Mấy ngày liền báo đài tập trung mổ xẻ phương án thu thuế tài sản do Bộ Tài chính đề xuất, cụ thể là nhắm tới những căn nhà trị giá từ 700 triệu đồng và ô tô từ 1,5 tỷ đồng trở lên. Các tờ báo có lượng phát hành lớn hoặc số truy cập nhiều, đồng loạt đưa ý kiến của các chuyên gia, nhà nghiên cứu, người dân. Nổi bật các bài như: “Thuế nặng!” (Thanh niên), “Tận thu, thuế chồng thuế” (Tiền phong), “Nguy cơ thuế chồng thuế” (Lao Động), “Thuế tài sản đè nặng nhà chung cư” (Tuổi trẻ), “Đánh thuế nhà dân đang ở: “đứng hình” mua bán toàn thị trường” (Vietnamnet), “Đánh thuế nhà trên 700 triệu là bất hợp lý” (VnExpress.net)…
Hơi hướng chung là phản bác phương án đề xuất.
Hơi thở đời sống dư luận, nhất là qua mạng xã hội, đầy sự trần phiền.
Cố gắng tìm hiểu, lý giải, rồi phản bác hay trần phiền chẳng qua là vì phương án thuế đề xuất đánh vào “chỗ hiểm” - nhu cầu thiết yếu của con người.
Chuyện lạ là mỗi lần đề xuất tăng loại thuế gì thì Bộ Tài chính thường viện dẫn theo “thông lệ quốc tế”. Lần này cũng vậy. Và trên báo Dân trí, tiến sĩ Đinh Thế Hiển lại so sánh khập khiễng rằng:“Thuế tài sản, trong đó có bất động sản là cần thiết, và phải thực hiện trong một quốc gia văn minh hiện đại. Đó không chỉ là do nhóm người trung bình và nghèo (thường chiếm 70 - 80%) kêu gọi, yêu cầu. Đó chính là sự cần thiết thực hiện của những người có tài sản trên mức trung bình thực hiện để đảm bảo quốc gia có nguồn lực tiếp tục phát triển, trở nên giàu có hơn, trong đó, nhóm người nộp thuế tài sản nhiều hơn, lại có sự gia tăng tài sản nhiều hơn”. Có người phân tích nhiều lỗ hổng, chỉ ra chỗ ngụy biện trong ý kiến trên. Tỉ mẩn hơn lại có người tìm hiểu cách đánh thuế của các “quốc gia văn minh hiện đại” thì thấy họ rất khác ta. Cụ thể như ở nước Anh, bất động sản có giá trị dưới 125 ngàn bảng (tương đương 4 tỷ VNĐ) thì miễn thuế, ở nước Mỹ bất động sản có giá trị dưới 250.000USD sẽ được miễn thuế khi bán hoặc dưới 500.000USD với bất động sản thuộc sở hữu hộ gia đình.
Nhiều chuyên gia cũng phân tích thuế tài sản thực tế là thuế đánh vào tiền tích lũy, tiết kiệm của người dân. Bất hợp lý như vợ chồng công chức cả đời tích cóp về hưu làm được căn nhà tới mức ấy thì phải đóng thuế trong khi họ đã đóng từ tiền sử dụng đất, thuế thu nhập, thuế VAT khi mua vật liệu xây dựng. Nếu bán căn nhà đó lại chịu thêm 2% thuế thu nhập cá nhân/giá chuyển nhượng, phí trước bạ (0,5%); phí địa chính; phí công chứng (0,1% giá trị tài sản từ 100 triệu đến dưới 1 tỷ); phí thẩm định: 0,15% giá trị chuyển nhượng. Còn chiếc xe, có người tính nếu mua chiếc ô tô giá 2,8 tỷ đồng bán ở nước ngoài đem về Việt Nam chạy được thì phải tốn các loại thuế phí hơn 4 tỷ đồng.
Sẽ còn bàn cãi nhiều, và theo một số chuyên gia, nếu dự luật thu thuế tài sản mà được thông qua thì bao người khập khiễng bước thấp bước cao đi đóng thuế trong khi nền kinh tế còn khập khiễng, chi thường xuyên và nợ công tăng nhanh, làm ra mười đồng ăn hết bảy đồng.
C.B.L