Thu ngân sách tăng cao, nhưng tỷ lệ giải ngân thấp được cho sẽ là lực cản phát triển của Quảng Nam.
Thu chi ngân sách địa phương đều dựa vào sự tăng trưởng của doanh nghiệp. Ảnh: T.D |
Thu nội địa tăng bất ngờ
Kho bạc Nhà nước Quảng Nam công bố chốt sổ ngân sách chiều 31.12.2018 với những con số vượt mọi ước đoán. Tổng thu ngân sách nhà nước đạt hơn 23.733/19.676 tỷ đồng dự toán, tăng 20,62%. Thu xuất nhập khẩu và nhất là thu nội địa gia tăng đáng kể. Hồi tháng 10.2018, ông Ngô Bốn - Cục trưởng Cục Thuế dự đoán thu nội địa sẽ vượt khoảng 2.000 tỷ đồng. Song, số thu cuối cùng đã đạt đến hơn 19.123 tỷ đồng, vượt 23,57% dự toán. Con số này không chỉ tăng khá cao so với dự toán 15.476 tỷ đồng thuế nội địa, mà vượt luôn cả số liệu công bố trước HĐND tỉnh (hơn 19.123 tỷ đồng so với 17.274 tỷ đồng).
Thống kê cho thấy, trừ số thu từ doanh nghiệp nhà nước (81%) và thu thuế môi trường (98,91%) không đạt dự toán, tất cả sắc thuế khác trong số thu nội địa đều gia tăng. Thậm chí phí, lệ phí vượt hơn 103%, các khoản thu về đất hơn 82,17% và thu cấp quyền khai thác khoáng sản 75,38%. Bất ngờ là thu từ doanh nghiệp FDI không đạt dự toán năm 2017 (94,14%) đã vượt đến 52,44%; và khu vực công thương ngoài quốc doanh không thể đạt dự toán năm 2017 (87,85%) đã tăng trưởng trở lại đầy ấn tượng với tỷ lệ vượt đến 15,78%. Theo phân tích của Cục trưởng Cục Thuế Ngô Bốn, ngành thuế đã chủ động phân tích, tổng hợp, dự báo, kịp thời đánh giá các yếu tố tác động đến nguồn thu, xác định các nguồn thu tiềm năng, các lĩnh vực thất thu để khai thác triệt để… Tuy nhiên, kết quả thu đầy ấn tượng này thể hiện những nguồn thu liên quan trực tiếp đến doanh nghiệp đều gia tăng từ việc doanh nghiệp đủ năng lực tiếp cận vốn, chủ động tính toán, dự báo thị trường để mở rộng đầu tư, sản xuất… Đó là dấu hiệu tốt của nền kinh tế Quảng Nam.
Ngược với thu ngân sách tăng đột biến, chi ngân sách không thể đạt dự toán, khi chỉ chi khoảng 20.478/23.592 tỷ đồng, đạt 74,08%. Tỷ lệ này thấp hơn năm 2017 (74,08% so với 85,22%), nhưng theo ông Phan Văn Chín – Giám đốc Sở Tài chính, dù chi ngân sách không đạt 100% nhưng ổn định. Không có nhiệm vụ chi nào bị cắt giảm. Đó là một trong những thành công của việc điều hành, cân đối ngân sách năm 2018.
Vẫn nỗi lo cũ
Thu ngân sách vượt dự toán khá cao thể hiện năng lực nội sinh doanh nghiệp và nền kinh tế Quảng Nam đã có sự chuyển biến tích cực. Mô hình tăng trưởng kinh tế có dấu hiệu nghiêng về chất lượng. Tuy nhiên, theo Kho bạc Nhà nước Quảng Nam, con số chi đầu tư phát triển, bao gồm chi vốn đầu tư các chương trình mục tiêu, chi từ nguồn tăng thu mới năm 2018 được cấp lại chỉ đạt 74,26% (hơn 7.191/9.368 tỷ đồng), không phải là tỷ lệ lạc quan, cho dù tỷ lệ này có tăng hơn tỷ lệ giải ngân năm 2017 khoảng 1%.
Kho bạc Nhà nước Quảng Nam sau nhiều thống kê qua các năm đã xác nhận chỉ cần đạt đến 85% tỷ lệ giải ngân cũng đã là con số khả quan. Nhưng gần như nhiều năm gần đây, số kết toán ngân sách về tỷ lệ giải ngân chưa bao giờ đạt đến 80%. Đây thật sự là một con số ảm đạm. Có thể thấy, những khuyến cáo của chính quyền tỉnh và hành động của các chủ đầu tư, ban quản lý… về việc điều chuyển vốn từ các dự án giải ngân chậm, bố trí cho các dự án có nhu cầu thanh toán khối lượng hoàn thành và các dự án cần đẩy nhanh tiến độ… đã có sự thay đổi, nhưng chuyển biến không đáng kể. Trong các cuộc họp bàn về tiến độ giải ngân, các chủ đầu tư viện dẫn đủ loại lý do để biện bạch cho tình trạng giải ngân ì ạch này. Từ cơ chế, chính sách thay đổi, chồng chéo, khó khăn bồi thường giải tỏa, việc thẩm định các dự án lớn của các cơ quan chuyên ngành chậm hoặc hầu hết dự án mới chưa khởi công, vẫn trong giai đoạn lựa chọn nhà thầu… Theo ông Đặng Phong - Giám đốc Sở KH&ĐT, bồi thường, giải phóng mặt bằng bị ách tắc, dự án chờ quyết toán là nguyên nhân lớn nhất. Quản lý hiện trạng yếu, thỏa thuận giá bồi thường không hợp lý đã ảnh hưởng lớn đến tiến độ thực hiện của các dự án, không bảo đảm khối lượng để giải ngân hết kế hoạch vốn. Việc lập hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật, đấu thầu, điều chỉnh, bổ sung dự án, triển khai thi công, giải ngân vốn đầu tư của các chủ đầu tư và nhà thầu quá chậm. Không ít dự án giao vốn từ đầu năm nhưng vẫn chưa triển khai, nhiều dự án mới được trung ương thông báo vốn từ những tháng cuối cùng của năm… nên tiến độ giải ngân chậm!
Không phải bây giờ chuyện “xài không hết vốn đầu tư” mới xảy ra. Nó đã trở thành căn bệnh mãn tính, hầu như khó giải quyết. Sự chủ quan, thiếu năng lực điều hành của chủ đầu tư lẫn năng lực nhà thầu có vấn đề chưa bao giờ được giải quyết dứt điểm. Hệ quả “đầu tư công là để kiến tạo phát triển” không đủ để làm vốn mồi cho việc thu hút đầu tư từ các thành phần kinh tế khác. Nếu không giải ngân hết vốn đầu tư - tức nguồn lực ngân sách vốn đã ít ỏi không được đổ vào nền kinh tế để tạo những hạ tầng cứng, làm vốn mồi thu hút nhà đầu tư, doanh nghiệp mở rộng sản xuất, kinh doanh, thì lấy đâu ra để tăng thu? Những yếu kém này có thể sẽ trở thành lực cản, nỗi lo cho sự phát triển!
TRỊNH DŨNG