Cách đây mấy ngày, nhân chuyến vào Quảng Ngãi xem giải vô địch Wushu toàn quốc năm 2013, tôi có dịp trò chuyện với ông Trần Đình Thăng - Hiệu trưởng trường Năng khiếu TDTT Quảng Ngãi. Khác với trường Năng khiếu TDTT Quảng Nam, ở Quảng Ngãi trường chỉ làm công tác đào tạo cho các em vận động viên (VĐV) cho đến khi học xong văn hóa lớp 9. Sau đó, trường sẽ chuyển giao các em cho Trung tâm huấn luyện và thi đấu TDTT tỉnh tiếp tục làm nhiệm vụ để tham gia thi đấu thể thao thành tích cao. Như vậy, nhiệm vụ, chức năng của trường Năng khiếu TDTT và Trung tâm huấn luyện và thi đấu ở Quảng Ngãi tương đương với trường Năng khiếu TDTT tỉnh Quảng Nam.
Vận động viên Nguyễn Thị Tân An (phải) tham gia thi đấu tại giải vô địch Wushu toàn quốc 2013 tại Quảng Ngãi. |
Dù có khác nhau, nhưng mô hình đào tạo - huấn luyện của Quảng Ngãi hay cách làm “‘2 trong 1” của Quảng Nam cũng đều có những ưu điểm riêng. Nếu mô hình của Quảng Ngãi thể hiện tính chuyên trách, lớp lang trong công tác đào tạo, huấn luyện thì với cách làm của Quảng Nam sẽ tạo ra sự liên kết khép kín trong cả quy trình đào tạo; đồng thời nâng cao ý thức trách nhiệm chung của nhà trường, kể cả với riêng mỗi “sản phẩm” huấn luyện. Bởi vậy, ở Quảng Nam không có chuyện “đổ thừa” khi không có được thành tích tốt trong thi đấu.
Nhưng điều đáng nói hơn là vấn đề kinh phí. Ông Thăng cho biết, hằng năm trường năng khiếu Quảng Ngãi được tỉnh cấp 9 tỷ đồng cho công tác đào tạo, còn trung tâm huấn luyện nhận 16 tỷ đồng để tổ chức huấn luyện, đưa các đoàn VĐV đi thi đấu tại các giải quốc gia. Nghe những con số này, Hiệu trưởng trường Năng khiếu TDTT tỉnh Quảng Nam - ông Phan Văn Hạ không khỏi “giật mình”. Nhiệm vụ, chức năng tương đương với công việc của cả 2 đơn vị ở Quảng Ngãi, vậy mà kinh phí của trường Năng khiếu TDTT tỉnh Quảng Nam lại được cấp chưa bằng 1/3. Bởi vậy, bên cạnh thiếu thốn cơ sở vật chất, thiết bị tập luyện, kinh phí hạn chế luôn là vấn đề nan giải đối với trường năng khiếu ở Quảng Nam.
Tất cả VĐV đều mong muốn được thi đấu càng nhiều thì càng có điều kiện nâng cao khả năng chuyên môn, xác lập đẳng cấp để được hưởng chế độ chính sách như tiền công, tiền ăn… cao hơn. Tuy nhiên, không phải ai cũng được tham gia tất cả giải đấu. Nguyên nhân là vì nguồn kinh phí có hạn, cho nên trường Năng khiếu TDTT tỉnh Quảng Nam luôn phải cân nhắc khi cử lực lượng tham gia. Vì thế mới có chuyện một số VĐV “xin” được tham gia thi đấu tại các giải quốc gia.
Ít được tạo điều kiện tham gia các giải đấu cũng khiến VĐV thiếu cơ hội cọ xát, tích lũy kinh nghiệm. Đây là một sự thiệt thòi không chỉ cho bản thân họ, mà cả nhà trường cũng bị hạn chế trong việc nâng cao chất lượng huấn luyện, đào tạo. Do vậy, ông Hạ ước làm sao trường mình được như đồng nghiệp Quảng Ngãi để không còn tình trạng “cái khó bó cái khôn”.
Anh Sắc