoạt động thể thao, các sự kiện và lễ hội tại địa phương, sự trao đổi với người dân bản địa).
Do đó, trục di sản miền Trung với Huế, Đà Nẵng, Quảng Nam sẽ có nhiều thế mạnh thuận lợi khi hội tụ các yếu tố này. Tuy vậy, vẫn có những hạn chế nhất định như thiếu sản phẩm mới, chất lượng hướng dẫn viên du lịch chưa cao… “Khi chất lượng dịch vụ tốt sẽ giúp gia tăng du khách trở lại. Các địa phương, nhất là những nơi có lợi thế nổi trội cần chú trọng đến yếu tố này” - ông Hideaki Murai phân tích.
Điểm đến lợi thế
Với Quảng Nam, dù có những lợi thế về văn hóa, lịch sử, nhất là mối quan hệ trong quá khứ với đất nước Nhật Bản nhưng có thể thấy tỷ lệ khách Nhật vẫn chiếm vị trí chưa cao trong cơ cấu khách, thậm chí một số thời điểm còn bị sụt giảm.
Cụ thể, năm 2015 có 45.968 lượt khách Nhật đến tham quan lưu trú (tỷ lệ 5,97%); năm 2016 con số này tăng nhẹ lên 58.968 lượt (5,9%) nhưng lại giảm mạnh vào năm 2017 - xuống còn 46.121 lượt (tỷ lệ 3,81%). Riêng 6 tháng đầu năm 2018, Quảng Nam đón 30.696 khách Nhật lưu trú (tỷ lệ 3,74%), khá nhỏ nếu so với tổng lượng khách quốc tế lưu trú Quảng Nam 6 tháng qua (820 nghìn lượt).
Các giá trị di sản văn hóa được xem là lợi thế của Quảng Nam để thu hút khách Nhật Bản. Ảnh: VĨNH LỘC |
Nhật Bản được xem là thị trường khách quốc tế khó tính nhất hiện nay, trong đó gần 32% du khách có độ tuổi trên 70 và nữ giới chiếm số lượng nhiều hơn nam giới. Thời gian khách du lịch Nhật Bản kéo dài bình quân một năm khoảng 7 ngày.
Ông Phan Văn Tú - Giám đốc Trung tâm Thông tin và xúc tiến du lịch Quảng Nam cho biết, vài năm gần đây, thị trường Nhật Bản đã được trung tâm chọn quảng bá thường xuyên như tham dự hội chợ du lịch định kỳ, thông qua những sự kiện trên hình ảnh điểm đến Quảng Nam, Hội An cũng như các di sản sẽ gần gũi hơn đến người dân và các đối tác Nhật Bản. “Người Nhật rất quan tâm đến các di sản văn hóa ở Quảng Nam, nhất là Hội An nên tôi nghĩ sự gia tăng thị trường khách Nhật Bản trong thời gian tới là rất khả quan” - ông Tú nhìn nhận.
Theo ông Đinh Ngọc Đức - Vụ trưởng Vụ Thị trường (Tổng cục Du lịch Việt Nam), 2 nước có đầy đủ điều kiện để thúc đẩy quan hệ du lịch và trao đổi khách qua lại. Trong đó, sự xuất hiện của nhiều đường bay kết nối các thành phố lớn Việt Nam và Nhật Bản sẽ mở ra những cơ hội tốt để khách 2 nước qua lại lẫn nhau. Đặc biệt, mới đây hãng hàng không Vietjet Air đã mở 2 đường bay trực tiếp tới 2 thành phố Osaka và Tokyo (Nhật Bản) cùng với một số đường bay đã được mở trước đó như Đà Nẵng - Osaka, Đà Nẵng - Tokyo… sẽ giúp mở rộng du lịch 2 chiều, hướng đến mục tiêu đón 1 triệu lượt du khách Nhật Bản đến Việt Nam vào năm 2020.
VĨNH LỘC