Khi nhà báo bị từ chối ghi âm

HỮU PHÚC 21/06/2016 08:46

Làm một nhà báo chuyên nghiệp tuyệt nhiên ai cũng đều tuân thủ những nguyên tắc mang tính pháp lý, quy định về đạo đức nghề nghiệp. Nhưng, không phải lúc nào, ở đâu bên kia tuyến chịu trách nhiệm phát ngôn, cung cấp thông tin cũng hợp tác và tôn trọng cái quyền lấy thông tin của nhà báo. Vì vậy, gặp một số tình huống bất trắc, phóng viên phải sử dụng công cụ ngoài ý muốn để tự bảo vệ.

Các nhà báo phỏng vấn chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) năm 2015.Ảnh: HỮU PHÚC
Các nhà báo phỏng vấn chuyên gia Nhật Bản tại hội thảo tìm giải pháp chống sạt lở bờ biển Cửa Đại (TP.Hội An) năm 2015.Ảnh: HỮU PHÚC

1. Hiến pháp nước ta quy định rõ: không tổ chức, cá nhân nào được hạn chế, cản trở báo chí, nhà báo hoạt động. Các cơ quan tổ chức có nghĩa vụ cung cấp thông tin cho báo chí, giúp cho báo chí thông tin chính xác, kịp thời và chịu trách nhiệm trước pháp luật về nội dung thông tin của mình. Không ai được đe dọa, uy hiếp tính mạng, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của nhà báo; phá hủy, thu giữ phương tiện, tài liệu thu thập của nhà báo... Thế nhưng thực tế khi tác nghiệp, nhất là lĩnh vực điều tra chống tiêu cực nhà báo đối mặt với nhiều cản trở vô hình. Không phải cơ quan, tổ chức, cá nhân người phát ngôn nào cũng tôn trọng quyền được sử dụng công cụ ghi âm, quay phim, chụp hình đúng pháp luật của nhà báo. Tôi đã gặp không ít trường hợp người có trách nhiệm đồng ý trao đổi, phỏng vấn nhưng yêu cầu không được ghi âm.

Ghi âm là phương tiện, cách thức để trích dẫn nguồn tin chính xác của người cung cấp sao phải từ chối? Một số người thấy phóng viên bật máy ghi âm thì tâm lý căng thẳng, không thoải mái.  Trong mối quan hệ công tác, tin cậy lẫn nhau, đôi khi nhà báo phải thỏa hiệp và tôn trọng quyền từ chối đó. Tuy nhiên, trong nghiệp vụ điều tra chống tiêu cực, khi bị từ chối, nhà báo bất đắc dĩ phải lén lút ghi âm, chụp hình để lường trước “lời nói gió bay” từ phía người cung cấp thông tin.

Mới đây, làm việc với phóng viên Báo Quảng Nam, Thẩm phán TAND huyện Thăng Bình Trần Mạnh Dũng đồng ý trao đổi quan điểm giải quyết một vụ tranh chấp đất đai ở thị trấn Hà Lam nhưng không cho phép sử dụng ghi âm. Trích ý kiến của cơ quan chức năng trong bài báo mà chỉ có ghi chép một chiều từ phía phóng viên có đủ tin cậy không? Ngay cả cơ quan bảo vệ công lý, lẽ phải nhưng không phải lúc nào cũng hợp tác, tạo điều kiện cho phóng viên tác nghiệp đúng luật, nhất là những vụ việc có liên quan trách nhiệm đến họ.

Hơn 10 năm làm báo, tôi đã nhiều lần không sử dụng ghi âm khi người phát ngôn yêu cầu, nhưng xin phép xác nhận lại toàn bộ nội dung cuộc làm việc để trích đăng ý kiến lên mặt báo thì phần lớn họ đều thẳng thừng từ chối. Làm một nhà báo tử tế, không ai muốn “thậm thụt” ghi âm, quay phim một cách lén lút, nhưng khi sự tử tế bị coi thường thì nhà báo buộc phải tự tìm cách để “phòng vệ” chính đáng.

Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng Trà Ka (Bắc Trà My) cách đây hơn 3 năm.
Tác giả tại hiện trường vụ phá rừng Trà Ka (Bắc Trà My) cách đây hơn 3 năm.

2. Đầu năm 2014,  để có loạt bài “Luật rừng trên đất vàng”, phản ánh về “thế giới ngầm” giành lãnh địa khai thác ở bãi 39, xã Phước Hòa (Phước Sơn), nhóm phóng viên bí mật thâm nhập hiện trường. Từ trong lán trại đơn độc giữa rừng, một gã thanh niên hăm dọa: “Ở đây là vùng cấm không được quay phim chụp ảnh”. Phân bua, tranh cãi mãi chúng tôi cũng không được cho phép chụp ảnh, quay hình. Tuy nhiên, lường trước sự việc trước khi vào bãi vàng, chúng tôi đã bật máy quay hình sẵn. Để đánh lạc hướng, tôi ngồi xởi lởi nói chuyện xã giao, để ông bạn đồng nghiệp có thời gian tác nghiệp, ghi lại những tiết lộ “kinh thiên động địa” của đối tượng. Dĩ nhiên là trong tình huống này phóng viên phải sử dụng cách quay hình lén, gây mất sự chú ý của  giới vàng tặc. Từ những hình ảnh ghi được, kèm theo những mẩu đối thoại, chúng tôi đã có bài viết phản ánh được sự thật giành bãi trên xứ sở vàng.

Từ chối nhà báo sử dụng công khai công cụ tác nghiệp hợp pháp còn có thể bắt gặp đâu đó. Ví như pháp luật đã quy định cụ thể về chụp ảnh ở chốn công đường, nhưng thực tế tham dự các phiên tòa, một số người có trách nhiệm vẫn ngăn cấm nhà báo chụp ảnh, ghi âm, ghi hình. Với kinh nghiệm hơn 20 năm phụ trách mảng nội chính, điều tra chống tham nhũng, nhà báo Nguyễn Việt Chiến (Báo Thanh Niên) có lần chia sẻ rằng, muốn phanh phui chống tiêu cực đòi hỏi nhà báo phải có bản lĩnh, dũng khí. Đôi khi cần sử dụng “mưu chước” để lấy thông tin nhưng mục đích cuối cùng phải phục vụ cho lợi ích cộng đồng, tuyệt nhiên không vì động cơ cá nhân. “Khi tác nghiệp trong một số trường hợp đặc biệt, kinh nghiệm bản thân tôi thường sử dụng ít nhất 2 máy ghi âm. Trường hợp nếu lỡ bị thu giữ công cụ khi tác nghiệp thì vẫn còn dữ liệu dự phòng” - nhà báo Việt Chiến tiết lộ.

Câu hỏi đặt ra ở đây là, liệu những người có trách nhiệm lâu nay “từ chối khéo” nhà báo ghi âm, quay hình công khai, hợp pháp có cản trở báo chí tác nghiệp, vi phạm pháp luật hay không? Và trong từng trường hợp cụ thể, nhà báo “ghi âm lén” có bị coi là vi phạm pháp luật hay không?

HỮU PHÚC

(0) Bình luận
x
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khi nhà báo bị từ chối ghi âm
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO