Cứ xuân về, chiều xuống, gió se se lạnh từ con sông Trường Giang cạnh nhà tràn vào, nhớ chồng, nhớ con, Hai Hoàng thấy lòng tái tê, nước mắt ứa hoài: Cuối tháng 12.1968, địch đưa quân dồn tất cả dân lên nổng cát phía trên chợ Bà, bắt đầu chiến dịch ‘‘bình định’’ vùng đông. Càn đến ngày thứ 5 thì chúng khui cái công sự trong nhà ông Giáo Hoàng ở ngay đầu chợ Bà. Lần này, chúng xúc hết dân, nên anh em rúc công sự bí rị. Trong hầm có Hai Hoàng (Phan Thị Hoàng, vợ của Trần Mậu Tý), Phan Lương Kỳ là Bí thư Xã đoàn và Phạm Thị Tâm cơ sở bí mật, cùng hai thanh niên là Trung và Huy. Thấy hết nước, nghĩ trước sau chúng cũng tìm ra hầm nên họ bàn nhau để hai người đàn bà lên, còn ba thanh niên thì ở lại khi chúng xuống thì nổ lựu đạn hy sinh. Hai Hoàng nói chết thì cùng chết, chứ hai chị em sống mà các em chết thì buồn quá, sống sao yên. Thế là Phan Lương Kỳ bảo tất cả ngồi dồn sát lại, nhìn nhau lần cuối rồi cầm quả lựu đạn chày duy nhất, kéo nụ xòe. Nín thở chờ tiếng nổ. Không thấy xẹt lửa! Bỗng một luồng ánh sáng tràn vào trong hầm. Có chỉ điểm, chúng đã đào toanh hoanh cái hầm chống pháo, lòi cái hầm bí mật ra. Hai Hoàng và Tâm rúc lên thì chúng ập xuống chụp chân kéo ba thanh niên lên. Chúng trói cắp ké hai tay đưa lên trảng cho bà con bị dồn lại thấy ‘‘thành tích’’của chúng.
Trong trại giam Hai Hoàng cả thảy 18 người. Thời gian giam giữ làm cung thì lần lượt, hết người này đến người khác bị gọi ‘‘đi’’. Hôm Hai Hoàng đếm đến người thứ 16 đưa ra khỏi trại, trong số bà con ở khu vực quanh chợ Bà có bà Tân, bà Mí, bà bảy Chuột, bà Xã Nguyên là mẹ của Võ Văn Thắng - Xã đội trưởng Bình Giang, có Trung hớt tóc, có Huy phụ trách thiếu nhi, có Trần Duy Mên con ông Dây, có Họp, Vinh, có Quang rể bà Diệt làm y tá tư. Hai Hoàng dòm ra cửa sổ phòng giam thì thấy Hai Giảng con trai ông Xã Giảng, là Trưởng công an xã, liền gọi: Anh Hai. Nghe tiếng gọi, Hai Giảng đứng lại thì Hai Hoàng nói: Anh Hai, sao mười mấy người cho về rồi mà chưa cho em về? Hai Giảng lạnh lùng nói: Ở đó đã. Anh Mười Trịnh về hãy hay!
Mười Trịnh tức là Xã trưởng Phan Ngọc Trịnh từng bị sẩy trong lần Tám Giáo dẫn quân về giải phóng vùng đông tháng 9 năm 1965. Hồi bấy giờ dân Bình Giang ít ai không biết tiếng Hai Giảng, Trưởng công an xã, nổi tiếng vì… giết Việt Cộng. Hễ Hai Giảng nói tên ai đáng giết, là coi như tiêu đời. Với nhà bà Hoàng thì Hai Giảng có phần nương tay. Trước ngày, mỗi khi ông Xã Giảng, anh em Hai Giảng đi chợ Bà ghé lại nhà thì gia đình bà Hoàng đối xử như bà con trong tộc. Đến một hôm, trong trại chỉ còn hai người là Hai Hoàng và Nguyễn Bá Xi (Nguyễn Bá Xi là con trai bà Quy ở chợ Bà). Nhân tết, gia đình đem cho Nguyễn Bá Xi mấy cái bánh ú, một bát đường đen và mấy củ khoai lang Trà Đõa. Hôm ấy, cầm củ khoai lang, Bá Xi bẻ cho Hai Hoàng nửa củ. Hai chị em vừa gặm khoai, bồi hồi lo lắng không biết khi nào thì đến lượt hai chị em ‘‘đi’’, thì bỗng nghe tiếng Hai Giảng gọi: Ai là Nguyễn Bá Xi ra ngay! Nguyễn Bá Xi đang cầm củ khoai gặm, nghe gọi tên thì mặt mày tái nhợt, ứa nước mắt nhìn Hai Hoàng: Em đi trước nghe chị Hai. Bá Xi cầm cái bao đất, cái bao nhà vừa thăm nuôi cho quà và bộ đồ để thay, đứng dậy thì hai tên vào chụp đôi tay Bá Xi cắp ké ra sau lưng, đưa Bá Xi ra khỏi trại. Hai Hoàng cầm nửa củ khoai lang ăn dở trên tay, toàn thân tê tái. Hai Hoàng nhớ hôm ngồi bên bà Xã Nguyên thấy chúng đưa mấy người đi ra khỏi nhà giam, Hai Hoàng hỏi, không biết hôm nào thì cô cháu mình được thả ra, bà Xã Nguyên lắc đầu nói: Bọn chúng dẫn anh em đi mà cầm dây, cầm cây, thì về chi con!
Vụ giết 16 tù nhân vào chiều mồng Bảy Tết Kỷ Dậu - 1969, như bao vụ kẻ thù thảm sát dân thường chìm lấp vào quá khứ đau buồn. Qua câu chuyện với vợ chồng ông Võ Như Châu và bà Bốn Huấn ở xóm Cát, Tất Viên và câu chuyện với ông Năm Đức ở Hiền Lương và một nghĩa quân ở Tất Viên kể lại thì: Sau Tết Kỷ Dậu, chiều gần tối mồng Bảy, tháng Giêng - 1969, có hai tiểu đội lính quận đi kèm trên xe, một tiểu đội nghĩa quân đi sau xe, áp giải tù nhân trên một chiếc xe Dodge đưa xuống cái cồn cát ở thôn Tất Viên xã Bình Phục hành quyết. Dân làng gọi cái cồn cát cao ấy là động Bà Vàng. Bên động có cái miếu Bà. Nay, cái động bị san bằng để làm sân trường và cây đa cổ thụ được bảo vệ nằm ngay sau lưng Trường Phổ thông cơ sở Nguyễn Đình Chiểu. Điều hy hữu kỳ lạ là, một người trong số 16 tù nhân không chết mà bị trọng thương, là Nguyễn Đình Thể. Một thanh niên nhà ở gần động trên đường đi tưới khoai về nghe tiếng kêu trong bóng đêm mập mờ, đến nơi hỏi thì người bị thương thành thật xin người thanh niên chỉ đường về chợ Bà. Người thanh niên về nhà cầm cây Cạc bin ra, đưa mũi súng kề sát ót ông Thể, bóp cò.
Mấy loạt súng nổ dồn dập lúc chiều tối làm ‘‘lạnh tóc gáy’’ bao bà con khu chợ Tất Viên. Bỗng, một tiếng nổ ‘‘đành’’ vào lúc màn đêm bao trùm làng cát sau đó hơn hai tiếng đồng hồ lại làm cho bà con tò mò. Khó qua mắt được những cái nhìn bí mật của mấy bà con ẩn mình trong vườn cây, khu vườn cạnh bờ rào ấp chiến lược từ khi thấy hai xe nhà binh chạy xuống đến khi xảy ra cuộc hành quyết. Bà con biết ngay người gây nên tiếng nổ lúc màn đêm giết chết một người bị thương. Người thanh niên ấy là một nghĩa quân theo bà con là ‘‘háo thắng’’, không chỉ báo cáo ‘‘thành tích’’ cho Liên Trung trưởng nghĩa quân Hai Thạnh mà còn vỗ ngực với số dân vệ, nghĩa quân có mặt tại hiện trường sáng hôm sau rằng đã bắn tên Việt Cộng sống sót. Người nghĩa quân nghĩ đơn giản, với viên đạn ‘‘lập công’’ sẽ giúp anh ta được tin tưởng, không bị đẩy ra chiến trường, không ngờ đó là viên đạn làm anh ta ân hận cả một đời!
Sau ngày giải phóng năm 1975, hai người con trai của ông Nguyễn Đình Thể là Nguyễn Đình Thụy và Nguyễn Đình Liệu (Bảy Liệu), mang súng xuống Tất Viên gặp ông Năm Đức, nhờ chỉ nhà người nghĩa quân nọ để bắt ‘‘đền mạng’’. Ông Năm Đức gọi ông Thể bằng ông - người bà con trong họ. Ông Năm Đức tiếp hai người con trai ông Thể, bảo vợ con nấu cơm mời họ ăn uống rồi nói chuyện: Bây giờ hai chú mà đến nhà hắn sẽ thấy cha của hắn đi còng lưng sát đất và vợ hắn ốm yếu cùng bầy con nheo nhóc. Nay hòa bình, không nói đến tính nhân đạo, bắn chết hắn thì ai nuôi cha hắn và bầy con vô tội của hắn? Hắn có tội thì có pháp luật, các chú bắn hắn thì tội trút về mình! Sau khi nghe ông Năm Đức nói, hai người con ông Thể nhờ ông Năm Đức đưa đến nhà nhìn tận mặt người nghĩa quân nọ. Ông Năm Đức sai Bền, con trai đầu của mình bấy giờ mới mười mấy tuổi đưa đi. Nguyễn Đình Bền nhớ: Đến nhà, ông Bảy Liệu thì đòi bắn, nhưng ông Thụy bấy giờ là công an huyện thì can ngăn cơn nóng như lửa của em trai, trợn mắt chỉ tay vào mặt thất sắc của ông Sáu nghĩa quân: Trong chiến tranh, cách mạng vẫn tha cho những tên giết người. Nay hòa bình, tau tha cho mày.
Sau này, mỗi khi tình cờ trên đường gặp ông Năm Đức, người nghĩa quân nọ chắp hai tay lạy. Qua ông Năm Đức, tôi tìm và may mắn gặp được người nghĩa quân nọ - một nhân chứng sống, tên là Trần Sáu, sinh năm Đinh Sửu, vào mùa xuân Ất Mùi - 2015 ở tuổi bảy mươi tám, khi Trần Sáu đang áo đà, vai đeo cái đãi màu đà (cái xách), đầu đội chiếc mũ len màu đà, loay hoay làm công việc hộ tự giúp cho thầy trụ trì chùa Huệ Quang ở cạnh chợ Tất Viên. Sau khi nghe Trần Sáu kể lại câu chuyện về cái ngày khó quên và buồn ấy, tôi hỏi thì Trần Sáu chỉ cho tôi đường đến nhà Ấp trưởng Phan Văn Chỉ, dân làng gọi Ấp trưởng Bảy Chỉ. Cả một đêm thao thức. Sáng mồng Tám Tết Kỷ Dậu, Ấp trưởng Bảy Chỉ dậy sớm, ăn cho có ăn hai lát bánh tét rồi đội mũ đi gặp dân xung quanh chợ Tất Viên, nói với bà con người một tay lo công việc hậu sự buồn đầu năm: ‘‘Sống thì có thương, có thù, có hận, chết là thoát!’’. Ấp trưởng Bảy Chỉ huy động thì bà con, người cho chiếc chiếu, người cho vải, không đủ chiếu thì ông mua chiếu, mua rượu để phun, nhờ ông Lê Hoặc và ông Đà ở Ngọc Sơn, Bàu Bàng là hai người lớn tuổi từng trải và dạn dĩ giúp một tay khâm liệm, nạn nhân ai có tư trang gì thì bó theo cùng với xác... Ở vùng tranh chấp địch - ta, tiền đâu mà mua đến 16 cái hòm, thế là ông Ấp trưởng huy động bà con góp tre, vùng Tất Viên nhiều nhà dân có hàng rào bằng tre quanh vườn xanh tốt, bà con chẻ tre thành những cái nẹp to bằng ba ngón tay, dài chừng thước tám, cứ đàn bà thì 9 cái nẹp, đàn ông bảy cái nẹp, đan thành một tấm nẹp tre thay cái hòm bó tử thi đã khâm liệm rồi cùng nhau khiêng non nửa cây số đến một bãi đất bằng, cách mặt con đường Hà Lam - Chợ Được mươi lăm mét, nơi đã phân công người đào cái huyệt dài chôn 16 tử thi.
Theo Võ Văn Thắng là con trai bà Xã Nguyên, sau năm 1975, có thời gian là Ủy viên Ban Thường vụ Huyện ủy, phụ trách An ninh, người cùng đến chỗ bãi cát khu mộ 16 người cải táng thân nhân: Người nhà xác định được xác ông Nguyễn Bồng (Thể) đang ôm cái bao cát - cái bao cát người nhà đựng gói khoai chà, gói thuốc rê và bánh tết lên thăm đưa cho ông Thể. Võ Văn Thắng nhẹ tay gạt lớp đất cát thì nhận ra hình dáng cao gầy của mẹ mình trong lớp áo ka-tê màu xám - cái áo mẹ mặc hôm đi nhà thương cùng với đôi dép nhựa cột trong ống quyển mẹ. Võ Văn Thắng ứa nước mắt nói: ‘‘Nghe tin mẹ chết, cha tôi sai chị Ba tôi đi mua vải, hương đèn, hoa, bánh… về lập bàn thờ cúng, phục tang mẹ. Vừa lập bàn thờ mẹ thì địch càn vào làng bắn chết cha tôi! Hôm ấy là ngày mười ba tháng Giêng năm 1969. Đúng một tuần sau ngày mẹ tôi bị tàn sát! Tôi thì đang ở ngoài Côn Đảo. Em trai tôi là Võ Văn Sơn, bộ đội Tiểu đoàn 70 vừa hy sinh, anh rể Hai Phùng và chị Ba lấy vải mua về phục tang mẹ đem liệm cho cha rồi khép bốn miếng ván ép bà con cho làm cái hòm chôn cha. Vậy mà, sau ngày giải phóng quê hương, gặp Hai Giảng tôi phải kìm chế mình, giấu căm giận trong lồng ngực, nói cách mạng và nhân dân sẽ khoan hồng, tha tội chết cho những ai biết ăn năn hối cải...
Người con của đất này đắng cay ác liệt chiến tranh, gia đình tan hoang, người bỏ làng ra đi, bộn bề mưu sinh nơi xa lắc xa lơ, mỗi dịp xuân về, tết đến, nếu không có điều kiện về quê thắp nén hương cho người quá cố, thăm hỏi bà con thì cũng ngồi lại bên chén trà thơm, bên ly cà phê đắng bồi hồi nhớ lại chuyện ngày quá khứ...
Bút ký HỒ DUY LỆ