Cùng với xã Tân Hiệp (TP.Hội An), xã Tam Hải (huyện Núi Thành) vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là xã đảo. Từ đây, Tam Hải có thuận lợi lớn trong chính sách hỗ trợ phát triển ở mảnh đất nơi đầu sóng ngọn gió…
Đường vào xã đảo Tam Hải. Ảnh: Đ.V.V |
Đứng bên này xã Tam Quang, ngó qua bên kia, xã đảo Tam Hải cách một con đò. Chỉ một con đò thôi mà bao cách trở, khó khăn. Mùa mưa bão, dân Tam Hải nơm nớp lo âu, còn mùa nắng là chuyện đò ngang cách trở. Đã có nhiều bước phát triển nhưng Tam Hải vẫn cần nhiều hơn sự đầu tư của Nhà nước để thực hiện những khát vọng vươn mình…
Thay da đổi thịt
Khoảng chục năm về trước, Tam Hải chỉ có trục đường chính từ bến đò về trung tâm xã là nhộn nhịp. Còn tất cả xóm làng lặng lẽ sau bóng dừa, bám biển mà sống. Sự học của nhiều con em đất này đôi lúc phải gác lại. Nhưng nay, Tam Hải đã vươn mình, một phần từ sự quan tâm hơn của Nhà nước và một phần từ chính những người con đất này đi xa nay về lo lại cho đất mẹ. Dù là đất nghèo nhưng Tam Hải luôn hoàn thành tốt công tác chống mù chữ và phổ cập giáo dục đúng độ tuổi ở bậc tiểu học, THCS, triển khai thực hiện tốt đề án phổ cập mẫu giáo. Tỷ lệ học sinh ra lớp ở bậc tiểu học và THCS ở các năm đều đạt 100%. “Từ năm 2010 đến 2015 Tam Hải đầu tư xây dựng và sửa chữa các công trình phục vụ dân sinh như trường học, trạm y tế, các thiết chế văn hóa, hệ thống kè từ thôn 2 đến thôn 7, từ bến đò đến chợ Tam Hải, các tuyến giao thông nông thôn, các công trình thoát nước, đóng phà... với hơn 30 công trình lớn nhỏ có hơn 100 tỷ đồng” - Phó Chủ tịch UBND xã Tam Hải Nguyễn Tấn Hùng cho biết.
Chuyển biến lớn trong những năm qua của Tam Hải chính là y tế. Trạm Y tế xã đã có bác sĩ phục vụ khám chữa bệnh cho nhân dân. Các chương trình, mục tiêu y tế được triển khai đồng bộ và đạt kết quả cao, kiểm soát được dịch bệnh trên địa bàn. Trạm Y tế xã nhiều năm liền được công nhận chuẩn quốc gia. Từ năm 2010 - 2015 trạm là một trong những đơn vị hoàn thành tốt công tác y tế cơ sở hằng năm của huyện. Bí thư Chi bộ thôn Thuận An - ông Nguyễn Hữu Khoa, nói: “Trở thành xã đảo, con em được miễn giảm học phí, người dân được hỗ trợ 100% một số loại phí khi làm giấy tờ, miễn phí về bảo hiểm y tế… Điều này sẽ giúp đời sống của người dân được nâng lên. Ngoài ra, khi trở thành xã đảo sẽ được Nhà nước quan tâm đầu tư nhiều hơn. Chắc chắn Tam Hải sẽ bớt đi những thiệt thòi so với các xã trong đất liền”.
Ngó vào đất liền
Ông Phạm Bá Hiệu ở thôn Tân Lập mời chúng tôi chén nước chè xanh, nhắc chuyện ngày xưa: “Khổ kinh lắm các chú ạ. Tam Hải hồi ấy toàn đường đất. Đó, các chú ngó cái ngõ nhỏ trước nhà tui mà hình dung ra cái đất này hồi trước. Đi đâu cũng lội cát, lún bỏng chân”. Ông Hiệu bảo, cách đây chừng mười mấy năm, chỉ mỗi trục đường chính là được bê tông, còn phần lớn dân vùng này đi xe đạp, xe máy vẫn cứ dắt. Chuyện đường sá có lẽ là một ký ức khó khổ mà đi đâu chúng tôi cũng nghe những người lớn tuổi nơi đây nhắc đến. Chủ tịch UBND xã Tam Hải Trần Ngọc Hữu cũng thừa nhận đến nay, các đường liên thôn, liên xóm vẫn chưa đủ khả năng bê tông hóa. “Xã còn nghèo, nguồn lực trong dân có hạn, nỗ lực mấy cũng chỉ là kết quả nhỏ so với mong ước của bà con. Đến nay, toàn xã chỉ bê tông được khoảng 70% các trục đường. Nhưng xét theo tiêu chí nông thôn mới thì không đạt do các tuyến này đều làm từ rất lâu nên xuống cấp hư hỏng”. Ông Hữu bảo, so với các xã khác trong đất liền thì Tam Hải thua thiệt nhiều, 5 năm chỉ hơn 4 tỷ đồng đầu tư cho giao thông nông thôn được huy động từ các nguồn khác nhau và làm được gần 6.000m đường.
Ngư dân Tam Hải vẫn luôn bám biển mưu sinh và khẳng định đó là trách nhiệm của công dân xã đảo trong việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc. |
“Đường sá thì còn có thể chấp nhận được do dân còn nghèo, xã còn nghèo nhưng mong ước lớn nhất của bà con là chuyện thông thương với đất liền. Hồi trước, con đò nhỏ, người phương xa tới qua con đò này là nơm nớp sợ. Qua đất này mà lỡ gặp ngày mưa gió thì chuyện phải trú ngụ luôn vài ngày cho sóng lặng gió yên mới về lại đất liền là chuyện thường” - Chủ tịch UBND xã Tam Hải Trần Ngọc Hữu nói. Những ngày bão lũ, dân Tam Hải lo lắng nhưng cũng chẳng biết chạy bão lũ ở đâu vì đò không hoạt động. Đóng cửa và ở trong nhà là cách dân xã đảo tránh trú bão. Nay thì đỡ hơn vì một vài công trình tránh trú bão đã được xây dựng. Nhưng với người dân xã đảo, cái mong ước là nhịp cầu tránh bão lũ được nối với đất liền. “Chúng tôi không mong cây cầu để đi lại vì nó quá lớn lao, mà mong một cây cầu để khi có bão còn đường mà vào đất liền trú ẩn. Nơi này, gió cấp 6, cấp 7 là chịu không thấu rồi” - ông Phạm Bá Hiệu cho hay.
dù chính quyền và nhân dân đã nỗ lực rất nhiều, song Tam Hải vẫn còn lắm khó khăn. Hiện tại bờ kè quanh xã đã xuống cấp, nhiều đoạn kè đã bị vỡ khiến nhiều vùng đất bị cuốn trôi ra biển. đã có nhiều dự tính để sữa chữa nâng cấp nhưng nguồn vốn quá lớn khiến dự án chỉ nằm lại trên giấy tờ. “Đến nay cả 7 thôn trên địa bàn xã đều không có nguồn nước sạch để dùng, dù rằng UBND tỉnh đã đầu tư 3 tỷ đồng để nâng cấp 5 bể nước ở xã Tam Hòa để hỗ trợ cho 3 thôn của xã Tam Hải. Công tác quy hoạch di dời, ổn định đời sống cho nhân dân trong vùng dự án Cửa Lở, nạo vét luồng lạch có nhiều bất cập, một số dự án kéo dài ảnh hưởng đến đời sống nhân dân” - ông Trần Ngọc Hữu, chia sẻ.
Vươn ra hướng biển
Tam Hải là xã đảo ven biển có diện tích tự nhiên 1.568,9ha, với 2.427 hộ gồm 8.825 nhân khẩu sinh sống ở 7 thôn. Hầu hết người dân Tam Hải sống bằng nghề đánh bắt, nuôi trồng hải sản nên một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn. Dù là một xã nghèo nhưng nhiều năm qua, đời sống nhân dân đã có nhiều khởi sắc: Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới được triển khai từ tháng 10.2013 và đến nay đạt 6 tiêu chí: bưu điện, thu nhập, nhà ở, y tế, thủy lợi và quy hoạch đề án. Hàng năm có 1 - 3 thôn đạt thôn văn hóa cấp huyện, tỷ lệ hộ nghèo từ 17,17% (năm 2010) đã giảm còn 9,34% (năm 2014). |
Với trên 80% dân số làm nghề biển, những năm gần đây giá trị sản xuất ngư nghiệp ngày càng tăng. Sản lượng hàng năm đều tăng, giá trị đánh bắt từ 41 tỷ đồng năm 2010, tăng lên 55 tỷ đồng vào năm 2014. Ngoài ra, nghề nuôi trồng thủy sản chưa phải là thế mạnh nhưng những năm gần đây do sự tác động chung nên trên địa bàn xã phát triển nuôi tôm thẻ chân trắng từ 18ha, đến nay tăng lên khoảng 32,38ha, cho sản lượng 1.404 tấn, giá trị 126,36 tỷ đồng. Nhiều năm trở lại đây, chiến lược phát triển kinh tế dựa vào biển đã được Tam Hải chú trọng, ngư dân đã phát triển và đổi mới nhiều phương tiện sản xuất, trang bị nhiều ngư cụ tiên tiến và hiện đại. Năm 2010 là 415 phương tiện với tổng công suất trên 10.535CV; đến nay vẫn với 415 phương tiện nhưng tổng công suất đã tăng lên 17.596CV, trong đó 27 phương tiện đánh bắt xa bờ với 13.763CV. Hiện nay, toàn xã đã có 4 tàu được hỗ trợ đóng theo Nghị định 67 của Chính phủ và 4 chiếc đóng với sự hỗ trợ của Quỹ hỗ trợ ngư dân.
Đối với bà con ngư dân Tam Hải, việc phát triển vươn khơi không chỉ đơn giản là mưu sinh, là giữ nghề truyền thống, mà còn góp phẩn khẳng định chủ quyền lãnh hải, thể hiện trách nhiệm với Tổ quốc. Ông Ngô Ri ở thôn Đông Tuần, khẳng định: “Những ngư dân xã đảo sẽ gắn việc đánh bắt hải sản với nhiệm vụ trở thành những cột mốc di động trên biển khơi, khẳng định chủ quyền biển của Tổ quốc”. Với chiếc tàu công suất 730CV, ông Ri và nhiều ngư dân khác đã luôn bám biển trong những ngày Trung Quốc đặt giàn khoan HD981 trái phép trên vùng biển Việt Nam để cùng bảo vệ ngư trường, cùng phản đối hành động sai trái của Trung Quốc. Còn ông Trần Văn Độ ở thôn Tân Lập, nói: “Hiện tôi có tàu gỗ QNa 91171 với công suất 350CV làm nghề lưới vây ngày. Thời gian tới, khi được thẩm định và xét được hỗ trợ theo Nghị định 67 của Chính phủ tôi sẽ đóng tàu sắt, nâng công suất lên để đánh bắt có hiệu quả hơn. Và quan trọng là chính những ngày đánh bắt trên biển khơi, những ngư dân chúng tôi sẽ góp phần vào việc bảo vệ chủ quyền biển đảo của đất nước”.
ĐẠO VIỆT VINH