Khi lịch sử gọi tên

NAM KHA 04/06/2013 08:16

1,3km đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại tại Pà Dồn (Nam Giang) đã được phục dựng. Trên vết tích cũ, không gian của binh trạm Bộ đội Cụ Hồ sẽ mở cửa đón khách, bắt đầu từ Festival Di sản Quảng Nam 2013.

  • Festival Di sản Quảng Nam lần thứ V năm 2013
Vết tích đường mòn Hồ Chí Minh.Ảnh: T.D
Vết tích đường mòn Hồ Chí Minh.Ảnh: T.D

Vết tích thời chiến

1,3km đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại đoạn qua thôn Pà Dồn (xã Cà Dy), cách trung tâm huyện Nam Giang 1,5km về phía nam, bị con đường Hồ Chí Minh mới cắt chia thành 2 đoạn. Trong đó, 0,8km vết tích đường cũ nằm dọc bờ sông nguyên sơ, nhìn bên kia sông một cánh rừng nguyên sinh lô nhô đồi nhỏ và 0,6km dọc đường là nơi cư ngụ của 110 hộ dân người Cơ Tu. Đây không phải là đoạn duy nhất còn nguyên vết tích thời chiến tranh của con đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại. Con đường vận chuyển vũ khí, hàng hóa, lương thực, quân nhu... quan trọng nhất của hậu phương miền Bắc chi viện cho chiến trường miền Nam qua Quảng Nam dài 200km rất hiểm trở, từng trải qua nhiều trận đánh ác liệt, hiện vẫn mờ sương.

Ông Trần Văn Điền - Giám đốc Ban Quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình VH-TT&DL tỉnh cho biết, trên đoạn qua Quảng Nam còn lưu lại 6 điểm di tích đường mòn Hồ Chí Minh. Nhưng chỉ có đoạn Pà Dồn là thích hợp cho việc khai thác, thỏa mãn mục tiêu đầu tư kết hợp hài hòa giữa việc trùng tu di tích và tạo sản phẩm du lịch. Còn Pà Căn (Cà Dăng), Pà Xơi qua làng Ngói hay Phà Bung (Ma Cooih), A Sờ, A Dính (Đông Giang), dù nguyên trạng, phản ánh đầy đủ thực tế lịch sử… thuận lợi cho việc trùng tu di tích, nhưng lại thiếu tố chất để khai thác du lịch như mặt bằng xây dựng binh trạm, giao thông chia cắt và không gian đơn điệu. “Lán trại, nhà ăn, trạm xá, hầm bò… của nguyên một binh trạm thời chiến sẽ được hình thành, mở cửa đón khách vào dịp festival tổ chức vào tháng 6 năm nay” - ông Điền nói.

Theo ông Đinh Hài - Giám đốc Sở VH-TT&DL, khôi phục 1,3km đường mòn Hồ Chí Minh theo vết tích còn lưu lại trên đoạn đường đi qua huyện Nam Giang nhằm bảo tồn giá trị văn hóa, lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Tour đường mòn Hồ Chí Minh được xem là hấp dẫn nhất trong việc hiện thực hóa ý tưởng mở rộng biên độ phát triển du lịch. Đây cũng là cách tạo thêm công ăn việc làm để người nghèo thực sự hưởng lợi từ du lịch mà vẫn giữ được giá trị văn hóa chân thực của vùng di sản Quảng Nam. Ông Hài nói, đường mòn Hồ Chí Minh huyền thoại ngày xưa chưa được giới thiệu một cách đầy đủ. Vì vậy, việc phục dựng nguyên trạng mặt đường và các hạng mục đã được sử dụng trong chiến tranh, Quảng Nam mong đợi sự ra đời của một sản phẩm du lịch đặc biệt, tái hiện khung cảnh thời chiến thông qua con đường mòn này.

Giấc mơ của núi

Hiện tại khu vực đường mòn này, kế hoạch phục dựng vẫn còn dang dở, nhưng không khí dự báo về khả năng của một sản phẩm du lịch mới phía tây ra đời đã khiến người Nam Giang vui như mở hội. Những tên đất, tên làng, suối, sông, thác nước và cả một khu rừng nguyên sinh đang bắt đầu trở mình dưới bước chân của những người du lịch. Quán nước nhỏ của bà Năm nằm trên rẻo đất cạnh bến sông Giằng, cách đoạn đường mòn dăm phút đã dần đông khách. Họ đến để trò chuyện, hy vọng về một giấc mơ đổi đời đang ở thì tương lai rất gần. Người dân Nam Giang biết rất rõ khó có thể làm giàu bằng sản xuất nông nghiệp; còn công nghiệp, dịch vụ được xem như tiềm năng lớn vẫn còn ở rất xa, thì một trong những cái mà họ lựa chọn chính là du lịch.

Chủ tịch UBND huyện Nam Giang - Alăng Mai nói, đã quá nhiều năm vẫn chưa có cơ chế, chính sách, quy hoạch gì cho sự đầu tư du lịch thì khó lòng phát triển. Hạn chế ấy là do địa phương thiếu nguồn lực kinh phí và con người cho việc đầu tư, quảng bá, giới thiệu. Mặt khác, trình độ quản lý du lịch còn non kém đã khiến việc phát triển du lịch tại Nam Giang còn quá nhiều hạn chế, chưa xứng với tiềm năng và thế mạnh sẵn có. Vì vậy, nếu tour đường mòn Hồ Chí Minh hình thành sẽ là động lực khơi nguồn cho tiềm lực du lịch địa phương. Người Nam Giang đã xây dựng dự án gọi vốn đầu tư  khu du lịch sinh thái Grăng, hỗ trợ vốn trồng bông, dệt vải cho làng nghề thổ cẩm truyền thống… đón cơ hội. Ông Lê Tiến Dũng - Giám đốc Công ty CP Du lịch dịch vụ Hội An cho biết, khi hoàn tất phục dựng đường mòn Hồ Chí Minh sẽ tiến hành đầu tư, khai thác. Theo ông Dũng, những khoản đầu tư ấy, có thể sẽ không hiệu quả và không đặt vấn đề lợi nhuận trong một vài năm đầu. Nhưng chính sự liên kết của cơ quan quản lý, doanh nghiệp đầu tư, người dân làm chủ hoạt động, sớm muộn gì khu vực này sẽ trở thành một sản phẩm du lịch đủ sức cạnh tranh.

Vết tích cũ đã dần hình thành, sản phẩm mới sẽ có sự cam kết đầu tư của doanh nghiệp, lợi ích chia đều cho cộng đồng…, như vậy không có lý do gì để không trở thành một sản phẩm du lịch tốt. Tuy nhiên, theo ông Điền, cái khó nhất hiện nay vẫn là chuyện trưng bày hiện vật để phản ảnh chân thực lịch sử. Sở VH-TT&DL đã gửi công văn xin Cục Chính trị (Bộ Tư lệnh Quân khu 5), Bộ Tư lệnh Công binh để xin hỗ trợ vũ khí, vật liệu nổ thu hồi đã qua xử lý (đa chủng loại) để trưng bày, giới thiệu cho du khách nhưng đến nay vẫn chưa thấy hồi âm.

Con đường từ Đà Nẵng lên Thạnh Mỹ đã gần hơn theo những chuyến xe.  Không biết tour du lịch mới sẽ mở này có đủ sức làm dịu khát vọng đổi đời trên hành trình xuyên Á. Hay vẫn là câu chuyện “mở tour… đợi người” bày ra vội vã rồi “khai tử” như trong các kỳ lễ hội trước!

NAM KHA

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi lịch sử gọi tên
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO