Những năm qua, đặc biệt là từ khi có Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XVI, Tiên Phước tập trung phát triển kinh tế - xã hội với những thành tựu đạt được rất khả quan.
Ba mũi đột phá
Nguồn lực cán bộ, kết cấu hạ tầng đồng bộ, cải thiện môi trường đầu tư là 3 mũi đột phá được Nghị quyết Đại hội Đảng bộ huyện Tiên Phước lần thứ XVI đề ra để phát triển kinh tế - xã hội địa phương. Ông Phạm Văn Đốc - Bí thư Huyện ủy, cho biết: “Ban Thường vụ Huyện ủy phân công nhiệm vụ cho từng đồng chí phụ trách các địa bàn, theo dõi chỉ đạo thực hiện đưa nghị quyết vào cuộc sống. Tùy theo từng chức năng, nhiệm vụ của từng ngành, từng cấp mà có sự phân công công việc cụ thể thực hiện mỗi đề án phát triển kinh tế - xã hội, được xây dựng trên cơ sở nghị quyết của Đảng bộ huyện phù hợp trong từng giai đoạn”. Nguồn lực cán bộ được xác định là khâu quan trọng tạo nền tảng phát triển vững chắc. Việc đào tạo đội ngũ cán bộ vừa hồng vừa chuyên, cán bộ trẻ, nữ được quan tâm đúng mức. Đối với việc xây dựng kết cấu hạ tầng đồng bộ, giao thông thực sự bứt phá, xóa bỏ hiện trạng chia sông cách núi trên địa bàn. Các tuyến ĐT, ĐH, ĐX được đấu nối thông suốt cả về 4 hướng của huyện Tiên Phước, tạo sự liên hoàn về giao thông suốt 4 mùa. Nhờ đó mà các hoạt động giao thương trở nên sầm uất, nhộn nhịp hơn, tạo điều kiện cho người dân phát triển kinh tế, bán buôn hàng hóa nông sản.
Bên cạnh đó, huyện cũng chú trọng phát triển thủy lợi để chủ động nguồn nước tưới cho cây trồng. Ông Hường Văn Minh - Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước, cho biết: “Do điều kiện địa hình quá phức tạp, nên việc xây dựng một hệ thống thủy lợi đồng bộ là việc hết sức khó khăn. Huyện đã lập quy hoạch chi tiết mạng lưới thủy lợi và đã được tỉnh phê duyệt, nhưng muốn đầu tư cần phải có thời gian và nguồn lực. Hệ thống thủy lợi phục vụ tưới tiêu của Tiên Phước phải là tưới vườn, chứ không dừng lại tưới ruộng. Năm năm qua, diện tích ruộng chủ động nước tưới từ 30% tăng lên 40%; diện tích vườn từ 5% tăng lên 20%. Thời gian tới, huyện đầu tư xây dựng hệ thống đập chứa, đập dâng nhằm đảm bảo được việc phát triển kinh tế vườn, trang trại đặc trưng của huyện”. Điều kiện của Tiên Phước so với những địa phương khác còn nhiều khó khăn nhưng huyện cũng đã khai mở hướng đột phá về công nghiệp, quy hoạch 6 cụm công nghiệp với diện tích 80ha, hiện tại đã có 3 doanh nghiệp vào đầu tư ở 2 cụm công nghiệp, giải quyết việc làm cho hơn 1.200 lao động.
Phát triển kinh tế vườn
Tiên Phước được tỉnh chọn đầu tư xây dựng thành huyện mang bản sắc đặc trưng của vùng trung du xứ Quảng trong thời gian tới. Muốn làm được điều đó, trước hết phải chăm lo để người dân an cư lạc nghiệp và chung tay xây dựng quê hương. Vì vậy, huyện tập trung giảm nghèo tổng lực với kết quả khả quan, hiện chỉ còn 14,02% theo tiêu chí mới. Vượt qua ngưỡng nghèo, người dân được huyện tạo điều kiện để làm ăn bằng cách hỗ trợ vốn lắp đặt hệ thống phun tưới nước vườn cây, vay vốn ưu đãi để phát triển kinh tế gia đình. Tiên Phước xác định thế mạnh của huyện chính là ở kinh tế vườn, trang trại với những loại cây chủ lực mang giá trị kinh tế cao như tiêu, dó bầu, lòn bon, thanh trà… và kinh tế rừng. Cùng với sự hỗ trợ của tỉnh, huyện có chính sách hỗ trợ bà con nông dân mỗi năm 3,6 tỷ đồng để trồng tiêu; đồng thời người dân cũng tự đầu tư vốn liếng mỗi năm hàng chục tỷ đồng để phát triển kinh tế vườn, tạo động lực mạnh mẽ nhằm khôi phục lại các loại cây chủ lực, có giá trị kinh tế cao.
Những nỗ lực của huyện Tiên Phước trong việc khai thác tiềm năng thế mạnh của địa phương bước đầu đã mang lại kết quả đáng mừng. Giá trị kinh tế vườn đã tăng lên 70 tỷ đồng trong năm 2015. Những khu vườn với những loại cây trái bản địa trong dân sẽ góp thêm điều kiện triển khai đề án phát triển du lịch sinh thái của huyện, với những xã điểm được đầu tư về du lịch gồm Tiên Cảnh, Tiên Châu. Kinh tế rừng cũng là mũi nhọn được tập trung của Tiên Phước, góp phần giải quyết việc làm và tăng thu nhập đáng kể trong nhân dân, với giá trị năm 2015 hơn 210 tỷ đồng, nâng độ che phủ của rừng lên 58%. Ngoài ra, công cuộc xây dựng nông thôn mới ở Tiên Phước được xác định là động lực mạnh mẽ giúp cải thiện cơ sở hạ tầng, nâng cao đời sống nhân dân ở mọi mặt. Trong 5 năm thực hiện xây dựng nông thôn mới, 3 xã điểm của huyện gồm Tiên Phong, Tiên Sơn, Tiên Cảnh đã đạt chuẩn vào cuối năm 2015, và công cuộc này sẽ được tiếp tục đẩy mạnh ở những xã còn lại của huyện Tiên Phước.
DIỄM LỆ