(QNO) - Những năm trước, nhiều diện tích đất tại xã Bình An (Thăng Bình) phải bỏ hoang cho cói mọc um tùm. Thế nhưng gần đây, người dân địa phương đã mạnh dạn bỏ công cải tạo đất và xây dựng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả.
Ruộng sen của ông Võ Văn Minh. Ảnh: PHAN VINH |
Cải tạo đất lập mô hình
Người đầu tiên khai phá, cải tạo vùng đất mọc cói ở xã Bình An là ông Võ Văn Minh (57 tuổi, trú thôn An Thành 2). Vào khoảng năm 2000, vì muốn chăn nuôi vịt với quy mô lớn nên ông Minh phải tìm kiếm một mảnh đất rộng, xa khu dân cư. Ông gửi đơn lên UBND xã Bình An và Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình xin được khai phá 3ha đất hoang đang bị cói mọc um tùm và sử dụng phần đất này để chăn nuôi, trồng trọt. Sau đó, ông vay 300 triệu đồng từ ngân hàng để thuê máy móc phá cây cói và đắp đất làm bờ. Thời gian đầu, ở phần đất cao, ông Minh trồng lúa, còn lại ông nuôi vịt và thả cá. Có lúc đàn vịt của ông lên đến hơn 10.000 con, trị giá gần 1 tỷ đồng.
“Phải mất hơn 5 năm tôi mới hoàn thành xong việc khai phá khu vực ruộng bị cói mọc. Trước đó, tôi khai phá tới đâu thì trồng lúa, thả cá, nuôi vịt tới đó. Tôi bỏ công như vậy, ai cũng nghĩ sẽ hái được trái ngọt, thế nhưng không phải lúc nào làm ăn cũng được như ý. Vào đợt dịch cúm gia cầm cuối năm 2004, tôi phải bán tháo với giá rẻ và bị buộc tiêu hủy. Sau vụ đó, ước tính bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng. Tôi quyết tâm làm lại, và trang trại bây giờ đã quy mô hơn ngày trước rất nhiều” - ông Minh chia sẻ.
Từ một vùng đất hoang, anh Nguyễn Văn Thuật đã xây dựng được gia trại nuôi vịt lấy trứng kiên cố cho thu nhập cao. Ảnh: PHAN VINH |
Ông Minh cho biết, mất khoảng 3 tháng để trồng sen đến khi thu hoạch, cứ 3 ngày thu hoạch một lần, mỗi lần thu hoạch gần 100kg hạt sen. Mỗi ký hạt sen ông bán cho các tiểu thương ở Đà Nẵng với giá 45 nghìn đồng, lá sen giá 5.000 đồng/lá. Đặc biệt, từ tháng 4 tới tháng 8, ông Minh thu về trên 30 triệu đồng/tháng. (HÀNG HỒ) |
Hiện tại, trang trại của ông Minh vẫn còn nuôi vịt và cá, nhưng diện tích trồng lúa trước đây đã được thay thế bằng sen. Ông có 2ha đất trồng sen cho lãi ròng hằng năm hơn 100 triệu đồng. Nhờ vậy mà ông Minh đã nuôi được 4 người con ăn học thành tài, cuộc sống gia đình giờ đã khấm khá hơn trước rất nhiều.
Từ sự thành công của ông Minh, tại xã Bình An đã có nhiều người học tập làm theo. Năm 2009, anh Nguyễn Văn Thuật (45 tuổi, trú thôn An Thái) cũng xin được khai phá và sử dụng 1ha đất cói hoang hóa. Anh vay hơn 100 triệu đồng để cải tạo phần đất này rồi đào ao thả cá và nuôi vịt lấy trứng. Từ 300 con vịt giống ban đầu, đến nay đàn vịt đã nhân lên gần 2.000 con. Mỗi năm, khi trừ hết mọi chi phí, anh thu lãi ròng được hơn 70 triệu đồng.
Mới đây nhất, đầu năm 2016, vì thấy được hiệu quả từ việc phá cói làm kinh tế nên anh Nguyễn Đào (41 tuổi, trú thôn An Thành 3, xã Bình An) cũng bắt tay vào làm mô hình trồng sen trên diện tích 1ha. Anh Đào chia sẻ, cải tạo tuy khó khăn, cần nhiều nguồn lực nhưng vẫn quyết tâm làm vì đất trống càng ngày càng ít lại, nếu không làm thì sẽ rất phí.
Chính quyền tạo điều kiện
Theo thông tin từ UBND xã Bình An, từ lâu trên địa bàn có khoảng hơn 15ha đất bị ngập úng quanh năm. Diện tích này bị bỏ hoang dẫn đến việc cây cói tự nhiên mọc um tùm khắp nơi. Những năm 1990 trở về trước, một số hộ còn tận dụng khai thác cói về làm thức ăn cho gia súc nhưng về lâu dài không hiệu quả nên phần đất này không mang lại kinh tế.
Hiện nay nhiều hộ dân xã Bình An đã bắt đầu học hỏi và đầu tư khai phá vùng đất cói mọc để trồng sen. Ảnh: NGUYỄN THÁI |
Ông Trần Văn Phường - Phó Chủ tịch UBND xã Bình An cho biết, từ lúc ông Minh bắt đầu khai phá vùng đất cói mọc và làm kinh tế hiệu quả, người dân địa phương đã học hỏi làm theo. Trên diện tích hơn 15ha đất, đến nay đã có khoảng hơn 20 hộ khai phá cói và đang trồng trọt, chăn nuôi hiệu quả. Điều này có ý nghĩa hết sức to lớn trong việc tận dụng, khai thác tối đa nguồn quỹ đất của địa phương và mang lại hiệu quả kinh tế cho người dân.
“Tại vùng đất hoang ngày trước, đến nay đã có khoảng 3 mô hình trang trại, gia trại phát huy được hiệu quả kinh tế cao từ trồng sen, chăn nuôi vịt, thả cá... với thu nhập trên dưới 100 triệu đồng mỗi năm. Có được kết quả đó, thời gian qua chính quyền địa phương cùng Phòng NN&PTNT huyện Thăng Bình đã hết sức khuyến khích, tạo điều kiện thuận lợi để các hộ gia đình có thể canh tác trên phần đất này. Cụ thể là cho họ mượn đất không tính phí. Đồng thời, trong quá trình đầu tư, các hộ dân gặp khó khăn về nguồn vốn thì địa phương cũng hỗ trợ để họ tiếp cận được với kênh vốn vay ưu đãi có lãi suất thấp” - ông Phường cho biết thêm.
PH.VINH - H.HỒ - NG.THÁI