Đường Trường Sơn đi qua Quảng Nam có chiều dài trên 200km - nơi những vết tích chiến tranh đã phai mờ theo thời gian nhưng vẫn còn đó những tên đất, tên làng…
Du khách đạp xe trên đường Trường Sơn lịch sử.Ảnh: KHÁNH LINH |
Địa danh du lịch
Khám phá đường Trường Sơn hôm nay, cảm xúc của du khách không khỏi bồi hồi khi đi trên 1,3km tái hiện đường mòn Hồ Chí Minh lịch sử (xã Cà Dy, Nam Giang), nơi những xác xe quân sự nằm hoen gỉ bên căn hầm chữ A và những lán trại, giao thông hào…. Dù chỉ là phục dựng minh họa nhưng vẫn mang những cảm nhận về sự khốc liệt của chiến tranh cũng như cuộc sống gian khổ của cán bộ, chiến sĩ trong những năm tháng khói lửa. Cách đó không xa địa danh lịch sử Bến Giằng điểm đóng quân của Sư đoàn 471 trong chiến tranh; là thị trấn Khâm Đức (Phước Sơn), nơi diễn ra trận Khâm Đức nổi tiếng với chiến thắng Ngok Ta Vak năm 1968, buộc quân Mỹ và đồng minh phải tháo chạy. Đó còn là địa đạo A Sò (A Nông, Tây Giang) với hệ thống đường hầm chằng chịt hàng chục ki-lo-met trong lòng đất được đồng bào Cơ Tu và bộ đội đào làm nơi trú ẩn, chứa lương thực và vũ khí trong những năm 1965 - 1970. Tại A Nông không chỉ có A Sò mà còn nhiều địa đạo khác như Bhnơm, Abuool, Tâm Abóc, Chrun…, trong đó địa đạo Bhnơm là độc đáo nhất với thiết kế đào theo hình chữ Z, chiều dài hơn 70km chạy ngoằn ngoèo sâu trong lòng núi. Bên trong được phân chia làm các ô chức năng như phòng trú ẩn, phòng chứa lương thực, vũ khí… tất cả đều ẩn dưới những cánh rừng rậm rạp. Ngoài ra, phải kể đến các địa danh đã đi vào lịch sử như Prao, Hang Gợp (Đông Giang); Thành Mỹ, làng Rô (Nam Giang), di tích đồi E (Phước Sơn)…. Dọc trên cung đường Trường Sơn huyền thoại còn có các ngôi làng Cơ Tu, nơi lưu giữ nhiều nét văn hóa độc đáo của đồng bào dân tộc thiểu số. Không ít ngôi làng đã trở thành điểm đến du lịch quen thuộc của du khách gần xa như Bhơ Hôồng, Đhrôồng (Đông Giang); Tà Vàng, Pơning (Tây Giang); làng Rô, Za Ra (Nam Giang)…
Khoảng trống
Thời gian qua, việc đầu tư khai phá tiềm năng du lịch tại các di tích lịch sử, văn hóa, thiên nhiên trên trục đường Hồ Chí Minh vẫn chưa tương xứng. Ngoài vài ngôi làng làm du lịch cộng đồng tại Đông Giang và Nam Giang, không ít dự án đầu tư du lịch miền núi đang trong tình trạng dở dang, chậm triển khai dù các địa phương luôn tạo điều kiện cũng như tăng cường quảng bá kêu gọi đầu tư.
Tại Tây Giang, dù được đánh giá rất cao về giá trị lịch sử và khung cảnh thiên nhiên nhưng địa đạo A Nông đến nay vẫn khó thể thu hút khách hoặc các nhà đầu tư đến khai thác do những khó khăn về khoảng cách địa lý cũng như hạn chế hạ tầng giao thông. Theo ông Phạm Quốc Hường - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến du lịch Tây Giang, thời gian qua tuy công tác quảng bá xúc tiến du lịch cho các điểm đến ở Tây Giang luôn được chú trọng nhưng do đường sá đi lại khó khăn, hạ tầng chưa đảm bảo nên một vài doanh nghiệp sau khi lên khảo sát đã một đi không trở lại. Còn tại di tích Hang Gợp (Đông Giang), năm 2013 đã từng hy vọng khi một đơn vị du lịch đến khảo sát, nghiên cứu để xây dựng kế hoạch đầu tư nhưng rồi vẫn chưa thấy phản hồi.
Nam Giang tuy đã hình thành một vài điểm du lịch nhưng vẫn gặp vướng mắc. Điểm tái hiện 1,3km đường Hồ Chí Minh qua hơn 2 năm xây dựng vẫn chưa thể bàn giao cho huyện quản lý khai thác. Rồi những khó khăn trong phát triển sản phẩm du lịch tại điểm di tích; thiếu hụt nguồn nhân lực; ý niệm về du lịch trong một bộ phận nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc chưa cao… để rồi du lịch còn khoảng lặng kéo dài trên con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.
KHÁNH LINH