Đất Quảng đã khai hội khắp mọi miền. Lần đầu tiên, Phú Ninh, Tam Kỳ được đón bước chân mỹ nhân từ các dân tộc anh em về tụ hội, rồi tổ chức bóng đá, bóng chuyền bãi biển, triển lãm ảnh xứ Hà Đông… Mỹ Sơn mở của tham quan tháp G, mở các tour du lịch cộng đồng. Điện Bàn khai trương Không gian nhà Việt và công bố 2 kỷ lục châu Á và quốc gia (Mỳ Quảng & Bê thui Cầu Mống). Còn Hội An thì nhiều hoạt động chơi hội đã tưng bừng với nghệ thuật đường phố, với triển lãm không gian văn hóa ASEAN, với đêm hội tái hiện không gian văn hóa đầu thế kỷ XX và đêm khai mạc Festival Di sản hoành tráng, ấn tượng… Nhìn hình ảnh những du khách sà xuống những mẹt hàng bánh trái, ăn củ khoai lang, uống bát nước chè, tự dưng thấy cả một trời quê đầm ấm lạ.
Chuyện chơi hội kết hợp với quảng bá du lịch, tiếp thị sản phẩm hàng hóa thì đã rõ. Như đến với Hội chợ công thương miền Trung – Tây Nguyên tại Tam Kỳ, người ta sẽ thấy cơ man hàng hóa được trưng bày. Không hiếm câu chuyện trầm trồ khi mục sở thị những mặt hàng đậm bản sắc vùng miền được giới thiệu tại đây. Có bộ bàn ghế gỗ cẩm lai giá trị đến gần cả tỷ đồng. Lại có những mặt hàng lưu niệm nhỏ nhắn, giá tự chọn chỉ 10 ngàn đồng. Thú vị là những sản phẩm làng nghề cùng những sản vật nghe tiếng đã lâu: Gốm Bát Tràng, chiếu Nga Sơn, tiêu Tiên Phước, bánh tráng Đại Lộc, nước mắm Phan Thiết, rượu Kim Long… Hàng công nghệ cũng lắm thứ, từ chiếc cối xay ớt tỏi, chiếc vòi nước, điện thoại, máy tính, giày dép, áo quần đến ô tô của Thaco Trường Hải… hiện diện như đang kể câu chuyện của đời sống với khao khát từ nhu cầu tiêu dùng thiết yếu đến xa xỉ.
Ông trời còn thương người Quảng công khó suốt mấy tháng chuẩn bị nên dù ảnh hưởng bão số 2 cũng chỉ có “mưa rửa mặt”, vẫn chơi hội được. Đất Quảng vào hội vui nhưng cũng lo chuyện tương lai với những bài toán chiến lược. Dĩ nhiên trước hết là xúc tiến công tác bảo tồn di sản, nối kết vòng tay bè bạn để chung sức giữ gìn giá trị văn hóa, lịch sử. Từ đó, tính chuyện làm du lịch, mở rộng tour/tuyến, phát triển du lịch cộng đồng để nâng cao thu nhập xã hội, cho người dân hưởng lợi từ việc khai thác hợp lý, bền vững những giá trị trên miền di sản. Và, nổi bật nữa là một diễn đàn tăng trưởng xanh đã được mở để thảo luận, tìm định hướng mới trên con đường phát triển Quảng Nam.
Một con đường xanh cho phát triển du lịch bền vững, cho một môi trường sống đẫm đầy giá trị văn hóa, sinh thái nhân văn. Câu chuyện đó sẽ là dư vị của Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V- 2013.
ĐĂNG QUANG