Đến thời điểm này, hầu hết các địa phương trên địa bàn tỉnh đã tập trung chuẩn bị cho Đại hội Mặt trận cấp xã, thị trấn sẽ được tiến hành trong quý IV năm 2013 và hoàn thành trước tháng 3.2014.
Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh tập huấn công tác tổ chức đại hội Mặt trận các cấp nhiệm kỳ 2014 - 2019.Ảnh: NHƯ THỦY |
Đại hội MTTQ Việt Nam các cấp được xác định là đợt sinh hoạt chính trị sâu rộng, dân chủ nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân trong việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng về tăng cường phát huy sức mạnh đại đoàn kết dân tộc. Đến nay, 18 huyện, thành phố đã có văn bản chỉ đạo đại hội Mặt trận từ cấp ủy cùng cấp. Ông Ngô Văn Trịnh - Chủ tịch MTTQ Việt Nam huyện Điện Bàn cho biết: “Mặt trận huyện đã phân công các thành viên trong Ban thường trực theo dõi, giúp đỡ các địa phương không chỉ về công tác chuyên môn mà còn chú trọng các nhiệm vụ trọng tâm để chuẩn bị tiến hành đại hội, hướng dẫn công tác tuyên truyền trước, trong và sau đại hội. Điện Bàn chọn xã Điện Thắng Bắc làm đơn vị chỉ đạo đại hội điểm, dự kiến tổ chức vào giữa tháng 9 này. Các xã, thị trấn còn lại sẽ tổ chức đại hội trong những tháng tiếp theo, phấn đấu đến cuối tháng 1.2014 hoàn thành đại hội MTTQ cấp cơ sở”. Tại Đại Lộc, MTTQ huyện cũng đang gấp rút phối hợp, giúp đỡ các địa phương chuẩn bị tốt các bước xây dựng đề án nhân sự, kế hoạch tuyên truyền, hậu cần… chuẩn bị đại hội. Đại Lộc cũng đã thống nhất chọn 3 xã để chỉ đạo đại hội điểm trên địa bàn huyện, gồm: xã Đại Cường (vùng B), xã Đại Lãnh (vùng A) và xã Đại Hòa (vùng C). “Theo kế hoạch, những xã được chọn chỉ đạo điểm sẽ hoàn tất các nội dung để tiến hành đại hội vào đầu tháng 11.2013, và phấn đấu đến 15.1.2014 hoàn thành đại hội ở các địa phương còn lại” - ông Nguyễn Công Thanh, Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đại Lộc cho biết.
Nhân sự đối với cấp xã: Cấp ủy phân công đồng chí Ủy viên Ban thường vụ hoặc đồng chí cấp ủy viên (đối với những nơi không có Ban thường vụ cấp ủy hoặc có nhưng số lượng dưới 5 người) để giới thiệu bầu giữ chức danh Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam. Trường hợp cấp ủy giới thiệu người để bầu giữ chức danh Chủ tịch không phải là Ủy viên Ban thường vụ hoặc cấp ủy viên (nơi không có Ban thường vụ cấp ủy hoặc có nhưng số lượng dưới 5 người) thì phải thuộc diện quy hoạch vào Ban thường vụ cấp ủy hoặc cấp ủy (nơi không có Ban thường vụ cấp ủy hoặc có nhưng số lượng dưới 5 người) nhiệm kỳ đến. (Trích Chỉ thị số 31-CT/TU của Tỉnh ủy Quảng Nam, ngày 9.7.2013) |
Cùng với Điện Bàn, Đại Lộc, các địa phương khác trên địa bàn tỉnh đã và đang khẩn trương triển khai các bước chuẩn bị đại hội Mặt trận cơ sở. Bên cạnh việc hướng dẫn cơ sở dự thảo văn kiện trình đại hội, Thường trực Mặt trận cấp trên quan tâm hướng dẫn các xã xây dựng đề án nhân sự nhiệm kỳ mới, đảm bảo tiêu chuẩn cán bộ của địa phương và cơ cấu theo quy định. Trong đó, coi trọng tính tiêu biểu, tính đại diện và tính thiết thực; mở rộng thành phần là những cá nhân tiêu biểu, đại diện cho các giai cấp, các dân tộc, các tôn giáo; tăng số lượng ủy viên là người ngoài Đảng bảo đảm đạt 25 - 30%. Số lượng ủy viên Ủy ban MTTQ Việt Nam xã, thị trấn nhiệm kỳ 2014 - 2019 khoảng từ 30 - 45 người, cơ cấu theo 5 thành phần: người đứng đầu của tổ chức thành viên cùng cấp; các Trưởng ban công tác mặt trận; một số cá nhân tiêu biểu trong các giai cấp, tầng lớp xã hội, dân tộc, tôn giáo, người Việt Nam sinh sống ở nước ngoài; một số chủ tịch công đoàn công ty, nghiệp đoàn, hội lao động đóng trên địa bàn; một số cán bộ chuyên trách và không chuyên trách của MTTQ khóa trước. Ban thường trực từ 3 - 5 người. Việc tổ chức hội nghị Ban công tác mặt trận trước khi tiến hành đại hội cấp xã ít nhất là 15 ngày cũng đã được quán triệt cụ thể đến các Ban công tác mặt trận.
Một trong những nội dung được Mặt trận các huyện, thành phố quan tâm trong chỉ đạo đại hội lần này là công tác nhân sự chủ chốt mặt trận cơ sở. Qua tổng hợp báo cáo của các địa phương, đến thời điểm này, dự kiến nhân sự chủ chốt trong nhiệm kỳ mới có sự thay đổi. Thực tế, thời gian qua, đa số cán bộ chủ chốt của Mặt trận cấp cơ sở đã kinh qua công tác đảng, chính quyền, lại thuận lợi là người bản địa. Nếu tiếp tục đảm nhận nhiệm vụ thì đạt yêu cầu về năng lực (kiến thức và khả năng đóng góp ý kiến với cấp ủy đảng) nhưng chưa chuẩn về trình độ chuyên môn, chính trị, lại không đủ thời gian tái cử 1/2 nhiệm kỳ. Riêng huyện Đông Giang, ở nhiệm kỳ 2013 - 2018 là địa phương duy nhất trên địa bàn tỉnh có định biên cho 2 Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã. Tuy nhiên, điều đáng quan tâm hiện nay là việc “bảo vệ” định biên cho 2 Phó Chủ tịch Mặt trận cấp xã, thị trấn trong nhiệm kỳ 2014 - 2019 khó thực hiện. Ông Nguyễn Hữu Linh - Chủ tịch Ủy ban MTTQ huyện Đông Giang cho biết: “Thường vụ Huyện ủy thống nhất chỉ đạo theo hướng quan tâm củng cố, kiện toàn đội ngũ cán bộ chủ chốt Mặt trận cấp cơ sở nhiệm kỳ 2014 - 2019 đáp ứng đầy đủ các tiêu chuẩn theo quy định chung; chú trọng yếu tố năng lực, sức khỏe, uy tín trong nhân dân. Qua theo dõi chỉ đạo đại hội Mặt trận cơ sở, dự kiến khoảng 2/3 số xã, thị trấn trên địa bàn huyện sẽ thay đổi cán bộ mặt trận chủ chốt sau đại hội; những cán bộ không đủ điều kiện tái cử, một số sẽ chuyển công tác, số còn lại thống nhất thực hiện chế độ, chính sách theo quy định”.
LÊ NHƯ THỦY