Khi làn sóng dân cư, du khách không ngừng đổ dồn về các đô thị để tìm kiếm và tận hưởng cuộc sống hiện đại thì không gian vùng “lõi” của phố càng thêm bức bách, ngột ngạt.
1. Năm giờ chiều, giữa hầm hập mùi khói xăng, từng hàng ô tô, xe máy rà rà nối đuôi nhau nhích từng chút trên con đường nối từ cầu Rồng đến sân bay Đà Nẵng. Từ lâu rồi vào giờ tan tầm khu vực trung tâm TP.Đà Nẵng xuất hiện kẹt xe trên nhiều tuyến đường giao thông huyết mạch. Không kẹt xe sao được khi Đà Nẵng có khoảng 1,2 triệu dân nhưng hơn 40% tập trung về hai quận nội đô là Hải Châu và Thanh Khê. Nếu xem trung tâm đô thị là khu vực lõi tập trung nhiều hoạt động của đô thị như làm việc, giao dịch, sinh hoạt văn hóa, tinh thần, nghi lễ… thì khu vực đô thị cũ vốn hình thành hơn một trăm năm nay ở bờ Tây sông Hàn vẫn là trung tâm sầm uất nhất của Đà Nẵng và chưa hình thành một trung tâm khác như một “thỏi nam châm” đủ sức hút để chia sẻ áp lực.
Với đô thị cổ Hội An, mấy trăm năm hình thành thương cảng phố xá của tiền nhân đã để lại di sản khu phố cổ làm hạt nhân cho mọi hoạt động kinh tế - xã hội hiện nay của thành phố bên sông Hoài. Cách đây dăm ba năm tôi từng có dịp vào thăm một căn nhà trệt có hai phòng trên mặt tiền đường Trần Hưng Đạo, ở đó chỉ có không gian vừa đủ cho một chiếc giường ngủ, một cái bàn học và nhà vệ sinh. Gia chủ đã tách phần lớn không gian phía trước để cho thuê bởi số tiền thu được cao chót vót so với khả năng lao động của mình. Theo quy luật “nước chảy chỗ trũng”, dần dần có thời điểm khu vực phố cổ Hội An có mật độ dân số lên đến hơn 10 nghìn người/km²2 tức là tương đương nhiều quận lớn ở Hà Nội hay TP.Hồ Chí Minh, đó là chưa kể đến du khách hay lượng cư dân vãng lai.
2. Theo KTS. Nguyễn Tấn Vạn - Chủ tịch Hội Kiến trúc sư Việt Nam, di sản kiến trúc chính là thứ đưa lại sự giàu có cho Hội An nên nếu bị bào mòn đi thì nguy cơ sẽ rất khó lường. Trong đô thị về lý thuyết thì cần phải hình thành nhiều trung tâm nên Hội An không nên tự gò bó mình ở một trung tâm duy nhất. “Tôi vào khu vực phố cổ Hội An thì thấy chật cứng nên địa phương cần phải nhanh chóng tạo ra nhiều trung tâm hấp dẫn và thực tế, nhiều khu vực có thể làm được để tạo ra thêm phố đi bộ, trung tâm văn hóa, mua sắm để giãn khách ra” - ông Vạn nói thêm.
UBND TP.Hội An đã phê duyệt Đề án điều chỉnh, bổ sung kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở lưu trú du lịch trên địa bàn từ nay đến năm 2020, qua đó tạo điều kiện… hết cỡ cho người dân địa phương được kinh doanh lưu trú, phát triển kinh tế nhưng vẫn “cấm cửa” đối với khu vực 1 và 2A - khu vực phố cổ và một số vùng đệm liền kề với phố cổ (kể cả nhà trong kiệt, hẻm). Dễ hiểu cho quyết định này bởi từ lâu Hội An đã phải vận động giãn dân ra ven đô khi phố đã không còn đủ lực tải cho ngay cả cho người dân địa phương huống hồ là du khách.
Những đô thị mới hình thành có nhiều kinh nghiệm hơn để không đi vào “vết xe đổ”. Trong quá trình phát triển, Vĩnh Điện là đô thị trung tâm của thị xã Điện Bàn nhưng dường như Vĩnh Điện và vùng phụ cận không hoặc chưa chịu sức ép lớn từ đô thị hóa bởi sự “san sẻ” từ những khu vực đô thị khác. Về mật độ dân cư, hoạt động thương mại cũng như cơ hội từ lao động, việc làm… khu vực các phường vùng đông nhất là khu đô thị Điện Nam - Điện Ngọc thậm chí còn nhỉnh hơn so với “lõi” đô thị cũ của Điện Bàn.
Theo TS-KTS. Trương Văn Quảng - Nguyên Phó Viện trưởng Viện Quy hoạch đô thị và nông thôn quốc gia, để phát triển tối ưu vệt đô thị ven biển trên nền tảng là đô thị Điện Nam - Điện Ngọc, cần điều chỉnh cấu trúc giao thông giúp cho khả năng tiếp cận đến không gian biển, sông Cổ Cò và không gian xanh đô thị thuận lợi nhất từ nhiều hướng.