Đó là những hệ lụy về sinh kế mà Phó Chủ tịch HĐND tỉnh Võ Hồng đã đề cập trong một cuộc trả lời phỏng vấn gần đây của Đài Truyền hình Việt Nam. Theo ông Võ Hồng, không những đất lúa mà đất nông nghiệp nói chung, khi thực hiện thu hồi thì vấn đề giải quyết sinh kế cho người dân hết sức nan giải. Dù Nhà nước đã có chính sách hỗ trợ, chuyển đổi nghề nhưng thực tế những lao động 40 tuổi trở lên, đặc biệt là phụ nữ thì rất khó có hội tìm được việc làm; và khó có sinh kế thay thế nào hợp lý như sản xuất cạn.
Hệ lụy trước mắt nhưng chuyện giải quyết thì thường mất thời gian lâu dài, như bài toán an cư cho người dân ở nhiều khu tái định cư trên địa bàn tỉnh. Đơn cử, được xem là khu tái định cư có sự đầu tư hạ tầng bài bản như khu tái định cư Tam Hiệp (huyện Núi Thành), nhưng sau 15 năm, đời sống của người dân vẫn chưa mấy thong thả. Chúng tôi có dịp trở lại, vẫn chứng kiến cảnh cũ người xưa đang cố xoay chuyển giữa nhịp sống phố thị. Nhiều nông dân từng nhường ruộng vườn cho dự án giờ vẫn chưa thể trở thành thị dân dù đang phải sinh sống trong những ngôi nhà kiểu phố xá chật chội. Thậm chí, nhiều người càng khó khăn hơn bởi áp lực chi tiêu của nhịp sống thị dân. Đặc biệt với những lao động lớn tuổi, không có cơ hội vào nhà máy, nhiều người chỉ biết ăn không ngồi rồi trong những ngôi nhà tái định cư được xây nên từ tiền bồi thường nhưng cũng đã đến thời kỳ cần tu sửa. Nhiều người còn buồn nhớ vườn tược xưa kia với nhịp sống giản đơn, có thể tự nuôi vài con gà, trồng vài thứ cây trái dự trữ cho những ngày giỗ chạp...
Đó là tái định cư tại Tam Hiệp, nơi có nhiều nhà máy mọc lên, giải quyết cho hàng nghìn lao động, trong đó có nhiều công nhân từng là những lao động trên chính thửa đất của mình đã nhường lại cho công xưởng. Còn ở nhiều khu “đô thị hóa nông thôn” vừa mọc lên theo quy hoạch, chuyển đổi đất lúa để doanh nghiệp khai thác quỹ đất thì số người có việc làm sau khi nhường đất cho dự án chắc chắn không nhiều. Theo thống kê, hiện có 300 dự án như vậy trên địa bàn tỉnh với diện tích thu hồi hơn 3.000ha đất sản xuất nông nghiệp, chủ yếu tập trung ở thị xã Điện Bàn, Duy Xuyên, Quế Sơn. Riêng tại thị xã Điện Bàn đã có 24 dự án đang thi công dở dang, 42 dự án chưa triển khai và gần 100 dự án đang làm thủ tục đầu tư. Doanh nghiệp khai thác quỹ đất, chia lô bán nền với giá đắt đỏ trong khi giá bồi thường thu hồi cũng chỉ với khung quy định của loại đất nông nghiệp.
Đô thị hóa, hiện đại hóa nông thôn và tạo nguồn thu cho ngân sách địa phương là nhu cầu thực tế, nhưng sinh kế trước mắt của những nông dân bị khai thác quỹ đất còn thực tế hơn nữa, đó là chưa nói đến những hệ lụy lâu dài như con cháu của họ sau này lớn lên sẽ sinh sống ở đâu, hay là phải đi mua lại những lô đất đắt đỏ trên chính mảnh vườn của gia đình? Trong khi đó, các khu dân cư mới hiện nay chủ yếu được phê duyệt nhỏ lẻ khiến đô thị manh mún, đối mặt với nguy cơ mất thêm nhiều diện tích lúa do ảnh hưởng của dự án... Và giải quyết những hệ lụy lâu dài này, chắc chắn Nhà nước là người cuối cùng chứ không phải những doanh nghiệp đang nhăm nhăm cái lợi trước mắt là thu hồi đất để chia lô bán nền.
C.B.L