Khi người Mỹ trở lại

NGUYỄN ĐIỆN NAM 28/05/2016 13:58

Những ngày qua báo chí tràn ngập thông tin về chuyến công du của tổng thống Hoa Kỳ đến Việt Nam. Nhiều nơi trong nước, đến cả thành phố “tỉnh lẻ” như Tam Kỳ, đâu cũng thấy người ta háo hức truy cập mạng, đọc báo rồi bàn tán rôm rả. Rõ ràng, mỗi khi người Mỹ trở lại, từ tổng thống Bush, Clinton, đến Obama, những hồi tưởng về ký ức chiến tranh và suy tư với khát vọng hòa bình thịnh vượng lại có dịp “bùng nổ”.

Như với người Quảng, sẽ khó quên sự kiện vùng đất này được Mỹ chọn làm điểm đầu tiên đổ bộ đội quân viễn chinh (ngày 8.3.1965 vào Đà Nẵng và ngày 7.5.1965 vào Chu Lai), đẩy cuộc chiến tranh leo thang. Hơn 50 năm đã trôi qua kể từ ngày đó, nỗi đau do cuộc chiến vẫn còn để lại bao dấu vết bom mìn, thương tật, nạn nhân da cam...

Không thể kể hết bao nhiêu thôn xóm đã bị xóa trắng, chi chít hố bom. Không thể làm lành lặn những cuộc đời đã bị pháo Hạm đội 7, B52, xe tăng... chà nát. Không thể tìm thấy những hài cốt đã vùi dập trong khói lửa, hóa thành cát bụi dưới chân ai. Vậy nên người Mỹ trở lại cũng không thể viết lại lịch sử.

Nhưng tương lai thì sao?

Nụ cười của ngài Clinton và cái bắt tay choàng qua hành lang với các bạn trẻ.

Phong cách “dân dã” của ngài Obama ngồi ăn bún chả, hay ghé quán trà đá, rồi thăm một ngôi chùa...
Những hình ảnh thân thiện và cởi mở ấy chỉ có được khi “cựu thù” trở thành bạn bè, là “đối tác toàn diện”.

Có được trang sử mới này là nỗ lực hàn gắn của cả đôi bên. Phía Mỹ phải mất mấy mươi năm từ bình thường hóa quan hệ đến dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm bán vũ khí sát thương cho Việt Nam. “Di sản” của Tổng thống Obama trong chuyến công du này còn ý nghĩa hơn khi thúc đẩy việc phát triển thương mại, chứng kiến các thương vụ kỷ lục hơn chục tỷ đô la (USD) được ký kết, cổ xúy cho Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP)... Ông Obama cũng đã tạo nguồn cảm hứng trong các cuộc nói chuyện với doanh nhân trẻ, trí thức, sinh viên. Và, điều thú vị là ông đã vận bài thơ của Lý Thường Kiệt để khẳng định chủ quyền bất khả xâm phạm của mỗi quốc gia. Ông còn lẩy Kiều và dẫn dụ tác phẩm của các nhạc sĩ nổi tiếng như Văn Cao, Trịnh Công Sơn để làm sáng lên tinh thần nhân văn. Những giá trị của di sản văn hóa có tính nhân loại phổ quát là nhịp cầu bền vững để nối tâm hồn hai dân tộc Việt - Mỹ mà lẽ ra cần vận dụng sớm hơn. Bởi thật nuối tiếc, phải mất hơn 70 năm người Mỹ mới trở lại để kết nối một mối bang giao hữu hảo mà Chủ tịch Hồ Chí Minh đã gầy dựng từ cuộc Cách mạng Tháng Tám - 1945 với những người Mỹ đơn vị OSS (The Office of Strategic Services) nhảy dù xuống Tân Trào. Nếu các vị tổng thống Mỹ sớm tiếp nhận thiện chí từ các bức thư của Chủ tịch Hồ Chí Minh, có thể lịch sử quan hệ Việt - Mỹ đã được viết bằng những chương “nối vòng tay lớn”, dòng máu nối con tim đồng loại.

Khép lại quá khứ, bây giờ là chuyện làm ăn, hòa bình và thịnh vượng chung. Sân chơi TPP là chất xúc tác mạnh mẽ để người Việt và người Mỹ đưa quan hệ kinh tế thương mại lên tầm cao mới. Làn sóng đầu tư từ doanh nghiệp Mỹ với các “ông lớn” như Intel, Microsoft, Ford Motors, AIG, Ford, General Electric, Boeing, Exxon Mobil,... sẽ tăng tốc. Trong làn sóng đó, đất Quảng cũng đang ấp ủ hy vọng với dự án khí điện mà Exxon Mobil đang nhắm tới, quy mô khoảng 20 tỷ USD. Và hoàn toàn có thể nghĩ đến chuyện Boeing sẽ đáp xuống sân bay Chu Lai mang đến hàng hóa trung chuyển quốc tế.

Kim ngạch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam - Hoa Kỳ đã đạt hơn 232 tỷ USD trong 10 năm qua, và Việt Nam cũng có cơ hội tăng xuất siêu mạnh hơn vào Mỹ khi TPP cùng những cam kết trong chuyến thăm của Tổng thống Obama được thực thi. Như vậy, khi người Mỹ trở lại, được Việt Nam chào đón nồng nhiệt là điều dễ hiểu.

Tương lai sẽ được viết bằng niềm tin và hy vọng thịnh vượng chung của hai đất nước, vì “từ đây người biết yêu người”...

NGUYỄN ĐIỆN NAM

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi người Mỹ trở lại
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO