Từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, hệ thống đường bộ trục ngang sẽ nối liên thông đến cảng biển, sân bay, khu công nghiệp, khu kinh tế... Cao tốc được ví như chiếc cầu khổng lồ chạy dọc xứ Quảng, bắt nhịp phát triển và tạo động lực cho những vùng đất công nghiệp.
Cao tốc thiết kế theo tiêu chuẩn loại A. Ảnh: C.T |
Trọng điểm quốc gia
Bàn về vấn đề dân sinh do ảnh hưởng đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi qua địa bàn tỉnh, nhiều người cùng chung quan điểm, rằng nhân dân nơi công trình đi qua hầu như không được hưởng lợi, nếu có thì rất ít ỏi. Nhưng ngược lại, đời sống của họ bị xáo trộn, mất đất sản xuất. “Hồi xưa, tôi cuốc bộ chừng 100m là tới ruộng nhà mình. Giờ đi làm mệt rồi, xa tận hàng cây số do phải di chuyển đường vòng, qua cống chui” - ông Hai, một lão nông ở xã Bình Quý (Thăng Bình) giãi bày. Bờ tây cao tốc, nhân dân thấp thỏm lo mỗi khi lũ lụt về, nước ứ rút lâu so với khi còn dòng chảy tự nhiên về hạ du. Ở phía đông, ngay tại cầu, cống chui, bà con nơm nớp sợ con nước dữ tuôn xuống. Lăn lộn với người dân ở khu vực xây dựng công trình, Phó Trưởng phòng Quản lý hạ tầng giao thông (Sở Giao thông vận tải) - ông Hà Phước Lộc từng đúc kết: “Dự án giao thông ảnh hưởng đến dân sinh lớn nhất là đường cao tốc. Nói đúng hơn, người dân chịu hy sinh rất nhiều”.
Cao tốc qua Quảng Nam dài 91,25km, xuyên suốt từ thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Phú Ninh, TP.Tam Kỳ và Núi Thành. Thống kê ban đầu, dự án ảnh hưởng đến 8.236 hộ (trong đó cần tái định cư 836 hộ), hàng nghìn mồ mả cần di dời. Dự án ảnh hưởng lớn như thế, nhưng vì sao phải xây dựng? Những nhà chuyên môn diễn giải sự cần thiết, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình trọng điểm quốc gia, giúp rút ngắn khoảng cách và thời gian đi lại giữa các trung tâm kinh tế của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung, các khu công nghiệp của Đà Nẵng, Quảng Nam và Quảng Ngãi. Tuyến đường mở ra cơ hội mới cho các nhà đầu tư đến với vùng đất “nắng lắm, mưa nhiều” này. Công trình dự kiến sẽ phân luồng giao thông rất hiệu quả để kết nối vận chuyển quốc tế trong khu vực tam giác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia. Từ hành lang kinh tế Đông - Tây, hàng hóa vận chuyển trên hệ thống trục ngang, nhập vào cao tốc đến các cảng biển miền Trung Việt Nam không mấy khó khăn. Khi đưa vào khai thác (dự kiến tháng 6.2018 thông xe toàn tuyến), cung đường góp phần chia sẻ phương tiện cho quốc lộ 1, giảm thiểu nguy cơ va chạm dẫn đến tai nạn.
“Chảy” cùng cao tốc
Nằm trong Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, dự án xây dựng cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi là công trình đường bộ cao tốc đầu tiên ở miền Trung, thuộc cao tốc Bắc - Nam phía đông. Khởi công ngày 19.5.2013, khi trục đường hoàn thành đưa vào khai thác sẽ giúp cho hàng hóa qua cảng Tiên Sa, Liên Chiểu (TP.Đà Nẵng), Kỳ Hà (Quảng Nam), Dung Quất (Quảng Ngãi) được vận chuyển nhanh chóng, hiệu quả cao hơn. “Dải đất miền Trung hẹp về bề ngang, cao tốc trục dọc hình thành sẽ dễ dàng cho việc đầu tư phát triển đường ngang kết nối vào. Qua đường ngang, phương tiện trên cao tốc tiếp cận thuận lợi cảng biển, các khu công nghiệp, khu kinh tế” - ông Nguyễn Tiến Thành, Giám đốc Ban Quản lý dự án đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi nói.
Xe qua hầm cao tốc núi Eo (Duy Xuyên). |
Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa - nguyên Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải từng nhận định: cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi đưa vào khai thác sẽ mở ra cơ hội cho cảng hàng không Chu Lai (Núi Thành) “cất cánh”. Bởi lẽ, hành khách sẽ chọn đi cao tốc để đến sân bay này mà không tiêu tốn nhiều thời gian như tại Đà Nẵng. Tuyến cao tốc còn góp phần quan trọng vào việc đảm bảo giao thông thông suốt, cứu trợ khẩn cấp nếu quốc lộ 1 bị chia cắt trong mùa mưa bão. Điển hình tháng 11.2017, do ảnh hưởng cơn bão số 12, mưa lớn kéo dài gây lũ lụt khiến quốc lộ 1 bị ngập sâu nhiều đoạn, chia cắt giao thương đường bộ và đường sắt ở miền Trung. Lúc đó, cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi, đoạn 65km từ Đà Nẵng vào đến nút giao Tam Kỳ (xã Tam Thái, Phú Ninh) được đông đảo tài xế lựa chọn cho lộ trình di chuyển, góp phần giải tỏa ách tắc. Đỉnh điểm vào ngày 6.11.2017, đoạn tuyến đón hơn 6.000 lượt phương tiện, tăng gấp 2 - 4 lần so với ngày thường.
UBND tỉnh đã đề nghị Bộ Giao thông vận tải chấp thuận cho Công ty CP Ô tô Trường Hải đầu tư cầu vượt tại vị trí giao cắt đường bộ, đường sắt với tuyến đường trục chính nối cảng Tam Hiệp đến Khu công nghiệp ô tô Chu Lai - Trường Hải và cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi bằng nguồn vốn doanh nghiệp bố trí (dự kiến 600 tỷ đồng). Tuyến đường trên là trục ngang chính trong Khu kinh tế mở Chu Lai, phục vụ vận chuyển linh kiện, phụ tùng, vật tư hàng hóa sản xuất tại Khu liên hợp sản xuất ô tô Chu Lai Trường Hải và các nhà máy khác, đồng thời đáp ứng đi lại của hàng chục nghìn cán bộ, công nhân và nhân dân. Cùng với đó, UBND tỉnh cũng kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xem xét bổ sung, mở rộng quốc lộ 40B; xây dựng nút giao liên thông kết nối với tuyến ĐT620 đi sân bay Chu Lai; nút giao liên thông kết nối đường cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi với ĐT610; đầu tư 2 cầu đường bộ vượt đường sắt Bắc - Nam tại vị trí giao cắt giữa đường sắt với quốc lộ 14E và ĐT609; hỗ trợ đầu tư phát triển cảng hàng không Chu Lai theo quy hoạch...
Cao tốc mở ra, ngoài góp phần hoàn chỉnh mạng lưới giao thông, Quảng Nam cũng sẽ có thêm lợi thế so sánh để doanh nghiệp tìm hiểu cơ hội đầu tư, kể cả xây dựng khu công nghiệp, “đánh thức” du lịch dọc tuyến.
CÔNG TÚ