Sản xuất tăng, hàng tồn kho giảm mạnh, vốn đổ vào đầu tư phát triển ngày càng nhiều, thu ngân sách tăng nhanh... cho thấy mục tiêu tăng trưởng 11,5% GDP năm 2014 của Quảng Nam không còn là chuyện khó khăn.
Kinh tế phục hồi
Ngày 3.11, Sở Kế hoạch - đầu tư công bố chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tháng 10 đã tăng hơn 21% so với tháng trước và 10 tháng qua đã tăng đến 5,7% so cùng kỳ năm trước. Sự hoạt động trở lại của Công ty Vàng Bồng Miêu sau hai tháng tạm ngừng đã giúp ngành công nghiệp khai khoáng tăng gần 11% sau nhiều tháng giảm sút. Chỉ số tiêu thụ toàn ngành công nghiệp, chế biến, chế tạo đã tăng 12,4%, chỉ số hàng tồn kho có dấu hiệu tăng cao trong 9 tháng trước đã thực sự đổi chiều khi đã giảm hơn 14%, tỷ lệ tồn kho tăng không còn đáng kể so với cùng kỳ năm trước và chỉ số sử dụng lao động toàn ngành công nghiệp cũng tăng gần 5%. Ở khu vực xuất khẩu, hàng dệt may, sản phẩm từ thép, da giày đã tăng trở lại và nhập khẩu gia tăng trên 35,5% so cùng kỳ, nhiều nhất là linh kiện ô tô, nguyên phụ liệu hàng dệt may, da giày… chứng tỏ các doanh nghiệp (DN) đã chuẩn bị sản xuất lượng hàng hóa lớn, sẵn sàng đáp ứng nhu cầu mua sắm và thực hiện theo các hợp đồng vào dịp cuối năm.
Vốn đầu tư phát triển chủ yếu tập trung vào các công trình trọng điểm. Ảnh:T.PHONG |
Tín dụng tăng trưởng nhỏ giọt nhiều tháng qua, bất ngờ tăng đến 6,7% vào cuối tháng 10, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn đến 95%/tổng dư nợ cho thấy các ngân hàng đã bắt đầu khơi thông được dòng tiền chảy vào khu vực sản xuất, tiêu dùng. DN được tiếp thêm lực để duy trì và mở rộng sản xuất, kinh doanh. Không như những dự báo thu ngân sách sẽ khó khăn khi sức khỏe của DN ngày càng cạn kiệt hoặc thiếu hụt nguồn vốn đầu tư. Tính đến cuối tháng 10, tổng thu ngân sách nhà nước đạt khoảng gần 6.790 tỷ đồng, bằng 98% dự toán năm, trong đó thu nội địa hơn 4.800 tỷ đồng (đạt 96% dự toán) và thu xuất, nhập khẩu gần 1.760 tỷ đồng (vượt 13% dự toán). Tổng vốn đầu tư thuộc ngân sách nhà nước cũng đã tăng gần 9% so cùng kỳ.
Tất cả con số thống kê ấy phần nào cho thấy dấu hiệu nền kinh tế Quảng Nam đã bước vào quỹ đạo tăng trưởng ổn định và ngày càng được định hình một cách rõ nét hơn. Bức tranh kinh tế Quảng Nam đã xuất hiệu nhiều điểm sáng, báo hiệu một kết cuộc có lợi cho năm 2014.
Sẽ đạt mục tiêu tăng trưởng
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh yêu cầu các sở, ban, ngành cần chạy đua thời gian để đôn đốc các nhà thầu, đẩy nhanh tiến độ thi công, bảo đảm hoàn thành đúng tiến độ, rà soát, điều chuyển và giải ngân hết 100% kế hoạch vốn đầu tư phát triển, tiếp tục hỗ trợ doanh nghiệp và đẩy mạnh việc tăng thu ngân sách... để đạt mục tiêu tăng trưởng 11,5% GDP cho năm 2014. |
Dù còn không ít thách thức, nhưng với những gam màu sáng đang có, cộng với nhịp điệu tăng trưởng của hai tháng còn lại, mục tiêu tăng trưởng 11,5% cho năm 2014 của Quảng Nam đã trở nên sáng sủa hơn. Những điểm sáng này sẽ là cơ sở định hướng và là dự báo xu hướng tích cực cho năm 2015. Tuy nhiên, để duy trì những thành quả ổn định đạt được của nền kinh tế, rất cần những sự thay đổi và tìm ra giải pháp khắc phục những bất ổn đang xuất hiện. Theo ông Đinh Hài, Giám đốc Sở VH-TT&DL, tổng lượng khách đến Quảng Nam 10 tháng qua tăng cả khách tham quan và lưu trú, nhưng sự xâm thực biển Cửa Đại đã khiến ngành du lịch mất lợi thế. Tháng 11 là mùa cao điểm khách du lịch quốc tế, nhưng theo nhiều cuộc họp với các đối tác lữ hành mới đây thì một số khách sạn ven biển đã bị loại khỏi danh sách đưa khách đến. Nếu không có giải pháp nhanh chóng thì sự thất thu của ngành du lịch và hàng ngàn tỷ đồng của DN sẽ biến mất sau sự cố này. Ngoài ra, ngành du lịch cũng đang rất cần hiện thực hóa quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh về cơ chế hỗ trợ, đầu tư phát triển du lịch miền núi hải đảo, bù đắp sự thiếu hụt lượng khách và mở rộng biên độ phát triển du lịch, góp phần tạo việc làm và tăng thu ngân sách.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh cho rằng hai tháng cuối cùng của năm vẫn là mùa cao điểm về sản xuất, kinh doanh của DN để tìm cách tăng trưởng doanh số và lợi nhuận. Việc gia tăng thu ngân sách, bù đắp sự thiếu hụt nguồn thu hay có lực chi cho đầu tư phát triển cũng sẽ dựa vào sự phát triển của khu vực kinh tế này, vì vậy mối quan tâm hàng đầu của chính quyền và cơ quan quản lý là ưu tiên gỡ khó cho DN. Chính quyền và cơ quan quản lý nhanh chóng tháo gỡ, giải quyết khó khăn của DN thông qua những cuộc tiếp xúc định kỳ ngày càng hiệu quả và thiết thực hơn. Theo Chủ tịch UBND tỉnh Lê Phước Thanh, những vướng mắc về giải phóng mặt bằng cần phải được giải tỏa để các dự án tiếp tục triển khai và vốn nhanh chóng được đổ vào nền kinh tế một cách hiệu quả. Chính quyền sẽ bố trí vốn ngân sách và tiếp tục đề xuất Chính phủ hỗ trợ kinh phí ưu tiên chống xói lở bờ biển…
TÙY PHONG