Kết nối việc làm ở miền núi

DIỄM LỆ - VÕ NHẬT 20/02/2019 08:00

Sáng 19.2, phiên giao dịch việc làm do Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh phối hợp với UBND huyện Bắc Trà My tổ chức diễn ra khá sôi động. Đưa việc làm đến với lao động (LĐ) miền núi là hướng chủ lực của thị trường LĐ năm này.

Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: D.L
Lao động tìm hiểu thông tin việc làm tại sàn giao dịch việc làm. Ảnh: D.L

Nguồn LĐ ở miền núi còn nhiều, nhưng đi ra khỏi vùng để làm việc là câu chuyện khó đã được nhắc đến nhiều năm nay. Ngoài các lý do về địa bàn khó khăn, ý thức chưa cao, việc ít tiếp cận với thị trường LĐ cũng là rào cản. Đưa các phiên giao dịch việc làm lên miền núi sẽ giúp doanh nghiệp (DN) và người LĐ xích lại gần nhau hơn. Trực tiếp gặp DN tư vấn, viết đơn xin việc và được tiếp nhận ngay tại chỗ là điều kiện tốt giúp LĐ miền núi yên tâm đi làm. Anh Hồ Văn Xiêm (xã Trà Đốc, Bắc Trà My) cho biết khi nghe thông tin về phiên giao dịch việc làm, anh cùng các bạn của mình đến trung tâm huyện từ sớm để tìm kiếm cơ hội. Được biết, anh Xiêm học ngành sư phạm tiểu học, ra trường không xin được việc nên làm giám sát bán hàng ở Tam Kỳ. Anh Xiêm nói: “Tại sàn giao dịch có bảng thông tin cụ thể với rất nhiều việc. Tôi sẽ tiếp tục đăng ký công việc giám sát bán hàng như đã làm trước đây để phát huy thế mạnh bản thân”.

LĐ khu vực đồng bằng đã ở mức bão hòa, nếu có sự dịch chuyển chỉ là từ DN này sang DN khác, hoặc từ các tỉnh thành khác chuyển về. Họ là LĐ đã có tay nghề, thâm niên làm việc nên có nhiều cơ hội tìm kiếm và lựa chọn việc làm theo sở thích. Các DN khi tuyển mới LĐ phổ thông để tự đào tạo đều rất khó tuyển dụng ở đồng bằng nên chuyển hướng về miền núi. Ông Lê Văn Châu - Trưởng phòng Nhân sự Công ty Fashion Garments (Khu công nghiệp Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) cho biết trong năm 2019, công ty có nhu cầu tuyển dụng hơn một nghìn LĐ có tay nghề lẫn không có tay nghề. Ngoài tuyển dụng tại các sàn giao dịch việc làm, DN cũng sẽ phối hợp với các trường nghề để tuyển dụng nguồn LĐ được đào tạo sơ cấp, trung cấp may. Ông Châu cho biết: “Đến thời điểm này muốn tuyển dụng được LĐ phải đến khu vực miền núi, vì thế công ty phải có thêm các chế độ đãi ngộ hợp lý để thu hút LĐ. Ngoài chế độ lương thưởng theo quy định, công ty sẽ tìm nhà trọ gần nơi làm việc cho LĐ ở xa đến làm việc có chỗ ở, hỗ trợ tiền trọ mỗi tháng 220 nghìn đồng/người. Khi được tuyển dụng, có xe đón LĐ ở các huyện miền núi đến công ty làm việc, cuối tháng có xe đưa về thăm quê. Trong năm này, công ty sẽ tiến hành xây dựng khu ký túc xá cho LĐ ở miễn phí. Hy vọng với những đãi ngộ trên, công ty sẽ tuyển dụng được lực lượng LĐ theo kế hoạch”.

Sàn giao dịch việc làm tại huyện Bắc Trà My sẽ mở màn cho chiến dịch đưa việc làm đến với LĐ miền núi của Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh. Ngoài tổ chức sàn tại trung tâm một số huyện miền núi, công tác giới thiệu việc làm sẽ triển khai về tận các xã vùng sâu vùng xa. Ông Nguyễn Nhuần - Phó Chủ tịch UBND huyện Bắc Trà My cho biết: “Việc tổ chức sàn giao dịch việc làm ở các huyện miền núi hết sức ý nghĩa. Từ đây có thể quảng bá, cung cấp thông tin thị trường LĐ, từng bước nâng cao hiểu biết của cán bộ cơ sở, nhân dân, người LĐ về ý thức đi lao động ở trong và ngoài tỉnh, cũng như đi xuất khẩu LĐ. DN và người LĐ gặp nhau sẽ dễ dàng hơn trong việc tuyển dụng. Khi LĐ có việc làm, có thu nhập sẽ giải quyết được bài toán giảm nghèo cho địa phương. Năm nay huyện phấn đấu giải quyết việc làm mới cho 700 LĐ nên khởi động năm mới với sàn giao dịch này rất có giá trị và ý nghĩa”.

DIỄM LỆ - VÕ NHẬT

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối việc làm ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO