Trong khi giá tiêu trên thị trường thấp kỷ lục, chừng 60 nghìn đồng/kg thì tiêu Tiên Phước lại có giá đến 550 nghìn đồng/kg. Hiện tại, giống tiêu này đang được nhân rộng canh tác ở nhiều nơi trong tỉnh.
Tiêu được trồng rộng khắp các địa phương của tỉnh. Ảnh: QUANG THÔI |
Giá trị kinh tế cao
Thị trường Quảng Nam hiện có 2 loại hạt tiêu bày bán. Với nhãn hiệu tập thể tiêu Tiên Phước được Cục Sở hữu trí tuệ công nhận, có giá 550 nghìn đồng/kg. Loại tiêu này được sơ chế, đóng gói có in logo rõ ràng. Loại tiêu khác không có nhãn mác, đóng gói sơ sài trong bọc ni lông, chỉ có giá 60 nghìn đồng/kg. “Tiêu Tiên Phước là đặc sản, không lẫn lộn với các loại tiêu khác. Nếu khách muốn thử cho chắc chắn trước khi mua thì có thể nếm ngay tại chỗ. Tôi đặt hàng và đến mua tiêu của bà con nông dân trong huyện ngay tại vườn rồi về phơi khô, sơ chế để bán” - bà Tôn Thị Phương Lan, chủ hộ bán tiêu Tiên Phước ở 113 Huỳnh Thúc Kháng, thị trấn Tiên Kỳ, Tiên Phước cho biết. Khi chúng tôi đến tìm hiểu mặt hàng nông sản này, bà Lan đon đả mời khách tham quan, mua hàng về dùng hoặc tặng cho người thân quen. Ngoài địa chỉ này, khách hàng mua tiêu Tiên Phước còn bắt gặp ở một số tiệm bán hàng gần khu vực chợ Tiên Kỳ. Đối với loại tiêu không có nhãn mác, khi chúng tôi đến tìm hiểu, phần lớn người bán không thể giải thích xuất xứ từ đâu, lẫn lộn trên thị trường.
Vườn tiêu của gia đình ông Nguyễn Văn Luận ở thôn Thanh Tân (xã Tiên Châu) trồng 230 choái tiêu gốc Tiên Phước. Ông Luận cho biết, cây tiêu có tuổi thọ rất lớn, không dưới 40 năm, nếu biết trồng trọt, chăm sóc đúng cách, nhất là phòng trừ dịch bệnh. Khi tiêu được trồng ở năm thứ 4, bắt đầu cho thu hoạch. “Cứ mỗi choái tiêu cho trung bình 9kg tiêu tươi, đem phơi khô còn lại 3kg. Mỗi choái tiêu bán sỉ có giá hơn 500 nghìn đồng/kg nên đem lại lợi nhuận hơn 1,5 triệu đồng/choái tiêu/năm” - ông Luận nói. Sở hữu vườn tiêu không lớn nhưng trong nhiều năm qua, ông Luận thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Trao đổi với chúng tôi, ông Tống Quốc Thuần - chuyên viên phụ trách kinh tế vườn, kinh tế trang trại (Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước) cho biết, hiện trên địa bàn huyện có 155ha tiêu Tiên Phước, trong đó, diện tích tiêu đang được thu hoạch là 40ha. “Với 80 -100 tấn tiêu thu hoạch mỗi năm, các nông hộ trồng tiêu thu không dưới 50 tỷ đồng. Trong lĩnh vực trồng trọt, cây tiêu đem lại giá trị kinh tế lớn nhất nên được huyện khuyến khích nhân rộng trong mấy năm gần đây” - ông Thuần nói.
Nhân rộng trồng tiêu
Ông Tống Quốc Thuần cho biết, tiêu Tiên Phước rất dễ nhận biết với các dấu hiệu như hạt tiêu nhỏ, rắn chắc, có màu đen quánh, hạt có mùi cay thơm rất riêng. Tiêu Tiên Phước đã được xây dựng thương hiệu, không lo đầu ra nên địa phương có cơ chế hỗ trợ nông hộ mở rộng diện tích trồng tiêu ở hầu khắp các vườn đồi. Theo đó, giống tiêu đặc hữu của huyện đang được thuần chủng để cung cấp cho các hộ nông dân có nhu cầu trồng tiêu không chỉ trên địa bàn mà còn ở các huyện lân cận. “Chúng tôi đã mời nhiều chuyên gia nông nghiệp, các giáo sư đầu ngành về nghiên cứu giống tiêu Tiên Phước. Nhờ có cách duy trì giống tiêu bản địa nên không lo thiếu giống tiêu khi nhân rộng trồng trọt. Quy trình kỹ thuật bài bản tích lũy từ kinh nghiệm cũng như nghiên cứu đã đúc kết lại, truyền đạt, lưu giữ trong đời sống của người dân, gìn giữ nghề trồng tiêu Tiên Phước” - ông Thuần nói. Phòng NN&PTNT huyện Tiên Phước khuyến cáo người dân nên ưu tiên sử dụng các chế phẩm sinh học trong quá trình trồng tiêu để thân thiện với môi trường đồng thời đem lại sản phẩm nông nghiệp sạch, an toàn.
Xã Bình Phú (Thăng Bình) giáp ranh với huyện Tiên Phước hiện có nhiều diện tích trồng tiêu Tiên Phước. Chính quyền địa phương chưa thống kê con số cụ thể về diện tích nhưng có thể nhận thấy tiêu được trồng ở khắp mọi nơi. Do tiếp giáp về địa lý, các điều kiện thổ nhưỡng, thời tiết tương đồng với huyện Tiên Phước nên người dân trồng tiêu thuận lợi. “Tiêu được trồng trên địa bàn khi thu hoạch giống hệt tiêu đặc sản Tiên Phước. Chúng tôi đã liên hệ, mua giống tiêu đặc hữu đó về trồng cũng như học hỏi kinh nghiệm nên trồng tiêu hiệu quả, đem lại giá trị kinh tế cao” - ông Nguyễn Đức Tâm ở thôn Đức An (xã Bình Phú) cho biết. Được mùa, được giá, với 250 choái tiêu đang thu hoạch, ông Tâm thu được hàng trăm triệu đồng mỗi năm. Theo tìm hiểu của chúng tôi, vào thời điểm này, giống tiêu Tiên Phước được trồng rộng khắp các huyện Thăng Bình, Phú Ninh, Duy Xuyên...
Tháng Tư âm lịch là thời điểm vào mùa thu hoạch tiêu. Quan sát ở một số địa phương, chúng tôi nhận thấy, sau khi hái tiêu, nông hộ đem phơi 3 - 4 giờ để dễ tách hạt ra khỏi chuỗi rồi đem phơi 4 - 5 giờ tiếp theo, sau đó ủ qua đêm rồi lại phơi nắng thêm 3 - 4 ngày đến khi độ ẩm đạt dưới 20%, hạt khô thì cho vào gói, đóng lại để bảo quản. Các nông hộ thu hoạch, phơi khô và sơ chế tiêu rất kỹ càng vì công đoạn này không chỉ góp phần quyết định năng suất, sản lượng tiêu ở mùa này mà còn ảnh hưởng đến sinh trưởng, phát triển của tiêu trong năm đến.
VIỆT QUANG - KIM THÔI