Khẩn trương đối phó dịch tai xanh

NGUYỄN VĂN SỰ 20/02/2013 08:29

Cận Tết Quý Tỵ đến nay vi rút gây dịch tai xanh tái bùng phát tại nhiều nơi ở Quảng Nam khiến hàng nghìn con heo bị nhiễm bệnh, phải tiêu hủy bắt buộc. Ngành liên quan và chính quyền các địa phương đang dốc toàn lực cho công tác phòng chống dịch...

Tiêu hủy heo măcs bệnh tai xanh. Ảnh: V.SỰ
Tiêu hủy heo mắc bệnh tai xanh. Ảnh: V.SỰ

Dịch phát tán mạnh

Ông Hồ Ngọc Mẫn - Phó phòng NN&PTNT Đại Lộc cho biết, ngày 8.2 (28 tháng Chạp năm Nhâm Thìn) ổ dịch tai xanh đầu tiên tái bùng phát trên một số đàn heo ở xã Đại Tân rồi nhanh chóng lây lan ra diện rộng. Theo thống kê, tính đến chiều qua 19.2, toàn huyện đã có 1.245 con heo của 301 hộ dân thuộc 54 thôn trên địa bàn xã Đại Tân, Đại Phong, Đại Cường, Đại Minh, Đại Chánh, Đại Thắng, Đại Thạnh, thị trấn Ái Nghĩa bị vi rút Lelystad gây hại, trong đó có 71 con chết và gần 100 con phải tiêu hủy bắt buộc với tổng trọng lượng hơn 3.800kg.

Còn ở Quế Sơn, sau khi xuất hiện tại xã Quế Phú, thời điểm trong và sau Tết Quý Tỵ dịch tai xanh tiếp tục phát tán đến xã Quế Xuân 2, Hương An, Quế Cường, Quế Xuân 1. Ông Nguyễn Huệ - Trưởng trạm Thú y huyện thông tin, tính đến chiều qua 19.2, trên địa bàn 5 xã này có ít nhất 1.161 con heo của 426 hộ ở 37 thôn bị nhiễm bệnh nặng. Ngoài 168 con heo đã chết, những ngày qua ngành chuyên môn và chính quyền cơ sở cũng tiến hành tiêu hủy 235 con không thể điều trị khỏi. Trong khi đó, tại thôn Lộc Đông (xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn), vi rút Lelystad cũng khiến 45 con heo của 8 hộ dân bị dính dịch và hơn 2/3 đã bị chết, phải tiêu hủy khẩn cấp.

Hôm qua 19.2, chợ heo Bà Rén (Quế Xuân 1, Quế Sơn) đã bị “cấm cửa”. Ảnh: V.SỰ
Hôm qua 19.2, chợ heo Bà Rén (Quế Xuân 1, Quế Sơn) đã bị “cấm cửa”. Ảnh: V.SỰ

Ông Nguyễn Thành Nam - Chi cục trưởng Chi cục Thú y Quảng Nam cho hay, ngoài 3 địa phương trên thì mấy ngày nay tại xã Duy Trung, Duy Thành (Duy Xuyên), Bình Giang (Thăng Bình), Điện An (Điện Bàn) cũng đã có nhiều đàn heo bị dịch tai xanh tấn công. Theo ông Nam, tính đến chiều 19.2, ở 4 xã trên đã có 269 con heo của 55 hộ dân thuộc 12 thôn mắc bệnh, trong đó có 58 con chết phải tiêu hủy bắt buộc. Như vậy, hiện toàn tỉnh đã có 2.720 con heo bị nhiễm vi rút gây bệnh tai xanh. Ông Nam nói: “Hiện nay mầm bệnh đang phát tán với tốc độ rất nhanh, nếu trong những ngày tới các đơn vị liên quan và chính quyền cơ sở không quyết liệt phòng chống dịch thì chắc chắn mức độ thiệt hại sẽ hết sức nghiêm trọng”...  

Dốc sức phòng chống

Công bố dịch trên toàn tỉnh

Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nguyễn Ngọc Quang vừa ký Quyết định số 550/QĐ-UBND chính thức công bố dịch tai xanh trên toàn địa bàn tỉnh. Theo đó, yêu cầu Chủ tịch UBND các huyện, thành phố chịu trách nhiệm triển khai những biện pháp cấp bách, quyết liệt để khống chế, dập tắt dịch; khẩn trương thực hiện công tác chốt chặn đến từng xã, thị trấn, thông báo đến toàn dân cấm tất cả các hoạt động vận chuyển, mua bán, giết mổ, tiêu thụ heo và sản phẩm của heo trên địa bàn tỉnh. Ngoài ra, cần vệ sinh, tiêu độc khử trùng chuồng trại chăn nuôi thường xuyên và triệt để nhằm nhanh chóng ổn định tình hình dịch bệnh, tổ chức tiêm phòng vắc xin bao vây ổ dịch, tiêu hủy heo bệnh theo hướng dẫn của ngành thú y và chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh về số lượng, trọng lượng heo tiêu hủy.

Theo ông Hồ Ngọc Mẫn, trước sự hoành hành của dịch tai xanh, từ hôm mùng 1 Tết Nguyên đán đến nay ngành chức năng và chính quyền các địa phương trên địa bàn huyện đã dốc toàn lực cho công tác phòng chống nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại. Ông Mẫn nói: “Suốt 10 ngày nay bên cạnh việc khẩn trương tiêu hủy những đàn heo bị chết và nhiễm dịch nặng, lực lượng thú y huyện và công an, quân sự ở các xã, thị trấn đã thiết lập các điểm chốt chặn trên những tuyến giao thông trọng yếu nhằm ngăn chặn kịp thời tình trạng bán tháo heo bệnh trong dân. Đặc biệt, huyện đã ban bố lệnh cấm buôn bán, vận chuyển, giết mổ, tiêu thụ heo và các sản phẩm từ heo trên toàn địa bàn”. Cũng theo ông Mẫn, những ngày qua ngành chuyên môn đã tiến hành tiêm 6 nghìn liều vắc xin tai xanh cho những đàn heo ở các khu vực có nguy cơ bị vi rút Lelystad tấn công và một số ổ dịch cũ. Đồng thời, chi viện cho 20 xã, thị trấn hàng chục máy bơm có động cơ và 960 lít hóa chất để vệ sinh môi trường, phun tiêu độc, khử trùng thường xuyên với tần suất 2 lần/ngày, trong đó chủ yếu tập trung tại các cơ sở chăn nuôi, điểm giết mổ, kinh doanh sản phẩm gia súc, khu đông dân cư...

Hiện nay công tác phòng chống dịch ở huyện Quế Sơn cũng được các cơ quan có trách nhiệm đặc biệt chú trọng. Ngoài việc ban hành lệnh cấm tại chợ heo Bà Rén và các điểm giết mổ, buôn bán thịt heo, ngành thú y Quế Sơn cũng đang gấp rút triển khai tiêm 9.600 liều vắc xin tai xanh cho các đàn heo ở 5 xã đang có dịch. Đồng thời, chi viện khẩn cấp 850 lít hóa chất cho 14 xã, thị trấn thực hiện đồng bộ khâu phun tiêu độc, khử trùng. Ông Nguyễn Thành Nam cho biết, ngoài 2 địa phương trên, những ngày qua đơn vị đã cấp cho các huyện, thành phố khác 19 nghìn liều vắc xin tai xanh, 4 nghìn lít hóa chất để tiêm phòng bao vây, khống chế dịch và vệ sinh môi trường, chuồng trại. Ông Nam nói: “Chúng tôi đang trình UBND tỉnh bổ sung kinh phí để mua thêm vắc xin hỗ trợ cho các địa phương thực hiện công tác tiêm phòng, trong đó chủ yếu ưu tiên cho đàn heo giống, gồm heo nái và heo đực giống nhằm đảm bảo tái đàn sau khi hết dịch”.

NGUYỄN VĂN SỰ

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khẩn trương đối phó dịch tai xanh
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO