Cách đây vừa tròn 70 năm, ngày 2.9.1945, Tuyên ngôn Độc lập đã vang lên trên Quảng trường Ba Đình lịch sử, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã trịnh trọng tuyên bố với thế giới: “Nước Việt Nam có quyền được hưởng tự do độc lập, và sự thực đã trở thành một nước tự do và độc lập. Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do và độc lập ấy”.
Chỉ có một dân tộc trải qua nghìn năm đô hộ giặc Tàu, gần trăm năm đô hộ giặc Tây mới hiểu thấu giá trị của độc lập và tự do phải trả bằng máu xương bao kiếp người nô lệ. Và để “giữ vững quyền tự do và độc lập”, gần cả thế kỷ XX, đất nước tiếp tục chồng chất gian lao kháng chiến chống những kẻ thù xâm lược từ phương Tây và phương Bắc. Ngày nay, thời hội nhập toàn cầu hóa, dù khái niệm độc lập có bổ sung nội dung yếu tố mới nhưng căn bản câu chuyện bảo vệ toàn vẹn chủ quyền lãnh thổ, giữ quyền tự chủ quốc gia vẫn đang là thời sự, thách thức bản lĩnh Việt Nam.
Song hành với nhiệm vụ bảo vệ Tổ quốc là công cuộc xây dựng đất nước. Câu chuyện đưa đất nước thoát nghèo, lạc hậu và phát triển bền vững vẫn là thách thức cho thế hệ hôm nay. Bởi vì nền độc lập được dựng xây và chỉ được giữ gìn bền vững một khi nhân dân được tự do, no ấm. Như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: “Nếu một đất nước độc lập mà dân không được hạnh phúc thì độc lập cũng chẳng có ý nghĩa gì”. Khát vọng hạnh phúc, vì thế, là đích đến của mọi cuộc cách mạng triệt để, là ước vọng của mọi quốc gia, dân tộc và của mỗi người. Tiêu ngữ dưới quốc hiệu của chúng ta “Độc lập – Tự do – Hạnh phúc” chính là khát vọng lớn của dân tộc. Đó cũng là những giá trị nền tảng hình thành một quốc gia mà ở đó con người có được đời sống thông thường của mình, tìm kiếm được đời sống phát triển và hạnh phúc của mình.
Vậy, hạnh phúc là gì?
Có bao nhiêu con người, bao nhiêu dân tộc, bao nhiêu quốc gia là có bấy nhiêu định nghĩa về hạnh phúc. Với Việt Nam, ở thời điểm Bác Hồ đọc Tuyên ngôn Độc lập, đất nước có khoảng 13 triệu người đang đói kiệt cùng. Vì thế, lúc ấy làm sao cho đồng bào “ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành” chính là nội dung của khát vọng hạnh phúc vào giai đoạn ấy. Công cuộc chống “giặc đói, giặc dốt” song hành chống “giặc ngoại xâm” đã trở thành mệnh lệnh cách mạng, thôi thúc bao tâm huyết và trí tuệ của dân tộc. Qua 70 năm, đất nước đã bước lên tầm cao phát triển mới, có vị thế mới trong khu vực, quốc tế, đã đạt các thành quả lớn trong thực hiện các mục tiêu thiên niên kỷ của Liên hiệp quốc. Khát vọng hạnh phúc giờ đây là đẩy mạnh tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa, làm cho “dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh”.
ĐĂNG QUANG