Kết nối vươn khơi

Nguyễn Quang Việt 08/05/2013 08:31

Nhờ sự kết nối sản xuất, các tàu cá của ngư dân Quảng Nam đảm bảo được an toàn trong những chuyến vươn khơi. Bên cạnh đó, ngành chức năng cũng đã đồng hành bằng những động thái thiết thực.

Để an toàn sản xuất trên biển, xây dựng các tổ, đội tàu đoàn kết là điều cần thiết.Ảnh: Q.VIỆT
Để an toàn sản xuất trên biển, xây dựng các tổ, đội tàu đoàn kết là điều cần thiết.Ảnh: Q.VIỆT

Để an toàn trên biển

“Biển khơi rộng lớn luôn tiềm ẩn rủi ro, hiểm nguy. Ngoài những tác động xấu của thời tiết, nhiều khi đang sản xuất, chúng tôi bị tàu nước ngoài gây hấn, đe dọa và xua đuổi ngay trên vùng biển của Tổ quốc. Để an toàn bám biển, chúng tôi đã trang bị cho phương tiện khai thác của mình máy thông tin liên lạc thật tốt để kết nối với đất liền” - ông Phạm Hồ (thôn Sâm Linh Tây, xã Tam Quang, Núi Thành) nói. Ông Phạm Hồ hiện có 2 chiếc tàu QNa-90262 (công suất 270CV) và QNa-91847 (công suất 125CV) khai thác hải sản bằng nghề lưới vây tại vùng biển Hoàng Sa. Cũng theo ông, mới đây Chủ tịch nước Trương Tấn Sang đến thăm, trò chuyện thân mật và chia sẻ những rủi ro bám biển với ngư dân Núi Thành, đồng thời tặng họ những chiếc máy I-com để trang bị cho tàu liên lạc với đất liền. “Được đích thân Chủ tịch nước đến thăm hỏi, động viên, chia sẻ, chúng tôi rất đỗi vui mừng. Đó là động lực lớn giúp ngư dân thêm kiên tâm bám biển” - ông Phạm Hồ chia sẻ.

Hiện tại, 150 phương tiện sản xuất trên vùng biển xa của ngư dân Quảng Nam đều đã trang bị máy thông tin liên lạc tầm xa sử dụng sóng HF. Để tiện lợi trong việc kết nối liên lạc với đất liền, nhiều tàu còn trang bị thêm thiết bị tích hợp hệ thống định vị toàn cầu (GPS). Ngoài ra, với việc thực hiện dự án “Hệ thống quan sát tàu cá, vùng đánh bắt và nguồn lợi thủy sản bằng công nghệ vệ tinh - Movimar”, có 50 ngư dân Quảng Nam đã được trung ương ưu tiên cấp phát, lắp đặt thiết bị kết nối vệ tinh. Ông Phạm Sơn (phường Cửa Đại, TP.Hội An), ngư dân được hỗ trợ từ dự án, cho biết: “Chúng tôi hiểu, bám biển còn có ý nghĩa bảo vệ chủ quyền, bảo vệ biên giới biển, đảo. Thời gian qua, khai thác hải sản ở khu vực đảo Song Tử Tây (quần đảo Trường Sa), chúng tôi luôn bị các tàu lạ quấy phá. Tuy nhiên, nhờ kết nối thông suốt với đất liền qua thiết bị GPS, sự hỗ trợ lẫn nhau giữa các tàu, chúng tôi đã chủ động chống lại sự quấy phá của tàu lạ, quyết tâm bám biển sản xuất”.

Để giảm các tai nạn trên biển, liên kết sản xuất, đoàn kết chống trả các động thái gây hấn của tàu lạ, nhiều năm qua, Quảng Nam đã hình thành và phát triển rộng khắp mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển. Hiện tại toàn tỉnh có 100 tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển, phân bố đều khắp 6 huyện, thành phố ven biển. Các tổ, đội đoàn kết này đã thu hút sự tham gia của 830 tàu cá với hơn 5.000 lao động trên biển. Nghiệp đoàn Nghề cá Quảng Nam đã được thành lập và hoạt động gần một năm qua cũng đã giúp ngư dân kịp thời ứng phó với những rủi ro lúc lao động trên biển, nhất là khi phải đối mặt với các tàu xâm phạm chủ quyền lãnh hải quốc gia.

Ông Ngô Tấn - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, kiêm Chủ tịch Hội Nghề cá Quảng Nam cho biết: “Hoạt động khai thác hải sản trên biển của ngư dân trên địa bàn tỉnh ngày càng nền nếp, ổn định, dù phải đối phó với nhiều nguy nan khi sản xuất trên biển. Các hình thức như nghiệp đoàn nghề cá hay tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển đã phát huy cao nhất tinh thần tương thân tương trợ của ngư dân, giúp họ chủ động phòng tránh bão, cứu hộ, cứu nạn trên biển. Các trang thiết bị thông tin liên lạc hiện đại được lắp đặt cũng đã kết nối hỗ trợ ngư dân, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá sản xuất”.

Sát cánh cùng ngư dân

Ông Trần Văn Việt - Trưởng phòng Quản lý tàu cá, Chi cục Khai thác & bảo vệ nguồn lợi thủy sản Quảng Nam cho biết, trong thời gian đến, để giúp ngư dân có những chuyến biển an toàn, ngành chức năng sẽ tổ chức cho ngư dân tham gia các lớp tập huấn phòng chống lụt, bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn. Mặt khác, hoạt động đăng kiểm tàu cá sẽ được đơn vị thực hiện linh hoạt và chủ động hơn. Căn cứ vào thời vụ sản xuất cùng đặc điểm nghề khai thác của ngư dân, mỗi tháng sẽ có 4 ngày định kỳ thực hiện đăng kiểm cho tàu cá tại 2 địa điểm là TP.Hội An và huyện Núi Thành. Ngoài ra, các điểm đăng kiểm lưu động được tổ chức thường xuyên tại 4 huyện, thành phố  khác cũng sẽ giúp phương tiện khai thác của ngư dân an toàn hơn với những chuyến xa khơi. Ông Việt cho biết thêm, cùng với đăng kiểm tàu cá, các phương án phòng chống lụt bão, tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn sẽ được triển khai sát hợp hơn với điều kiện cụ thể của từng địa phương. “Cùng với việc phổ biến các kiến thức, kinh nghiệm về phòng chống lụt, bão tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn trên biển, giúp ngư dân chủ động trong mọi tình huống ứng phó với thiên tai, chúng tôi cũng sẽ phối hợp chặt chẽ với các đồn biên phòng tuyến biên giới biển nắm chắc tình hình hoạt động của tàu cá, thông tin kịp thời các diễn biến của thời tiết trên biển đến với ngư dân” - ông Việt nói.

Theo ông Ngô Tấn, ngoài việc đơn giản hóa thủ tục hỗ trợ theo các quyết định của Thủ tướng Chính phủ và UBND tỉnh để ngư dân nhanh chóng trang bị các thiết bị liên lạc trên tàu, ngành chức năng cần giúp các địa phương ven biển kiện toàn hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và nghiệp đoàn nghề cá. “Trong thời gian đến, chúng tôi sẽ nghiên cứu, tham mưu cho Bộ NN&PTNT, Chính phủ ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho việc tổ chức, xây dựng, quản lý các hoạt động của các tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển và các nghiệp đoàn nghề cá. Việc xác định vai trò, trách nhiệm của chính quyền các xã, phường về hoạt động cũng như nhân rộng mô hình tổ, đội đoàn kết sản xuất trên biển cũng sẽ được nhấn mạnh hơn” - ông Tấn nói.

Nguyễn Quang Việt

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết nối vươn khơi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO