Bây giờ đi dọc vùng cát, nhường chỗ cho những cằn cỗi, mịt mù cát bay là màu xanh cây trái, ruộng đồng, nhà cửa san sát nhau với niềm hy vọng về sự đổi thay…
Trong ký ức ông Lam, để vùng đông đầy cát có màu xanh như thế này, người dân đã mất rất nhiều năm trời vun đắp sau chiến tranh. Ảnh: XUÂN THỌ |
1.“Nếu hồi nớ mà có cái chỗ mô cao cao để đứng như trên cầu Cửa Đại bây chừ, thì nhìn qua cái vùng này chỉ thấy một màu trắng xóa của cát mà thôi. Rứa mà chừ bến cá An Lương nhộn nhịp, còn xa xa chút thì nhà cửa đã san sát nhau” - cựu binh Đoàn Văn Lam, 85 tuổi, thôn 1, xã Duy Hải (Duy Xuyên) mở đầu câu chuyện bằng hai mảng màu khác nhau của vùng đông sau hơn 40 năm kể từ ngày im tiếng súng. Ông Lam kể, ngày trước Cửa Đại này, tàu chiến của Mỹ ngụy và Đại Hàn thay nhau trấn giữ. Rồi chúng tung quân lên bờ lùng sục tiêu diệt cách mạng. Cả vùng hầu như chỉ còn con nít, người già và phụ nữ ở lại, bởi những người đàn ông trưởng thành đều tham gia cách mạng và đi hoạt động ở các vùng căn cứ. Chúng tôi nhớ lại câu chuyện ông Phan Thanh Toán - nguyên Bí thư Huyện ủy Thăng Bình kể về thời điểm những năm 1968 - 1972 Mỹ ngụy tăng cường cày nát vùng cát này. “Bọn hắn quyết tâm “biến” vùng đông thành một vùng cát trắng không một bóng nhà. Rứa là mình lập căn cứ vùng lõm Bàu Bính hồi đầu năm 1971, chỉ với khoảng 100 người, mà bám trụ với số quân đông và vũ khí hiện đại của địch. Là nhờ mình biết lựa chọn vị thế, cũng như lực lượng du kích xung quanh” - ông Toán cho hay. Nhưng căn cứ vùng lõm Bàu Bính còn là đầu mối liên lạc của cách mạng từ ngoài Đà Nẵng vào, Hiệp Đức xuống, Tam Kỳ ra, nên Mỹ ngụy càng dốc sức đánh phá. Rồi đến cuối năm 1972, bên cạnh tăng cường lực lượng Mỹ ngụy còn tăng cường lính đánh thuê Đại Hàn. Căn cứ vùng lõm Bàu Bính vì thế không thể trụ lại và chuyển hướng sang những kế hoạch tiếp theo.
Trong những câu chuyện về quá khứ, ám ảnh nhất vẫn là đôi mắt người cựu binh già Nguyễn Hữu Mai, 84 tuổi, thôn Tây Sơn Tây, xã Duy Hải. Tất nhiên, một phần nỗi ám ảnh đó là những lần chiến đấu với địch. Nhưng thẳm sâu hơn, đó là ngày ông chứng kiến cảnh hơn 100 người dân bị lính Đại Hàn tàn sát. “Lúc ấy tôi làm nhiệm vụ du kích, bám theo toán lính Đại Hàn kéo về đây. Dân mình núp dưới hầm ông Nho, chúng lôi lên bắt đứng xếp hàng rồi xả đạn vào. Tất cả gục xuống. Sang hầm ông Liêu, là hầm của ông già tôi, chúng không lôi dân lên được khỏi hầm, bèn ném lựu đạn xuống, 32 người chết hết” - ông Mai rùng mình nhớ lại.
2. “Chớ cái hồi dân mình kéo về lại Duy Hải này, cả vùng gần như là cát trắng mênh mông. Chỗ nhà ông bây giờ, ngồi không cần ngóc đầu cũng nhìn qua bên kìa bờ Cửa Đại, mà thấy rừng dừa của xã Cẩm Thanh (Hội An), chứ đâu phải như bây chừ mà nhà cửa xây sát nhau” - ông Lam nhớ về thời điểm năm 1975, sau khi giải phóng và người dân vùng đông trở về lại nhà. Nắng thốc lên từ cát, phả vào mặt người, vậy mà vẫn không làm nản chí những đôi tay cần lao. Ông Võ Quốc Hai - cán bộ phụ trách nông nghiệp xã Duy Hải, cho hay: “Mình chỉ có một ý nghĩ là làm sao cải tạo đất để trồng trọt được càng nhanh càng tốt. Vì sau chiến tranh, đói khổ lắm. Có điều, ở đây là vùng cát, nên vất vả hơn những nơi đất đai màu mỡ nhiều. Rồi bà con cũng đùm bọc nhau, người dân ở một số vùng của Duy Xuyên cũng sang giúp, làm ngày làm đêm. Một số người bắt đầu trở lại đi biển, dù công cụ lúc ấy còn thô sơ nhưng cũng góp rất nhiều cho sự đổi thay”.
Bây giờ, từ cầu Cửa Đại nhìn qua, đã thấy một màu trù phú của vùng đông. Ông Nguyễn Văn Thống - Chủ tịch UBND xã Duy Hải, tâm sự chỉ trong vòng hơn một năm kể từ ngày khánh thành cây cầu Cửa Đại và đưa vào sử dụng tuyến đường 129, vùng đông như thay da đổi thịt hẳn. Xe cộ nhộn nhịp qua lại, bến cá An Lương như được tiếp thêm luồng sinh khí mới. Dưới biển thì tàu thuyền ra vào tấp nập. Trên bờ thì những chuyến xe đông lạnh nối đuôi nhau đến và đi. Trong khi đó, ông Phan Thanh Vân - Chủ tịch UBND xã Bình Dương, cho hay chỉ trong thời gian ngắn, Bình Dương có một loạt dự án du lịch lớn đầu tư đó là dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An, khu nghỉ dưỡng phức hợp Vinpearl, khu phức hợp nghỉ dưỡng Bình Dương… Và để đón lấy cơ hội ấy, chính quyền xã Bình Dương đã có những động thái tích cực để người dân không phải đứng ngoài sự phát triển sắp tới. “Chúng tôi đang chú trọng mở rộng và phát triển lại làng nghề nước mắm Cửa Khe. Để khi du lịch ở đây phát triển, làng nghề sẽ nằm trong mắt xích ấy, theo hướng du khách sẽ tham quan quá trình chế biến nước mắm và đó cũng là quà lưu niệm mà họ mang về” - ông Vân chia sẻ.
XUÂN THỌ