Khi "bà đỡ" bị… hở sườn

HOÀI NHI 10/06/2016 09:35

Lãnh đạo hợp tác xã và các ban nông nghiệp xã thường đại diện cho nông dân trực tiếp ký hợp đồng liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa theo phương thức bao tiêu toàn bộ đầu ra sản phẩm. Tuy nhiên, nhiều hợp đồng lỏng lẻo đã khiến nông dân chịu thiệt

Hợp đồng không rõ ràng

Ngày 3.6, Báo Quảng Nam có bài phản ánh về việc 70 tấn giống lúa hàng hóa OM 4900 cấp nguyên chủng và VN121 cấp xác nhận do nông dân xã Bình Tú (huyện Thăng Bình) liên kết với Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung sản xuất trong vụ đông xuân vừa qua bị ứ đọng vì giữa doanh nghiệp với nhà nông không đạt được thỏa thuận trong vấn đề áp giá thu mua sản phẩm. Ông Nguyễn Văn Quyền - Phó ban Nông nghiệp xã Bình Tú cho biết, do đại diện doanh nghiệp không đến địa phương bàn hướng giải quyết rốt ráo, trong khi đó vì quá cần tiền trả các khoản nợ cũng như tái đầu tư sản xuất vụ hè thu 2016 nên nhiều hộ dân ở 2 thôn Tú Cẩm, Phước Cẩm của xã Bình Tú đã quyết định bán lúa giống OM 4900 cấp nguyên chủng và VN121 cấp xác nhận cho các thương lái để làm thóc thịt. Theo ông Quyền, trong tổng số 70 tấn giống lúa vừa nêu thì tính đến thời điểm này nông dân đã bán cho thương lái khoảng 60 tấn với giá 7.400 đồng/kg, thấp hơn 160 đồng/kg so với mức giá đã quy đổi mà Công ty CP Giống cây trồng miền Nam - Chi nhánh miền Trung đưa ra.

Đông xuân năm ngoái, hàng trăm hộ dân ở Duy Xuyên điêu đứng vì doanh nghiệp không thu mua hết giống lúa. Ảnh: H.N
Đông xuân năm ngoái, hàng trăm hộ dân ở Duy Xuyên điêu đứng vì doanh nghiệp không thu mua hết giống lúa. Ảnh: H.N

Trong hợp đồng liên kết sản xuất nêu trên, Ban Nông nghiệp xã Bình Tú là đơn vị đại diện cho gần 60 hộ dân ở địa phương trực tiếp đặt bút ký với doanh nghiệp. Và chính việc lập hợp đồng không chặt chẽ, không rõ ràng đã dẫn tới sự rắc rối này. Ông Quyền thừa nhận: “Lẽ ra, trong hợp đồng nên thống nhất là khi nông dân sản xuất giống lúa đảm bảo chất lượng, doanh nghiệp thu mua theo hướng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với mức giá cụ thể là bao nhiêu tiền mỗi ký hạt giống chứ nếu tính theo cách quy đổi 1kg giống lúa OM 4900 cấp nguyên chủng bằng 1,3kg lúa lương thực và 1kg giống lúa VN121 cấp xác nhận bằng 1,25kg lúa lương thực với giá thanh toán dựa trên giá lúa lương thực Xi23 của địa phương tại thời điểm giao nộp sản phẩm là hoàn toàn không ổn. Bởi, như vậy là tạo kẽ hở cho doanh nghiệp ép giá khi tiến hành thu mua. Đây thực sự là bài học kinh nghiệm sâu sắc của chúng tôi trong việc đại diện cho nhà nông liên kết với doanh nghiệp sản xuất giống lúa hàng hóa”.

Nhà nông mất niềm tin

Hiện nay, Quảng Nam có hàng chục vùng chuyên sản xuất hạt giống lúa thuần và lúa lai với diện tích canh tác mỗi năm xấp xỉ 4.000ha, tập trung chủ yếu ở Đại Lộc, Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn, Thăng Bình, Núi Thành. Thực tế những năm qua cho thấy, hầu hết việc liên kết sản xuất lúa giống hàng hóa đều do các hợp tác xã nông nghiệp hoặc ban nông nghiệp xã đại diện cho nông dân đứng ra ký kết hợp đồng với doanh nghiệp. Thế nhưng, qua các vụ việc nêu trên mới thấy rằng vai trò “bà đỡ” của một số đơn vị còn khá mờ nhạt, chưa chuyên nghiệp và thiếu chặt chẽ trong chuyện hợp tác sản xuất với doanh nghiệp khiến nhà nông mất niềm tin.

Đâu riêng gì xã Bình Tú, cách đây không lâu nông dân ở nhiều nơi của huyện Duy Xuyên cũng đã lao đao vì chuyện liên kết sản xuất giống lúa hàng hóa. Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, mỗi vụ người dân trên địa bàn 14 xã, thị trấn của huyện gieo sạ tổng cộng 3.800ha lúa. Thời gian qua, ngành nông nghiệp Duy Xuyên cùng chính quyền cấp cơ sở và những hợp tác xã luôn tạo mọi điều kiện thuận lợi để thu hút doanh nghiệp về địa phương liên kết sản xuất giống lúa theo phương thức bao tiêu sản phẩm nhằm góp phần giúp nhà nông nâng cao giá trị kinh tế trên cùng đơn vị diện tích. Thế nhưng, không ít lần người dân phải ngậm đắng nuốt cay vì sự thất tín của doanh nghiệp. Điển hình là vụ đông xuân 2014-2015, các hợp tác xã nông nghiệp gồm Duy Hòa 2, Duy Phước, Duy Sơn 2 ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa sản xuất 56ha giống lúa AC5 và Thảo dược VH1 trên những cánh đồng mẫu đã hoàn thành công tác dồn điền đổi thửa. Sau khi thu hoạch và phơi phóng xong, toàn bộ số diện tích đó cho tổng sản lượng 290 tấn lúa giống. Tuy nhiên, điều đáng nói là nhà nông đóng giống lúa vào các bao tải và chờ mãi nhưng chẳng thấy công ty đến thu mua sản phẩm như đã cam kết.

Khi các cơ quan chức năng ở địa phương phản ứng quyết liệt thì hơn 2 tháng sau mùa gặt người của Công ty TNHH Khoa học & công nghệ Vĩnh Hòa mới xuất hiện. Nhưng rốt cuộc, doanh nghiệp này cũng chỉ tiến hành thu mua 50% sản lượng giống lúa đó, phần còn lại họ để cho nông dân tự tính. Ông Ánh nói: “Sở dĩ công ty không thu mua hết lượng giống lúa vì họ cho rằng nhà nông sản xuất không đúng quy trình kỹ thuật dẫn đến chất lượng hạt giống không đảm bảo. Doanh nghiệp nói như vậy là hoàn toàn mâu thuẫn, bởi toàn bộ quy trình canh tác từ việc ngâm ủ giống đến gieo sạ, bón phân, phun thuốc bảo vệ thực vật đều có sự giám sát, kiểm tra, hướng dẫn chặt chẽ của đội ngũ kỹ sư nông nghiệp do công ty cắt cử về. Nếu căn cứ theo hợp đồng đã ký kết, các hợp tác xã nông nghiệp đủ cơ sở khởi kiện doanh nghiệp đó ra tòa nhưng rồi mọi chuyện dần trôi vào im lặng”.

HOÀI NHI

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi "bà đỡ" bị… hở sườn
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO