Cận tết, nhiều người ở phố rục rịch kết nối đặt hàng rau, bánh tráng, heo gà… ở quê, càng hình dung rõ hơn luồng “giao thương” giữa quê và phố bấy lâu nay. Sự ưa chuộng và tin cậy hàng quê là nét đặc trưng của người miền Trung.
Hàng ở quê ra
Mỗi năm, cứ vào quãng giữa cuối tháng 11 âm lịch, những cư dân ở phố bắt đầu nhắn tin hẹn nhau chung mua con heo lớn ở quê để đến dịp tết chia thịt. Gà thì nhắm mua cả đàn, cho nhiều hộ. Rau quả thì cũng nhờ mua sớm… “Phố” đang nói ở đây là Đà Nẵng, “quê” là vùng giáp ranh hoặc những vựa rau quả, những vùng có nông sản đặc trưng xứ Quảng.
Còn tháng rưỡi nữa mới đến Tết âm lịch, nhưng đã thấy cô chủ sạp hàng thịt heo quê Quế Sơn bày bán ở phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ (Đà Nẵng) chu đáo tặng thêm cho khách quen một khoanh chả bò, chả da, chả thủ để ăn thử. Quà tặng khách mua hàng ủng hộ cả năm, cũng là cách tranh thủ “tiếp thị” hàng tết, để ai thích thì đặt mua.
Cô chủ quầy hàng thịt heo Quế Sơn này theo chồng ra Đà Nẵng đã ngót 6 năm. Học ngành du lịch, làm việc ở một khu du lịch phía tây Đà Nẵng, nhưng rồi vướng dịch COVID-19 nên đành nghỉ không lương từ sau năm 2020. Chồng cũng mất việc. Để mưu sinh, vợ chồng trẻ rẽ sang nghề cung ứng thịt heo quê, vì sẵn nguồn thịt heo ngon của người thân ở quê nhà Quế Sơn.
Hồi đó cách ly vì dịch, nên người nhà chở hàng ra đến chốt kiểm dịch Điện Bàn thì dừng, vợ chồng cô vào lấy mang ra bày trên sạp nhỏ ở vạt đất trống ven đường Đô Đốc Lộc (quận Cẩm Lệ) để bán.
Ban đầu dự tính bán tạm một thời gian, hết dịch sẽ quay lại nghề cũ, nào ngờ thịt heo quê được khách chuộng nên “nghề” mới phát đạt, vợ chồng bỏ hẳn nghề cũ, tự tin treo bảng “Thịt heo quê Quế Sơn” trước nhà.
Nhưng không chỉ có thịt heo. Họ hàng ai có sẵn rau khoai, chuối… trong vườn, vợ chồng trẻ này cũng thu gom mang ra bán. Họ dậy sớm, từ 2 - 3 giờ sáng đã chạy xe máy ngược về Quế Sơn lấy hàng, để kịp quay ra lại. Dần dà, khách đông hơn, họ huy động em trai dùng xe tải chở hàng ra, khỏi phải vất vả thức khuya dậy sớm chạy xe máy về tận quê mua gom.
Bên trong chợ Hòa Xuân bây giờ, có 2 quầy bán thịt heo quê Đại Lộc, Quế Sơn trưng bảng hẳn hoi và luôn đông khách. Thêm quầy bán rau Đại Lộc cũng mua may bán đắt. Chủ quầy rau này mới “di cư” ra Đà Nẵng chừng 7 năm.
Ban đầu buôn bán tạm bợ, trải tạm tấm ny lon ở vỉa hè chợ bán hàng quê. Hàng ở quê có gì gom nấy: ít bó mồng tơi, chục trái đu đủ, rổ giá đỗ, dăm buồng chuối, mấy chục trứng gà… Nhưng khách thích mua vì rau ngon chuối ngọt.
Rồi bà chủ sắm được cái xe đẩy, trông tươm tất hơn. Cuối cùng, đông khách, lại kết nối được nguồn hàng ở quê ổn định, bà mạnh dạn dọn vào hẳn trong chợ, thuê lô, đưa chồng con và cả đứa cháu ra phụ bán.
Sáng sớm họ kéo ra, bán xong trưa hoặc chiều thì quay về. Tưởng “tạm bợ” nhưng lại hút khách. Khách mua cứ rỉ tai nhau rằng “rau Đại Lộc an toàn”, thế là ngày càng có thêm nhiều người ghé.
Bà chủ sạp rau thi thoảng lại dúi cho khách quen thêm ít hành ngò, ớt…, vì hàng nhà trồng hoặc mua gom ở quê nên rẻ. Cứ vậy, khách ở phố khó mà dứt ra được. Bên phía bờ bắc sông Cẩm Lệ, thấy ở vỉa hè chợ Hòa Cường cũng có người bày bán rau quê Đại Lộc, được khách ưa chuộng.
Sôi động chợ online
Ở Đà Nẵng, thi thoảng tôi thấy có người đến trước cổng nhà, nhấn chuông, treo bao hàng thịt cá hoặc rau củ rồi rời đi. Chỉ kịp nghe vợ nói với theo: “Chị sẽ chuyển khoản nhé!”. Tảng sáng, đôi khi có người chạy xe máy đến, mời mua mớ cá vừa đánh bắt trên sông trong Điện Bàn. Họ dạo bán sớm trước khi chủ nhà đóng cửa đi làm.
Các món hàng giờ ship (giao nhận) tận cổng. Và sôi động cả trên mạng xã hội, mà toàn là hàng quê, khiến tôi nghĩ đến một kiểu giao thương “đời mới”. Thử vào các group (nhóm) bán hàng online mà xem, chẳng khác gì một cái chợ. Tôi vào thử vào vài trang mạng, thấy tưng bừng hàng hóa kèm theo đủ kiểu quảng cáo.
Tài khoản Hien Nguyen thì rao nhiệt tình: “Em đang ở quê Điện Bàn đây ạ, tiện ghé lấy ít ốc Điện Phương cho chị em dùng, nóng hổi thơm ngon”. Tài khoản Hiền Mèo chịu khó cập nhật tình hình thời tiết, “em gom chuyến thịt heo quê cho ngày mai, dự báo mai lại có mưa to; mưa gió cứ ở nhà, em ship tận nơi đồ tươi ngon đảm bảo”, kèm theo menu đủ các loại từ sườn non, vai mông, giò, lưỡi, tai mui đến chả quết…
Đang có “phong trào” khá sôi động chọn đặt mua hàng ở quê. Từ Quảng Nam, nhiều món hàng còn bán theo mùa, như xoài và đậu cô ve Thăng Bình, lòn bon Đại Lộc và Tiên Phước. Các tỉnh bắc miền Trung cũng không chịu thua kém.
Thịt heo, bò, xúc xích ship từ Quảng Trị. Mật vải, mật nhãn từ Bắc Giang. Mắm tôm và khoai gieo Hải Ninh, Quảng Bình. Nhút mít, cu đơ, mật mía, chả bê, giò bê Nghệ An, Hà Tĩnh. Cứ cận tết, thấy từng xe chả bê chở vô Đà Nẵng…
Đời sống ngày càng tiện lợi, ở quê ngày càng nhiều siêu thị mini mở cửa để đáp ứng nhu cầu mua sắm của người dân. Và ngược lại, ở phố, hàng quê cũng có một “kênh” mua bán rất riêng.
Xưa, giao thương dường như chỉ vẽ dọc theo các con sông, giữa miền xuôi và miền ngược, “Ai về nhắn với nậu nguồn/ Mít non gửi xuống cá chuồn gửi lên”. Giờ đây, hàng xuất xứ từ quê được phố ưa chuộng nên liên tục gửi ra, mở thêm lối giao thương khác nữa: chiều ngang.
Chuộng hàng quê, tức quê đã và đang tạo được sự tin cậy và gần gũi cho phố, với phố.