Các tọa độ khai thác vàng trái phép ở miền núi đã nằm trong “tầm ngắm” của lực lượng chức năng. Những chuyến truy quét bất ngờ, giữ bí mật thông tin đã phát huy hiệu quả.
Bí mật
Khác với những đợt truy quét trước, trong chuyến công tác của đoàn kiểm tra liên ngành tỉnh mới đây, mọi thông tin đều được giữ kín cho đến phút cuối. Xe chạy chầm chậm trên đường Hồ Chí Minh, các chiến sĩ công an vừa để ý đến các bãi vàng trái phép hoạt động trước tết, vừa dõi mắt quan sát những vị trí mới trên sông. Khi phát hiện, những chiếc xe múc có dấu hiệu khả nghi dừng nghỉ trên đường, lập tức xe thi hành công vụ dừng ngay để xuống truy tìm dấu vết. Chưa tìm được lối vào sông Bung (Nam Giang), mọi người phải leo lên một quả đồi cao nhìn xuống và chứng kiến một con đường mới mở dài hơn 100m cho xe cơ giới cày nát rừng. Đến bờ sông nằm về phía hạ lưu của đập thủy điện Sông Bung 4, đoàn kiểm tra phát hiện có 1 xe múc (dung tích gàu 1m3), lán trại, giàn tuyển, 3 máy nổ, nhiều dụng cụ phục vụ cho khai thác vàng sa khoáng nhưng không có người bảo vệ. Đoàn công tác đã lập các thủ tục cần thiết, tiêu hủy toàn bộ dụng cụ, máy móc trái phép.
Lực lượng Công an tỉnh đập phá lán trại khai thác vàng trái phép. Ảnh: H.PHÚC |
Nằm trong kế hoạch tấn công “điểm nóng” Trà Leng (Nam Trà My), những ngày gần đây lực lượng Công an tỉnh, chủ yếu là cán bộ, chiến sĩ Phòng PC49 phối hợp với Phòng Cảnh sát bảo vệ và cơ động – PC65 (Công an tỉnh) âm thầm đem quân mở chiến dịch “4 ngày đêm truy quét Trà Leng”. Mọi thông tin truy quét không để rò rỉ ra bên ngoài. “Lai lịch” của các chủ bãi được điều tra xác minh rõ. Những lần đột kích trước, “vàng tặc” gần như biết cụ thể ngày giờ xuất hành của đoàn truy quét. “Vệ tinh” cảnh giới, kết nối liên lạc đã thiết lập ngay từ thị trấn Tắc Pỏ (Nam Trà My) hay tại TP.Tam Kỳ. Chỉ cần bên ngoài “bứt dây” là phu vàng nhanh nhẩu đem tài sản cất giấu trong rừng. Tuy nhiên, lần này, do tổ chức đánh bất ngờ, không qua chính quyền địa phương, lực lượng công an đã phá 17 lán trại, 7 máy nổ và phát hiện, đẩy đuổi hơn 120 người ra khỏi rừng. Gần như toàn bộ dụng cụ khai thác trái phép của 8 chủ bãi trị giá hơn 500 triệu đồng đã bị phá hủy. Tổn thất nặng nề nhất là của “trùm bãi” tên là Trương Công Xuân (quê xã Tam Lộc, huyện Phú Ninh) với tài sản bị thiệt hại hơn 300 triệu đồng. “Tại hiện trường khai thác, lòng núi tan nát như bãi chiến trường. Khi bị đánh bất ngờ, đối tượng trở tay không kịp” - Thượng tá Nguyễn Đình Hùng - Phó Trưởng phòng Cảnh sát phòng chống tội phạm môi trường - PC49 (Công an tỉnh).
Tại “xứ vàng” Bồng Miêu (xã Tam Lãnh, huyện Phú Ninh), Công an huyện Phú Ninh vừa bất ngờ triển khai truy quét các “điểm nóng” như đồi AD1, Núi Kẽm, Ngách Chụm, Thác Trắng, đồi AD1. Qua đó, thu giữ hơn 40 máy nổ, giàn máy phát điện, máy nghiền đá các loại; tiêu hủy gần 50 lán trại dựng trái phép. Ngoài ra, còn đẩy đuổi hơn 100 đối tượng phu vàng ra khỏi khu vực Thác Trắng - Hầm Hô, Núi Kẽm…
Chưa triệt để
Không ít văn bản chỉ đạo quyết liệt của Tỉnh ủy, UBND tỉnh trong cuộc chiến với tình trạng khai thác vàng trái phép, thế nhưng “vàng tặc” vẫn tiếp tục đào khoét núi rừng. Ông Alăng Cường, Trưởng phòng Tài nguyên – môi trường huyện Nam Giang cho rằng vì lực lượng mỏng, không chủ động được kế hoạch, chi phí truy quét, trong khi phu vàng, người dân làm trái phép xuất hiện ngày càng nhiều. Địa phương khó xử lý phương tiện tài sản lớn, bởi theo quy định phải có phóng viên đến hiện trường ghi hình làm chứng cứ (!?). Điều làm chúng tôi ngạc nhiên khi theo chân lực lượng truy quét là luôn bắt gặp nhiều chiếc xe múc, xe ủi làm vàng dừng giữa đường. Trên xe được trang bị bạt, bồn đãi vàng và có công nhân nghỉ ngơi. Lý giải vì sao hàng loạt phương tiện tham gia khai thác vàng trái phép chậm được xử lý, Thượng tá Hùng cho biết, UBND huyện có thẩm quyền xử lý tịch thu, rao bán sung vào công quỹ tang vật này. Cái khó ở chỗ, theo quy định của pháp luật, phải chứng minh được phương tiện đó là chính chủ. Thực tế các đối tượng làm vàng thường thuê lại xe của người khai thác keo, các công trình, dự án đóng trên địa bàn nên việc kết luận có phải là xe chính chủ hay không tốn nhiều thời gian và công sức.
Ông Nguyễn Viễn, Phó Giám đốc Sở Tài nguyên - môi trường cho rằng sự lơ là, thiếu trách nhiệm của cấp ủy, chính quyền địa phương là nguyên nhân khó chấm dứt được tình trạng khai thác trái phép. “Cần tăng cường vai trò trách nhiệm của người đứng đầu cấp ủy, chính quyền. Thường xuyên tổ chức truy quét, làm tổn thất nặng tài sản, phương tiện của đối tượng trái phép mới mong trả lại sự bình yên cho những khu rừng, dòng sông. Ngành công an cần điều tra, loại bỏ những cán bộ, công chức nhà nước tiếp tay, bao che cho vàng tặc” - ông Viễn đề nghị. |
Trong khi đó, theo nguồn tin từ người dân địa phương, muốn dẹp “hang ổ” khai thác vàng trái phép không cần phải vào rừng sâu núi thẳm mà cần quét sạch những đối tượng cầm đầu, tổ chức đường dây khai thác quy mô lớn. Đứng sau các bãi vàng thổ phỉ ở Phước Sơn, Nam Giang, Hiệp Đức là những “ông trùm” hoạt động tại thị trấn Khâm Đức, thị trấn Thạnh Mỹ, TP. Đà Nẵng; còn ở địa bàn Tiên Phước, Bắc Trà My, Nam Trà My… là các chủ bãi hoạt động ở TP.Tam Kỳ. Nếu không có sự bao che, dung túng của cán bộ, chính quyền địa phương thì những đối tượng cầm đầu, tổ chức thuê người khai thác trái phép không thể nhởn nhơ hoạt động. Việc đẩy đuổi các phu vàng làm thuê chưa giải quyết triệt để tình hình.
Theo ông Bùi Văn Ba – Trưởng phòng Khoáng sản (Sở Tài nguyên – môi trường), khi Trung ương đã công bố những khu vực có khoáng sản phân tán, nhỏ lẻ trên địa bàn thì việc quản lý khoáng sản sẽ trở nên thuận lợi hơn. Trên thực tế, tình trạng khai thác trái phép nằm rải rác nhiều vùng. Theo Luật Khoáng sản hiện hành, UBND tỉnh không có thẩm quyền cấp mới, gia hạn giấy phép khai thác khoáng sản (không phải là khoáng sản làm vật liệu xây dựng thông thường, than bùn, vàng sa khoáng). Trong khi đó, thời điểm này, nhiều doanh nghiệp được cấp phép đã hết thời hạn, vô hình trung hoạt động trái phép.
HỮU PHÚC