Khắc biển vào đá

NGUYỄN DỊ CỔ 21/07/2018 12:01

Biển từ ngàn năm trước cho đến ngày nay vẫn là môi sinh cho cộng đồng ngư dân ở Việt Nam. Chính sự trường tồn của biển, của nghề biển, của sự sinh hoạt gắn biển đã làm nên một nền văn hóa biển trong sự phát triển đa dạng của văn hóa Việt Nam. Nhiều nội dung quan trọng về văn hóa biển đã trầm tích trong văn bia Quảng Nam - Đà Nẵng.

Biển từ bao đời vẫn là môi sinh cho cộng đồng ngư dân ở Việt Nam.  Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Biển từ bao đời vẫn là môi sinh cho cộng đồng ngư dân ở Việt Nam. Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Văn hóa biển ở đây được hiểu là những vấn đề liên quan đến biển, từ vật chất như nguồn lợi thủy sản, phát triển kinh tế biển… đến tinh thần như quan niệm, ứng xử về biển, sinh hoạt tín ngưỡng của cư dân biển… Văn hóa biển đã ăn sâu vào tiềm thức của người Việt từ những “huyền thoại, huyền tích” con Rồng cháu Tiên và được “thực tiễn khảo cổ học tiền sử và sơ sử Việt Nam” (chữ dùng của cố GS.Trần Quốc Vượng) chứng minh.

Lâu nay, người ta thường khai thác nội dung văn hóa biển từ những tư liệu khảo cổ học, tư liệu phỏng vấn - hồi cố, thư tịch bằng giấy (sử, bút ký, bản đồ, sắc phong, thơ văn…) mà lại hay bỏ qua những trang sử đá - văn bia. Có lẽ do phần lớn nội dung biểu đạt của văn bia ít đề cập trực tiếp đến văn hóa biển chăng? Song, văn bia Quảng Nam - Đà Nẵng cũng trầm tích một số nội dung quan trọng về văn hóa biển.

Tư liệu văn bia cho biết người Việt đã từng tụ cư sinh sống trên các hòn đảo của biển Việt Nam. Trong đó đảo Cù Lao Chàm đã từng tồn tại di tích chùa Hải Tạng từ thời Cảnh Hưng thứ 19 (1758) và đến năm Tự Đức thứ nhất (1848) lập bia ghi lại việc trùng tu ngôi chùa do bão biển làm hư hại, thể hiện qua văn bia Hải Tạng tự bi.

Bia mộ tiền hiền làng Nam Ô liên quan công chúa Huyền Trân.
Bia mộ tiền hiền làng Nam Ô liên quan công chúa Huyền Trân.

Từ những nhân vật hay tác giả trong văn bia, chúng ta biết đến những quan chức quản lý ngành biển đương thời, như Quảng Nam Tuần phiên Hải pha (Tuần phiên bờ biển Quảng Nam) Trần Văn Thống trong văn bản Non Nước sơn thi, Hải phòng Phó sứ (Phó sứ Hải phòng - phòng vệ vùng biển) Đặng Văn được nhắc đến 2 lần, trong văn bia Trùng tu thần miếu lập năm Đồng Khánh thứ 3 (1888) và trong văn bia đình Túy Loan lập năm Thành Thái thứ 1 (1889). Chính những tư liệu này cho chúng ta thấy triều Nguyễn cũng đã hết sức quan tâm đến vấn đề hải phận, cắt đặt các chức quan để giữ gìn, trông coi hải giới nước nhà.

Những văn bia về nghề yến sào lại cho chúng ta biết việc tổ chức các đội quân khai thác yến sào cùng với các chức vụ, nhiệm vụ của đội quân này dưới triều Nguyễn (Thần từ bi ký, Trùng tu thần từ bi, Vô đề, Thanh Châu Yến hộ miếu bi). Đồng thời loại văn bia này cũng nói lên việc phát triển kinh tế, hoạt động làng nghề. Đây là tư liệu văn bia đề cập việc khai thác nguồn lợi từ biển của người Việt trong quá khứ.
Cùng với ý thức hoặc tư tưởng bổ nhiệm ngạch quan biển và tổ chức khai thác nguồn lợi của biển, việc vua Minh Mạng cho xây Vọng Hải đài và đích thân viết chữ để lập bia vào năm 1837 như là một sự kiện thể hiện rõ ý thức về bảo vệ chủ quyền biển đảo. Nó là gác canh quan sát biển từ xa, mà lâu nay mấy ai trong số du khách tham quan Ngũ Hành Sơn hiểu được thâm ý này của vị vua thứ 2 triều Nguyễn.

Ngoài ra, văn bia Trùng tu thần miếu cũng đã nêu lên tầm quan trọng của cửa biển Đà Nẵng: “cửa biển Đà Nẵng là hải quan số một vậy”. Đó cũng chính là nơi có vị thế quan trọng nên phải hứng chịu tiếng súng xâm lược của giặc khi chọn điểm tấn công đầu tiên, như văn bia Tập thiện hội bi đã ghi: “Năm Mậu Ngọ thời Tự Đức (1858), giặc tràn vào Đà Nẵng. Dân chúng kinh sợ tán loạn, nơi ấy bỗng thành bãi chiến trường”.

Văn hóa biển đất Quảng từ thời Trần cũng được nhắc đến trong tư liệu văn bia, qua tấm bia mộ tiền hiền làng Nam Ô - vị tướng phò Trần Khắc Chung trong vụ giải cứu công chúa Huyền Trân sau khi vua Chế Mân vừa qua đời. Theo sử cũ, đoàn quân của nhà Trần dùng thuyền nhẹ để giải cứu công chúa Huyền Trân vượt biển về cố quốc, còn vị tướng theo phò ấy lại gửi thể phách trên ghềnh biển Nam Ô, với dòng mộ chí “Hoa Ổ xã phụng vị thượng niệm Tiền hiền chi thần vị” do thôn Hoa Ổ đồng phụng lập vào năm Kỷ Dậu (trước thời Thiệu Trị).

Tư liệu văn bia Quảng Nam về văn hóa biển còn thể hiện ở mảng tín ngưỡng của cư dân nơi đây, đặc biệt là tín ngưỡng thờ cúng cá Ông. Hiện có ít nhất 5 đơn vị tác phẩm văn bia thuộc niên đại trước 1945 có nội dung đề cập tín ngưỡng thờ cúng cá Ông của cư dân biển đất Quảng. Đó là 3 văn bản Trùng tu thần miếu và văn bia Sáng tạo đình bi. Nội dung của những văn bia này ghi lại việc tu sửa miếu thờ Ngư Ông cũng như việc thờ giữ thần cốt và tế tự vị thần bảo trợ này của cộng đồng cư dân biển.

Biển là cảnh sắc thiên nhiên tuyệt đẹp, gợi bao ý thơ hữu thần cho các vị thi nhân, huống hồ biển Quảng Nam - Đà Nẵng là “đệ nhất hải quan” như một văn bia đã đề cập ở trên. Cho nên cũng có nhiều văn bia Quảng Nam - Đà Nẵng là thi phẩm về chủ đề biển. Văn hóa biển đất Quảng được thể hiện qua thơ khắc đá của các tác giả như chúa Nguyễn Phúc Chu, Bùi Văn Dị… Khi ở chùa Tam Thai nghe tiếng sóng vỗ của Đà hải, chúa Nguyễn Phúc Chu tưởng tượng, viết nên câu thơ “Như Lai vượt biển nghe tiếng sóng xuân” trong bài Tam Thai tự thính triều vừa tràn đầy ý vị văn chương vừa chất ngất tư tưởng quân vương. Biển Đà Nẵng không chỉ đẹp, có thể hấp dẫn Như Lai từ chốn bồng lai tiên cảnh để đến đây “nghe tiếng sóng xuân”, mà còn thể hiện sự mạnh mẽ, oai hùng như sẵn sàng nhấn chìm mọi thứ: “Ba đào vạn khoảnh đảm nham yêu” (Ba đào muôn lớp dội sườn non) dưới ngòi bút của Bùi Văn Dị.

Biển Đông lúc phẳng lặng lúc cuộn trào. Văn hóa biển của người Việt cứ mãi chuyển lưu. Ý thức dân tộc về chủ quyền lãnh thổ luôn tiếp nối từ đời này sang đời khác, không chỉ qua truyền khẩu mà còn qua văn tự. Mỗi một tư liệu liên quan đến biển, văn hóa biển của dân tộc Việt Nam trong quá khứ là một cứ liệu - bằng chứng lịch sử quan trọng để chúng ta đấu tranh, bảo vệ, giữ gìn non sông hiện nay. Văn bia về văn hóa hóa biển chính là niềm tự hào của người dân đất Quảng về truyền thống văn hóa biển xưa nay.

NGUYỄN DỊ CỔ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khắc biển vào đá
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO