(Xuân Đinh Dậu) - Đêm. Từ Tăk Pỏ (Nam Trà My) nhìn lên, những đốm sáng vẫn nhấp nháy phía Ngọc Linh, từ các nóc của người Xê Đăng. Là ánh điện. Có người bảo, trong vô vàn đốm sáng như sao trời dệt phía đằng kia, có cả điện trong những vườn sâm, nơi những giấc mơ tỷ phú đã thành hiện thực. Một hiện thực mà chỉ chừng hơn chục năm trước, nhiều người còn chưa dám nghĩ…
Chúng tôi nhặt lấy một cây gậy dưới chân dốc, bắt đầu hành trình ngược đỉnh Ngọc Linh. Chừng hơn chục cây số đường bộ, vậy mà mất gần bốn giờ đồng hồ. Đầu gối chạm mặt, chiếc ba lô chỉ chừng vài ký nặng trĩu trên vai, và lưng áo đã bắt đầu ướt đẫm sau vài con dốc trơn trượt vì trời mưa. Hướng đi duy nhất là ngước mặt… lên trời và bước. Dốc dựng đứng, nối tiếp nhau. Qua hai nóc Kon Bin và Măng Lùng, con đường mòn dẫn vào rừng nguyên sinh Ngọc Linh hiện ra. Sương mù giăng ướt đẫm, lạnh tê tái.
Nóc Măng Lùng, nơi có tới 95% người dân trồng sâm Ngọc Linh. Ảnh: CÔNG NGƯỚC |
Kho báu dưới tán rừng
Chủ vườn sâm Nguyễn Văn Lượng báo hiệu chỉ còn chừng vài trăm mét là vào đến vườn. Đi suốt mấy tiếng đồng hồ trong im ắng, nghe rõ từng tiếng thở của nhau, nhưng ông Lượng vừa dứt lời thì còi báo động hú vang cả một góc rừng. Khách giật thột. Tay chủ vườn vừa cười, vừa khoát tay giải thích đó là hệ thống cảnh báo cảm biến nhiệt để những người giữ vườn dễ phát hiện có người vào vườn sâm. Qua được lớp thứ nhất, phải vượt lớp thứ hai với lượt rào bằng lưới thép, một trạm gác 5 người trực, là đến. Cả khoảnh rừng chỉ chừa lại những thân cây to, tán rợp mát, các loại dây leo, cây bụi đều được phát quang sạch sẽ. Dưới đất, những thân cây sâm chừng vài chục centimet mọc đều, phủ kín hai bên lối đi. “Số trồng mới thì chừng 6 tuổi. Một số gốc đã hơn 20 tuổi. Sâm chừng hơn mười tuổi thì mỗi gốc đã nặng độ nửa lạng, một ký giá khoảng hơn 50 triệu đồng. Ở chỗ này, cỡ khoảng hơn 10.000 gốc”.
Chúng tôi lại một phen giật thột với tay chủ vườn rặt dáng nông dân. Nhẩm tính sơ, nơi đang đứng là cả gia tài hàng chục tỷ đồng. Lượng không nói rõ diện tích, số gốc sâm là bao nhiêu. Nhưng người trong vùng khẳng định chắc nịch Lượng nhiều sâm nhất, gia tài cả trăm tỷ đồng. Người trồng trước là Hồ Văn Du, không phải Lượng, nhưng từ khi sâm Ngọc Linh có giá, không còn là thứ “thuốc giấu” mà bà con mang đổi cả gùi lấy… rượu uống như xưa, Lượng đã âm thầm phát triển vườn sâm trong những tán rừng sâu ở Ngọc Linh.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Thanh cùng tỷ phú sâm Nguyễn Văn Lượng trong chuyến khảo sát vườn sâm của Lượng ở Ngọc Linh.Ảnh: CÔNG NGƯỚC |
Thành quả của hơn chục năm trời cần mẫn, là gia tài “khủng” bây giờ. Nhất là gần đây, giá sâm cao chót vót. Bà con Xê Đăng làm công cho Lượng và ông Du không nhận tiền mà xin đổi lấy gốc sâm con. Sâm được trồng theo cấp số nhân, nhưng nhiều nhất, vẫn là ông Du và Nguyễn Văn Lượng. “Trời sinh Du còn sinh Lượng”, câu nói nổi tiếng từ truyện Tam Quốc, ở đất này là chỉ hai “đại gia sâm” nức tiếng. Mà thật. Không ai “chơi” bằng những tỷ phú sâm đất này. Không đường xe máy, không điện, mà mua tuốc bin thủy luân chạy điện sáng rực vườn sâm, lắp cảm biến nhiệt chống trộm, rồi lại xây ao cá, làm nhà. Ở cái xứ cao 1.700m so với mực nước biển, chỉ có phương tiện đi lại duy nhất là đôi chân, cái nhà vệ sinh Lượng xây sơ sơ tốn hết… trăm rưỡi triệu. Không thiếu thứ gì, trừ điện quốc gia. Nguồn điện duy nhất ở vùng này là từ những chiếc tuabin thủy luân phát điện. Hay mới đây nhất, một tỷ phú khác là Hồ Văn Bông - người xã Trà Linh xuống dưới thị trấn mua hẳn căn nhà giá nửa tỷ đồng, sắm sửa máy vi tính, dụng cụ cho con đi học. Ông này còn khẳng định nếu con học lên đại học, sẽ xuống phố mua nhà. Tất nhiên, là bằng tiền bán sâm.
Làng tỷ phú
“Internet vạn vật” trong vườn sâm Để canh giữ cho vườn sâm trước nạn trộm cắp, các chủ vườn bắt đầu trang bị những công nghệ tân tiến, hiện đại hơn. Ngoài rào lưới thép, nhiều hệ thống cảnh báo cảm biến nhiệt, cảm biến âm thanh cũng đã được lắp đặt tại các vườn sâm. Ông Hồ Quang Bửu - Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My cho hay, một số hộ dân còn lắp camera theo dõi, có thể quan sát mọi ngóc ngách của vườn sâm bất cứ khi nào thông qua internet, các thiết bị kết nối 3G. “Chỉ một vài năm nữa, xu hướng sử dụng “Internet vạn vật” sẽ phổ biến trong vườn sâm. Nhờ công nghệ, chủ vườn có thể nắm được diễn biến thời tiết, độ ẩm, các thông số kỹ thuật, quan sát quản lý vườn sâm, khởi động hệ thống cảnh báo khi phát hiện đột nhập thông qua hệ thống camera quan sát. Khu vực Ngọc Linh nơi có các vườn sâm hầu hết đã phủ sóng điện thoại 3G, sẽ là tiền đề cho việc ứng dụng công nghệ này trong vài năm tới” - ông Bửu nhấn mạnh. |
Thời gian của Nguyễn Văn Lượng, hoặc là ở vườn sâm, hoặc “bắt máy bay” đi bán chừng vài ký tận Hà Nội, Sài Gòn. Từ sâm, Lượng đổi đời. “Khách hàng ở Hà Nội, Sài Gòn, nhiều nơi nữa. Họ cần thì một cú điện thoại, mình mang đi. Hồi trước còn ít tiền, bán cả sâm non. Nhưng giờ thì để cỡ khoảng 10 năm mới thu hoạch. Có cây con thì nhân rộng ra. Vườn rộng, mình hợp tác với bà con cùng canh giữ, bảo vệ. Trả bằng sâm. Họ sẽ trồng tiếp trong rừng”, Lượng nói. Cứ như thế, dưới tán rừng Ngọc Linh quanh năm sương trắng, cây sâm đang lặng lẽ vươn rộng. Chỉ riêng xã Trà Linh, đã có khoảng 90% số hộ đang trồng sâm - những kho báu tiền tỷ ngay trong rừng.
Chủ tịch UBND huyện Nam Trà My - ông Hồ Quang Bửu nói rằng, mỗi vườn sâm như một “ngân hàng” của đồng bào Xê Đăng ở Ngọc Linh. Nhà nào có sâm, là có một gia tài, lớn dần và sinh lợi - tất nhiên là nếu được chăm sóc kỹ. Mọi thứ đều có thể quy đổi bằng sâm. “Họ có thể mua nợ hàng hóa ở thị trấn, rồi sau đó trả sâm, vì các chủ tiệm đều quen mặt. Có giá trị lớn, nên giờ dân cũng ít bán sâm non, mà thay vào đó tìm giống để phát triển vườn. Tôi đi khảo sát trên đó, thấy có nhiều nóc đã thành làng tỷ phú rồi. Cứ tính đơn giản, khoảng 1.000 gốc sâm, chăm sóc cỡ 7 năm thu lời cũng đã tầm 4 tỷ đồng. Không phân bón, không thuốc bảo vệ, chỉ tốn công bảo vệ khỏi trộm và thú rừng” - ông Bửu nói.
Năm 2014, cả huyện Nam Trà My chỉ có chủ yếu người dân ở xã Trà Linh trồng sâm, với diện tích xấp xỉ 100ha. Con số hộ trồng sâm bây giờ gấp 9 lần thời đó. Còn diện tích sâm đã lên đến gần 1.200ha. Mở bản đồ vệ tinh của Google, có thể thấy những khoảnh rừng nhỏ hơn lòng bàn tay với một chấm trắng - dấu hiệu của một chòi canh vườn sâm - nằm chi chít ở gần các nóc của đồng bào Xê Đăng xã Trà Linh, Trà Cang và Trà Nam. Những tỷ phú “không tiền”. Đúng hơn, họ có thứ còn quý hơn tiền, là sâm, để đổi lấy một cuộc sống khác cho mình, khi Ngọc Linh đang đứng trước ngưỡng cửa của một thủ phủ sâm và cây dược liệu. Và, những giấc mơ xưa kia, giờ đang bắt đầu thành…
Phóng sự của THÀNH CÔNG - ALĂNG NGƯỚC