Khi đất chuyển mình...

HỮU PHÚC 04/04/2017 08:59

Nhà máy, xí nghiệp trong các khu - cụm công nghiệp từ chỗ chỉ muốn dự phần ở vị trí trung tâm đô thị, thì nay đã dịch chuyển xuống tận vùng ven để hút nguồn lao động tại chỗ.

Công nhân làng

Mặt trời chưa ló dạng. Ngã tư dẫn vào Khu công nghiệp Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) chen chúc người, xe chở hàng. Chị Trần Thị Thủy (quê thôn Kim Đới, xã Tam Thăng, TP.Tam Kỳ) làm công nhân may mặc tại nhà máy của Tập đoàn Pankô Hàn Quốc nói: “Tác phong làm việc ở nhà máy không cho phép chúng tôi rề rà. Thu nhập tuy không bằng ở chỗ khác, bù lại xưởng may gần nhà đi lại rất thuận lợi”. Trước khi về may ở quê nhà, chị Thủy đã có hơn 5 năm bôn ba tại TP.Hồ Chí Minh, gần 4 năm gắn bó với Công ty CP May Tuấn Đạt. “Với công nhân như tụi tui, ở đâu có thu nhập ổn định, được doanh nghiệp đóng đầy đủ bảo hiểm xã hội, y tế thì sẽ tự tìm đến thôi. Tạm thời chúng tôi hài lòng với nhà máy mình đang chọn” - chị Thủy bộc bạch.

Sự phát triển năng động của công nghiệp Núi Thành giúp chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. Ảnh: HỮU PHÚC
Sự phát triển năng động của công nghiệp Núi Thành giúp chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu lao động nông thôn. Ảnh: HỮU PHÚC

Cũng như chị Thủy, hàng nghìn công nhân, người lao động khắp các xã vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình đã có được việc làm phù hợp ở Khu công nghiệp Tam Thăng. Nghỉ làm thuê cho một chủ ki-ốt ở chợ Tam Kỳ, chị Nguyễn Thị Dung (xã Tam Xuân 2, Núi Thành) xin vào làm công nhân may gia công ở Tập đoàn Pankô Hàn Quốc đã gần 2 tháng nay. Chị Dung cho biết, tháng lương thử việc đầu tiên nhận gần 3 triệu đồng, các tháng tiếp theo sẽ tăng lên, được doanh nghiệp đóng các loại bảo hiểm đầy đủ. Nhiều phụ nữ tuổi dưới 35 chưa qua đào tạo nghề cũng rủ nhau về đây “đầu quân”. Chủ tịch UBND xã Tam Thăng - Chu Thanh Phong hồ hởi, đất vùng cát chuyển mình sinh sôi sau khi nhiều nhà máy, doanh nghiệp Hàn Quốc đưa vào vận hành. Với hơn 6.000 lao động có mặt tại khu công nghiệp thì xã Tam Thăng có khoảng 1.000 công nhân phổ thông. “Trừ người già, buôn bán hoặc làm vườn ở nhà, còn hầu hết thanh niên, phụ nữ trong độ tuổi lao động xin vào nhà máy làm công nhân. Cảnh nhàn rỗi ở nông thôn bây giờ hiếm lắm” - ông Phong chia sẻ.

Khu công nghiệp Tam Thăng hình thành đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình.Ảnh: PHƯƠNG THẢO
Khu công nghiệp Tam Thăng hình thành đã tạo việc làm cho nhiều lao động ở vùng đông Tam Kỳ, Núi Thành, Thăng Bình.Ảnh: PHƯƠNG THẢO

Mười năm trở về trước. Tam Thăng là vùng đất quạnh quẽ. Người dân sống phụ thuộc chủ yếu vào sản xuất nông nghiệp, nhưng đất cát bạc màu, không chủ động nước tưới thủy lợi khiến đời sống bấp bênh. Vùng đông Tam Kỳ (gồm 3 xã Tam Phú - Tam Thanh - Tam Thăng) được biết đến như “tam giác nghèo”. Cả vùng đỏ mắt tìm không ra một doanh nghiệp quy mô cỡ 10 lao động. Ấy vậy mà, chỉ sau khi Khu kinh tế mở Chu Lai đưa ra cơ chế ưu đãi vượt trội, các doanh nghiệp Hàn Quốc đã “chọn mặt gửi vàng” ở đây. Suốt 5 năm (2011-2015), chính quyền xã Tam Thăng lo sốt vó với tiêu chí thu nhập đầu người và lao động việc làm khó đảm bảo thì cuối năm địa phương này đã công bố đạt chuẩn xã nông thôn mới. Ông Phong phân tích, chuyển dịch cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ là yếu tố quyết định sự thay đổi kỳ diệu. Hơn 1.000 lao động của xã làm việc ở các nhà máy trong Khu công nghiệp Tam Thăng có thu nhập ổn định. Ông Trần Đình Đức - Giám đốc Trung tâm Phát triển các khu - cụm công nghiệp và dịch vụ TP.Tam Kỳ khẳng định, có một dòng dịch chuyển lao động không hề nhỏ giữa các vùng. Phía tây của thành phố hầu như không mở cửa cho doanh nghiệp may mặc vào đầu tư, chỉ vì muốn đẩy lao động về vùng đông. Lao động nông thôn giờ cũng “quý như vàng”! Nông dân tự tin bước vào nhà máy vì chắc chắn có nguồn thu cao hơn nhiều lần nếu so với làm ruộng.

Công nhân nữ tại xưởng sản xuất của Công ty CP Minh Dương, nằm trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC
Công nhân nữ tại xưởng sản xuất của Công ty CP Minh Dương, nằm trong Khu công nghiệp Bắc Chu Lai. Ảnh: HỮU PHÚC

Đất lành

Sáu năm qua, huyện Núi Thành có 12.501 lao động nông thôn đã qua đào tạo nghề, trong đó 10.962 lao động có việc làm sau học nghề (đạt tỷ lệ gần 88%, vượt chỉ tiêu đề án của huyện hơn 7%). Đặc biệt, giai đoạn 2011-2015, cả 3.349 lao động học nghề tại Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai Trường Hải đều có việc làm ổn định tại Khu liên hợp Ô tô Chu Lai Trường Hải.

Trở lại với “thủ phủ” công nghiệp Núi Thành. Các nhà máy liên tiếp lấp đầy diện tích ở các Khu công nghiệp Bắc Chu Lai, Tam Hiệp khiến nơi đây thành... đất chật người đông. Còn đâu vựa muối Đại Phú - xã Tam Hiệp, cánh đồng tôm bất tận chạy ven sông Trường Giang! Đây là tòa nhà cao tầng của Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam, san sát các nhà máy sô đa Chu Lai, Number-One, Khu phức hợp nhà máy sản xuất, lắp ráp ô tô Trường Hải, nhà máy chế biến thủy sản Hoa Chen. Chạy xuống sát sông là dãy công trình của cảng và hậu cần cảng Trường Hải - Chu Lai. Cơ ngơi của “gã khổng lồ”  ô tô Trường Hải nằm ven 2 bên đường thiên lý Bắc - Nam. Lưu thông trên đường có thể nhìn một rừng xe đủ sắc màu trưng bày trong khuôn viên nhà máy. Trước cổng các phân xưởng, nhà máy , xe đưa đón công nhân nối đuôi nhau ra vào.

Giã từ làng quê khô khốc, bao chàng trai cô gái còn mười tám đôi mươi đã được làm quen với tác phong lao động công nghiệp ngay. Và đó là “tuổi vàng” mà các nhà máy thuộc Công ty CP Sản xuất và lắp ráp ô tô Trường Hải muốn đem về đào tạo tay nghề với mong ước thay đổi cuộc đời họ. Năm 2016, ô tô Trường Hải tuyển dụng 884 lao động ở các lĩnh vực công nghệ ô tô, bảo trì thiết bị cơ điện, cắt gọt kim loại, may thời trang, công nghệ sơn ô tô... Nhiều người mới ngày đầu ngơ ngác bước vào trường dạy nghề của công ty thì nay đã thành thạo công việc. Không có chuyện bước chân vào các công xưởng là làm việc ngay, mà tất thảy đều được các nhà máy của Khu phức hợp ô tô Trường Hải đào tạo, huấn luyện lại.

Nhưng làm sao để níu giữ học viên? Trường dạy nghề của doanh nghiệp ra đời, chỉ nhắm đến mục đích cao nhất là học viên sau khi ra trường sẽ ở lại phục vụ cho các nhà máy. Học viên tham gia học tại công ty không tốn bất cứ chi phí nào, ngược lại còn được hỗ trợ ăn trưa, cấp đồng phục. Qua 4 tháng đào tạo, khi học viên đến trực tiếp nhà máy thực tập sẽ được phụ cấp tối thiểu mỗi tháng 1,5 triệu đồng. Khi tốt nghiệp, 100% học viên có việc làm. Với hơn 8.500 công nhân hiện có, ô tô Trường Hải hầu như đã có lực lượng lao động đủ mạnh để đáp ứng nhiệm vụ mới. Trong bối cảnh các trường học, trung tâm đào tạo nghề đua nhau mở nhưng lại không thiết thực với nhu cầu việc làm của doanh nghiệp thì mô hình của Trường Cao đẳng Nghề Chu Lai Trường Hải có lẽ là hoàn hảo nhất. Ước tính mỗi ngày Nhà  máy ô tô Trường Hải đóng góp ngân sách 30 tỷ đồng, mỗi tháng chi trả lương không dưới 60 tỷ đồng cho người lao động. Một con số trên cả tuyệt vời cho một doanh nghiệp tư nhân lớn nhất nước hiện nay.

Ông Nguyễn Công Tiến - Trưởng phòng LĐ-TB&XH huyện Núi Thành nhận xét, “sứ mệnh” to lớn nhất khi phát triển công nghiệp chính là giải quyết công ăn việc làm cho người dân. Bị thu hồi trắng hàng nghìn héc ta đất, người nông dân chật vật chuyển đổi ngành nghề. Điểm sáng của “thủ phủ” công nghiệp Núi Thành là nguồn lao động có chất lượng, được đào tạo bài bản và cọ xát với môi trường làm việc của doanh nghiệp. “Hàng năm, chúng tôi có văn bản gửi đến các doanh nghiệp đang sử dụng nguồn lao động lớn tìm hiểu nhu cầu tuyển dụng của họ, sau đó phối hợp với doanh nghiệp đào tạo nghề theo đơn đặt hàng, gắn với giải quyết việc làm. Địa phương khuyến khích doanh nghiệp đào tạo nghề tại chỗ theo nhu cầu của họ” - ông Tiến chia sẻ.

Rồi đây 1.000ha đất ở xã Tam Quang sẽ bị thu hồi để triển khai dự án khí điện, mở rộng hậu cần cảng Chu Lai - Trường Hải. Kéo theo đó nông dân tiếp tục mất đất sản xuất, kinh doanh. Chuyện lo đi - ở cho họ ra làm sao là trách nhiệm của chính quyền các cấp, nhưng tạo điều kiện cho người dân có kế sinh nhai ổn định mới là mục tiêu của phát triển bền vững. Như lời Chủ tịch UBND tỉnh Đinh Văn Thu đúc kết, thành tựu 20 năm qua của Quảng Nam chẳng phải là nguồn thu ngân sách mà là có lực lượng lao động dồi dào, được đào tạo nghề, giải quyết việc làm. Dòng dịch chuyển cơ cấu lao động từ nông nghiệp sang công nghiệp đã làm cho đất chuyển mình sinh sôi.

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi đất chuyển mình...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO