Kết toán ngân sách 2016: Thu nhiều vẫn chưa hết lo...

TRỊNH DŨNG 03/01/2017 09:16

Tổng thu ngân sách nhà nước tăng đến mức kỷ lục nhưng tốc độ giải ngân sụt giảm, nợ tạm ứng quá nhiều, nợ đọng không thể thu hồi… đã khiến bức tranh ngân sách Quảng Nam năm 2016 chưa như mong đợi.

Thu ngân sách cao nhờ doanh nghiệp gia tăng sản xuất, đầu tư, mở rộng kinh doanh. TRONG ẢNH: Cảng Trường Hải - Chu Lai. Ảnh: T.D
Thu ngân sách cao nhờ doanh nghiệp gia tăng sản xuất, đầu tư, mở rộng kinh doanh. TRONG ẢNH: Cảng Trường Hải - Chu Lai. Ảnh: T.D

Thu ngân sách “kịch trần”

Theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, tính đến ngày 30.12.2016, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn khoảng 19.946 tỷ đồng, tăng 39% so cùng kỳ năm trước và vượt 44% dự toán. Ngoài khoản huy động đóng góp dù tăng 28% so cùng kỳ, nhưng không đạt dự toán (77%), hai khoản thu còn lại là nội địa và xuất nhập khẩu đều vượt dự toán khá cao. Thu nội địa luôn chiếm ưu thế với 13.775 tỷ đồng, tăng 46% và vượt 52%. Chín khoản thu lớn của nội địa (doanh nghiệp nhà nước, FDI, kinh tế tư nhân, thu nhập cá nhân, lệ phí trước bạ, các khoản từ đất, bảo vệ môi trường, xổ số kiến thiết, phí và lệ phí) đều đã vượt dự toán đáng kể (ít nhất là 7% và cao nhất là 73%). Bất ngờ nhất là 2 khoản thu từ doanh nghiệp FDI, phí và lệ phí thường xuyên không đạt dự toán hàng năm thì nay đã được cải thiện. Cụ thể, năm 2015 chỉ đạt 89,06% và 90,4% thì năm 2016, thu từ doanh nghiệp FDI đã vượt đến 73% dự toán (787 tỷ đồng) và thu phí, lệ phí cũng đã vượt, dù chỉ 7%. Theo nhận định của các cơ quan quản lý, vượt thu ngân sách khá cao cho thấy doanh nghiệp đã chủ động, sẵn sàng cho một chu kỳ đầu tư, phát triển mới. Cho dù có đến 96% doanh nghiệp nhỏ và vừa, siêu nhỏ, nhưng hầu hết đã đủ sức vượt qua khó khăn. Đó là dấu hiệu tốt của nền kinh tế Quảng Nam.

Chi ngân sách nhà nước trên địa bàn tỉnh khoảng 17.658 tỷ đồng, tăng 4% so với cùng kỳ năm trước, đạt 83% dự toán. Phân tích cho thấy chi ngân sách trung ương khoảng 3.970 tỷ đồng, giảm 7%, đạt 88% dự toán và chi ngân sách địa phương tăng tương ứng 7%, đạt 81%. Tuy nhiên, nếu ngân sách trung ương năm 2016 chi cho đầu tư phát triển giảm đến 38%, chi thường xuyên tăng 11% thì ngân sách địa phương đã tăng đến 18% so với chi thường xuyên chỉ tăng 2%. Thống kê này chứng minh Quảng Nam đã tiết giảm chi thường xuyên, chuyển nguồn lực sang đầu tư phát triển, bù đắp phần “thiếu hụt” từ ngân sách trung ương.

Chưa thể yên tâm

Tăng thu ngân sách cao thể hiện năng lực nội sinh nền kinh tế Quảng Nam đã bắt đầu có sự chuyển biến tích cực, song những thống kê khác về tiến độ giải ngân vốn đầu tư xây dựng cơ bản và các chương trình mục tiêu mới chỉ đạt 80% kế hoạch vốn, thấp hơn cả tỷ lệ giải ngân của cả nước (81,6%). Trong đó, vốn thuộc kế hoạch năm 2016 khoảng 5.938 tỷ đồng, đạt 79%, nguồn trái phiếu chính phủ 465 tỷ đồng, đạt 92% kế hoạch vốn, nguồn chương trình mục tiêu quốc gia 599 tỷ đồng, đạt 85% kế hoạch vốn và nguồn trung ương hỗ trợ có mục tiêu 903 tỷ đồng, đạt 94% kế hoạch vốn. Vốn ứng trước, tồn ngân 469 tỷ đồng, đạt 87%, kế hoạch vốn năm 2015 kéo dài 198 tỷ đồng, đạt 74%. Không kể kinh phí ứng trước nợ tạm ứng chi ngân sách nhà nước trên địa bàn là 1.926 tỷ đồng, chiếm 11% tổng chi ngân sách nhà nước. Chiếm nhiều nhất số nợ tạm ứng này là tạm ứng kinh phí chi cho đầu tư phát triển 1.124 tỷ đồng, trong đó có nợ tồn đọng từ năm 2010 trở về trước hơn 31,7 tỷ đồng cho các hợp đồng đã hết hiệu lực, khó có thể thu hồi, quyết toán hay hoàn ứng được…

Các con số thống kê trên khiến các cơ quan quản lý chưa thể yên tâm. Số tạm ứng tăng cao, chưa kể số nợ đọng xây dựng cơ bản cũ, mới chưa thể thống kê được, đồng nghĩa với việc ngân sách năm sau đều phải cân đối trả nợ, lại phải điều tiết về ngân sách trung ương, sẽ dẫn đến thiếu hụt kinh phí để tiếp sức cho các dự án dở dang hoặc đầu tư dự án mới cho những năm tiếp theo. Trong khi đó, nguồn lực thu ngân sách năm 2017 dự báo không thể đủ khả năng tăng hay vượt thu ngân sách như năm 2016. Ngoài ra, chi đầu tư phát triển từ ngân sách địa phương tăng 18%, nhưng ngân sách trung ương lại giảm đến 38%... dẫn đến việc thiếu nguồn lực để khắc phục các điểm nghẽn về hạ tầng cứng, hạ tầng kinh tế, đầu tư nhân lực, phát triển khoa học công nghệ… Hệ quả “đầu tư công là để kiến tạo phát triển” không đủ để làm vốn mồi cho việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác.

Một lo ngại khác cũng cần phải đề cập là dường như việc “không xài hết vốn đầu tư” cho dù chính quyền đã thường xuyên phát đi văn bản yêu cầu đẩy nhanh tiến độ giải ngân các nguồn vốn đầu tư. Quảng Nam đã từng phải nhìn nguồn vốn bị trung ương thu hồi khi nhu cầu đầu tư vẫn luôn trong tình trạng đói vốn! Điều này có thể sẽ lại tiếp tục xảy ra sau những con số thống kê đã công bố. Ông Trần Phước Tào - Giám đốc Kho bạc Nhà nước Quảng Nam cho hay, cơ chế, chính sách Nhà nước điều chỉnh, thay đổi, các văn bản của bộ, ngành trung ương hướng dẫn luật mới chưa kịp thời. Các kế hoạch đầu tư, thẩm định vốn, chủ trương đầu tư, dự án sử dụng vốn trong và ngoài ngân sách phải qua nhiều cơ quan, nên khá lúng túng, mất nhiều thời gian thực hiện. Việc sắp xếp, thành lập các ban quản lý chuyên ngành mất thời gian khá dài (5 tháng). Ngoài ra, việc chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục của các chủ đầu tư, ban quản lý dự án quá chậm trễ, nên hầu hết các dự án mới năm 2016 cho đến giờ vẫn chưa triển khai thi công hay vướng giải phóng mặt bằng, thời hạn giải ngân các chương trình, dự án, nguồn vốn kế hoạch kéo dài không đồng bộ, tốn nhiều thời gian… “Một phần do chủ quan của các chủ đầu tư, ban quản lý, một phần vướng cơ chế, chính sách nên đã dẫn đến tỷ lệ giải ngân thấp như hiện tại” - ông Tào nói.

TRỊNH DŨNG

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Kết toán ngân sách 2016: Thu nhiều vẫn chưa hết lo...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO