Trong 2 ngày 16 và 17.7, Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Quảng Nam tổ chức Đại hội lần thứ IX, nhiệm kỳ 2014 - 2019. Trao đổi với Báo Quảng Nam trước thềm đại hội, ông Lê Văn Lai - Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh khẳng định: “Đại hội là bước đệm quan trọng, là tiền đề để xây dựng và khẳng định lại vị thế của Mặt trận trong nhiệm kỳ mới”.
Ổn định chính trị, xóa đói giảm nghèo
- PV:Vị thế trong tương lai đương nhiên phải được xây dựng trên nền tảng thành quả đã có. Ông có thể điểm lại những kết quả nổi bật Mặt trận tỉnh đạt được trong nhiệm kỳ qua?
Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh - Lê Văn Lai trao tiền hỗ trợ người dân huyện Duy Xuyên bị thiệt hại do bão lụt. Ảnh: VINH ANH |
- Ông Lê Văn Lai: Nhiệm vụ của Mặt trận là tạo ra sự đoàn kết thống nhất, hay nói cách khác là xây dựng đại đoàn kết toàn dân, do đó mặc dù ở chỗ này, chỗ kia vẫn còn những sự việc, bức xúc trong cộng đồng, nhưng nhìn chung trên địa bàn toàn tỉnh không xuất hiện điểm nóng, ảnh hưởng đến những quá trình phát triển của địa phương. Đây là kết quả mà trong đó có sự tham gia đáng kể của Mặt trận, là điểm đáng lưu ý trong công tác mặt trận nhiệm kỳ qua. Nhiệm kỳ qua, sự phát triển về kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng của Quảng Nam khá rõ nét và có những bước đột phá trên nhiều lĩnh vực. Trong đó, cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực, công nghiệp dịch vụ chiếm ưu thế, nông nghiệp có phát triển nhưng tỷ trọng ngày càng giảm. Với sự đồng lòng của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân, Quảng Nam đã làm được nhiều việc nổi bật như phát triển mạng lưới đường giao thông nông thôn, xây dựng hệ thống trường lớp, trạm y tế... Tất cả những việc làm, kết quả ấy có vai trò vận động của Mặt trận các cấp, nhất là vận động nhân dân thực hiện đúng chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước. Đơn cử như vấn đề giải phóng mặt bằng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh, đến nay các hộ dân bị ảnh hưởng đã chấp hành tốt chủ trương, bàn giao mặt bằng thi công.
- PV:Các cuộc vận động lớn do Mặt trận phát động thì sao, thưa ông?
- Ông Lê Văn Lai: Thời gian qua, các cuộc vận động do Mặt trận phát động đã đi vào chiều sâu cuộc sống, đạt được kết quả phấn khởi, tiêu biểu là cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” và “Ngày vì người nghèo”. Cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư” không chỉ đạt hiệu quả mà còn thể hiện quá trình xây dựng đời sống văn hóa mới, tạo tiền đề quan trọng cho phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng ở địa phương. Trong khi đó cuộc vận động “Ngày vì người nghèo” là một trong những chính sách xã hội lớn nhằm hỗ trợ người nghèo vượt qua khó khăn, vươn lên làm kinh tế, thoát nghèo và hướng đến làm giàu. Đó là mục tiêu quan trọng mà Đảng và Nhà nước cũng như Mặt trận theo đuổi. Năm năm qua, với vai trò của mình, Mặt trận các cấp một mặt vận động xã hội hóa thực hiện các chương trình dân sinh, mặt khác trực tiếp tham gia cuộc vận động vì người nghèo bằng cách kêu gọi xã hội tham gia các nguồn lực. Đến nay, con số vận động được cho Quỹ vì người nghèo đã lên đến hàng trăm tỷ đồng, hỗ trợ xây dựng hàng nghìn nhà ở cho người nghèo.
- PV:Nói đến thành công chung của Mặt trận nhiệm kỳ qua, không thể không nhắc đến những đóng góp của các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu?
- Ông Lê Văn Lai: Các tổ chức thành viên và cá nhân tiêu biểu là lực lượng cấu thành hoạt động chung của phong trào Mặt trận. Trong 5 năm qua, các hội đoàn thể chính trị - xã hội ở tỉnh và các tổ chức thành viên đã có sự tham gia tích cực, mang tính cộng hưởng. Để từ đó có thể khẳng định, thành quả của Mặt trận là sự chung tay của các tổ chức thành viên. Nếu như Mặt trận và các tổ chức thành viên không có tiếng nói chung, không có sự hợp tác, cộng tác, phối hợp chặt chẽ thì công việc của Mặt trận hết sức khó khăn. Chúng tôi đánh giá cao vai trò hết sức quan trọng trong việc tạo ra những hiệu quả trong thành công của Mặt trận từ các tổ chức thành viên nói chung và các hội đoàn thể chính trị - xã hội nói riêng.\
Bước tiến khẳng định vị thế
Những con số ấn tượng - Từ năm 2011 đến nay, nhân dân toàn tỉnh đã đóng góp hơn 340 tỷ đồng bằng các hình thức đóng góp ngày công làm đường giao thông, kiên cố hóa kênh mương; hiến đất, tháo dỡ công trình, vật kiến trúc… để chung tay xây dựng nông thôn mới. - Năm năm qua, với sự góp sức của Mặt trận các cấp, toàn tỉnh đã vận động gần 70 tỷ đồng, xây dựng và hỗ trợ sửa chữa hơn 8.000 nhà tình nghĩa, hơn 10.000 nhà cho đối tượng chính sách và tặng gần 4.000 sổ tiết kiệm cho người có công. Riêng cuộc vận động “Ngày vì người nghèo”, qua 5 năm đã huy động được hơn 700 tỷ đồng, qua đó hỗ trợ làm mới và sửa chữa hơn 30 nghìn nhà ở cho người nghèo; hàng nghìn trường hợp được hỗ trợ sản xuất, học tập, chữa bệnh, trợ cấp khó khăn... Đến nay, Quảng Nam đã được Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam cấp Bằng ghi công công nhận xóa xong nhà dột nát cho hộ nghèo. - Đến nay, 244/244 xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh đã có Ban thanh tra nhân dân với 2.165 ủy viên; 196 Ban giám sát đầu tư của cộng đồng với 2.095 ủy viên. |
- PV:Trên nền tảng thành quả đã đạt được, nhiệm kỳ tới, trọng tâm công tác Mặt trận hướng đến là gì, thưa ông?
- Ông Lê Văn Lai: Ngoài những nhiệm vụ đặc thù của Mặt trận như tập hợp sức mạnh đại đoàn kết toàn dân, tham gia xây dựng chính quyền,… “giám sát và phản biện xã hội” là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong nhiệm kỳ tới. Điều này đã được hiến định trong Hiến pháp năm 2013 và được Nghị quyết Đại hội XI của Đảng khẳng định. Theo đó, Mặt trận và đoàn thể chính trị - xã hội các cấp cần triển khai Quyết định 217 và 218 của Bộ Chính trị về quy chế giám sát và phản biện xã hội và những quy định về xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền theo tinh thần Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI). Nếu không làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, là chúng ta làm cho vai trò của Mặt trận bị giảm sút, làm cho tổ chức Mặt trận phải chịu những hạn chế mà từ trước đến nay có khi chúng ta đã vấp phải. Đó là giám sát, phản biện chưa thực chất, không đi đến cùng, chưa đem lại hiệu quả thiết thực, chưa đáp ứng nhu cầu, quyền lợi chính đáng của nhân dân. Đây là nhiệm vụ vừa mang tính thời sự, vừa cần thiết của giai đoạn cách mạng mới để xây dựng tổ chức Mặt trận hiệu quả và xứng tầm hơn.
- PV:Như ông đã nói, nhiệm kỳ đến cần chú trọng làm tốt vai trò giám sát và phản biện xã hội, mà mọi vấn đề, mấu chốt nằm ở chủ thể con người. Vậy, nhiệm kỳ đến, công tác nhân sự đã được Mặt trận chuẩn bị như thế nào, thưa ông?
- Ông Lê Văn Lai: Về cơ bản, công tác nhân sự được thực hiện theo Kết luận 62 của Bộ Chính trị và Chỉ thị 31 của Tỉnh ủy Quảng Nam. Đối với nhân sự chủ chốt của Mặt trận các cấp, Chỉ thị 31 đã đề cập trực tiếp là phân công một đồng chí ủy viên thường vụ cấp ủy để đại hội Mặt trận các cấp cử làm Chủ tịch Ủy ban Mặt trận cùng cấp. Bên cạnh đó, nhân sự của đại hội lần này là phải mở rộng đối tượng để làm sao chọn cho được cá nhân tiêu biểu, tầng lớp tiêu biểu, con người tiêu biểu tham gia một cách rộng rãi, vì Mặt trận là tập hợp rộng rãi các tầng lớp nhân dân. Vì thế, trong Ủy ban Mặt trận sắp đến, cơ cấu Ủy viên Mặt trận không phải là đảng viên chiếm đến hơn 30%; trong đó bao gồm đội ngũ trí thức, tôn giáo và các lực lượng có uy tín khác.
Có thể nói, về mặt nhân sự, đại hội Mặt trận tỉnh cũng như các cấp lần này có sự quan tâm thích đáng, là bước đột phá mạnh mẽ về nhiều mặt, trong đó có cả chất lượng, trẻ hóa, nữ hóa và tư thế chính trị. Tất cả hướng đến khẳng định vai trò, vị thế của Mặt trận trong lịch sử dân tộc.
- PV: Xin cảm ơn ông!
VINH ANH