Khó cho "một cửa" ở miền núi

ĐOÀN ĐẠO 21/08/2014 08:41

Dù đã nỗ lực thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” để giải quyết hồ sơ, thủ tục hành chính cho người dân nhưng các huyện, xã ở miền núi vẫn còn gặp nhiều khó khăn, chưa thể thực hiện theo đúng quy trình.

Thiếu thốn đủ bề

Tiếp chúng tôi tại phòng làm việc của bộ phận tiếp nhận và trả kết quả hồ sơ xã Trà Đốc (Bắc Trà My), bà Châu Thị Thắm - cán bộ phụ trách bộ phận “một cửa” chia sẻ: “Thật ra đây là phòng làm việc của bộ phận Địa chính và Tư pháp xã, bộ phận “một cửa” chỉ đặt ké cái bảng để người dân khi đến làm việc biết nơi để vào liên hệ”. Căn phòng chỉ khoảng 10m2 ngổn ngang những chồng hồ sơ cao quá đầu người vì không có đủ tủ lưu trữ là nơi làm việc chung của 6 cán bộ thuộc các bộ phận địa chính, tư pháp, văn phòng và “một cửa”. “Bộ phận “một cửa” của xã thành lập từ năm 2009 nhưng đến nay phòng làm việc riêng vẫn chưa có. Ngay cả đặt chung phòng với các bộ phận khác như hiện nay mà tủ lưu trữ hồ sơ, bàn làm việc cũng không có, nói gì đến thực hiện đúng theo quy định. Hồ sơ sau khi tiếp nhận hầu hết tôi phải mang về phòng làm việc của mình lưu trữ chứ không dễ xảy ra nguy cơ thất lạc hồ sơ” - bà Thắm cho biết. Nói về việc thực hiện công khai một số thủ tục hành chính để công dân tiếp cận, bà Thắm chỉ tay về phía bức tường, nơi treo sơ sài một vài văn bản, nói: “Kinh phí eo hẹp, dù muốn đầu tư bảng treo theo quy định cũng chẳng thể vì phải phụ thuộc vào kinh phí của xã cấp. Các thủ tục hành chính chúng tôi đành thông qua thôn để tuyên truyền cho bà con trong các cuộc họp thôn”. Không riêng gì xã Trà Đốc, hầu hết các xã ở miền núi đều hoạt động trong điều kiện khó khăn như vậy. Ngay cả xã Ba có bộ phận “một cửa” được đầu tư nhất huyện Đông Giang và được đánh giá là hoạt động hiệu quả cũng gặp không ít khó khăn. “Dù UBND xã quan tâm đầu tư, bộ phận “một cửa” cũng chẳng thể hoạt động theo quy trình vì cơ sở vật chất quá khiêm tốn. Khi công dân đến liên hệ giải quyết hồ sơ nhiều, bà con phải đứng đợi ngoài hành lang” - Phó Chủ tịch UBND xã Ba Nguyễn Văn Cân cho hay.

Văn bản thủ tục hành chính niêm yết sơ sài trên tường, hồ sơ không có nơi lưu trữ phải chất chồng lên nhau tại “một cửa” xã Trà Đốc.  Ảnh: Đ.ĐẠO
Văn bản thủ tục hành chính niêm yết sơ sài trên tường, hồ sơ không có nơi lưu trữ phải chất chồng lên nhau tại “một cửa” xã Trà Đốc. Ảnh: Đ.ĐẠO

Trong khi đó, ở cấp huyện, bộ phận “một cửa” cũng gặp khó khăn khi chưa thể bố trí cán bộ chuyên trách đối với từng lĩnh vực trong việc tiếp nhận, trả hồ sơ cho công dân mà chỉ có một cán bộ phụ trách chung. Ông Dương Văn Chung - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Đông Giang cho hay: “Cán bộ chuyên trách “một cửa” chỉ có một người. Vì vậy, bước kiểm tra hồ sơ tại chỗ luôn gặp khó khăn. Khi có nghi ngờ về hồ sơ chưa đầy đủ, cán bộ phụ trách phải “xin” người dân ngồi chờ, sau đó chạy đến cơ quan chuyên môn nhờ kiểm tra hộ rồi mới trở về tư vấn, giải thích cho công dân”. Ông Tơ Ngôl Với - Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Nam Giang cũng chia sẻ khó khăn ở địa phương mình: “Cán bộ chuyên trách của bộ phận “một cửa” Nam Giang là chuyên viên công nghệ thông tin kiêm nhiệm nên kinh nghiệm chuyên môn chưa thể đáp ứng trong công tác tiếp nhận, xử lý hồ sơ ban đầu”.

Khó vì ít hồ sơ giao dịch

Lý giải cho những vướng mắc trên, các địa phương miền núi đều cho rằng mấu chốt nằm ở chỗ lượng giao dịch của công dân quá ít nên việc đầu tư về nhân lực và cơ sở vật chất không được quan tâm thường xuyên. “Mỗi năm, bộ phận “một cửa” của huyện chỉ tiếp nhận khoảng 500 - 600 hồ sơ, chủ yếu trên lĩnh vực đất đai. Trước đây lãnh đạo huyện cũng đã cắt cử mỗi lĩnh vực chuyên môn tại bộ phận “một cửa” một chuyên viên phụ trách nhưng lại rơi vào cảnh “ngồi chơi xơi nước”. Thấy như vậy không hiệu quả, trong khi công việc ở các phòng ban nhiều nên đành chấp nhận để số cán bộ này trở về với công tác chuyên môn và chỉ giữ lại một cán bộ phụ trách “một cửa”” - Phó Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Bắc Trà My - Lê Nho Triều cho biết. Cùng chung thực tế đó, ông Tơ Ngôl Với nói: “Nếu đầu tư nhân lực như các huyện đồng bằng thì sẽ quá lãng phí khi bộ phận “một cửa” của huyện quá ít công việc. Hiện nay Nam Giang chưa thể thực hiện theo cơ chế “một cửa liên thông” mà chỉ có thể cố gắng đảm bảo về quy trình thời gian giải quyết hồ sơ cho công dân”.

Một vướng mắc khác trong thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở miền núi là cán bộ kiêm nhiệm chưa đáp ứng yêu cầu chuyên môn, và do các địa phương luôn có biến động về cán bộ nên tính chuyên nghiệp trong công tác này chưa cao. “Hàng năm, huyện đều tổ chức khóa tập huấn công tác văn phòng, văn thư, cải cách hành chính cho cán bộ lãnh đạo các xã, thị trấn và cán bộ văn phòng, tư pháp, địa chính cấp huyện, xã… Nhưng như thế vẫn chưa thể đáp ứng nhu cầu học tập của cán bộ. Chúng tôi rất cần sự hỗ trợ của cấp trên trong việc tập huấn cho cán bộ “một cửa” và tập huấn chung về cải cách hành chính” - ông Dương Văn Chung, Chánh Văn phòng HĐND&UBND huyện Đông Giang, nói. Trao đổi về công tác thực hiện cơ chế “một cửa”, “một cửa liên thông” ở miền núi, ông Trần Thế Thái - Phó Giám đốc Sở Nội vụ nói: “Do nhu cầu giải quyết thủ tục hành chính chưa lớn và khó khăn về kinh phí, hầu hết các huyện miền núi chưa thể quan tâm đầu tư thường xuyên cho công tác này. Dù vậy, lãnh đạo các địa phương cần bố trí cơ sở vật chất, nhân lực tốt hơn để phục vụ nhân dân”.

ĐOÀN ĐẠO

(0) Bình luận
Nổi bật Báo Quảng Nam
Mới nhất
Khó cho "một cửa" ở miền núi
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO