Thiếu cơ sở hạ tầng, dự án lớn, món vay nhỏ, địa bàn rộng, chính sách nông nghiệp bất cập lẫn việc có quá nhiều rủi ro trong hoạt động sản xuất, kinh doanh ở thị trường nông nghiệp, nông thôn nên lượng vốn tín dụng đầu tư vào khu vực này vẫn không đạt như ý muốn của giới ngân hàng.
Điểm tựa thoát nghèo
Nhiều người dân Tam Thăng (TP.Tam Kỳ) vẫn ngỡ ngàng trước sự thay đổi kỳ diệu của một trang trại nuôi gia súc, gia cầm của anh Cao Văn Đàn nhờ vào số vốn 1,4 tỷ đồng vay từ Agribank Quảng Nam để mở rộng sản xuất, trở thành người có thu nhập cao. Hay những cư dân nghèo trên Trà Linh (Nam Trà My) vẫn thường ước mơ thoát nghèo từ “hiện tượng” Hồ Thái Ba (ở thôn 3) từ một nông dân nghèo khó đã trở thành ông chủ một trang trại trồng sâm Ngọc Linh với thu nhập bình quân 50 - 60 triệu đồng/năm từ vốn vay Ngân hàng Chính sách xã hội. Vốn của chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đưa vào thị trường này từ lâu đã góp phần tạo nên điểm tựa cho dân nghèo khát vọng đổi đời. Ý thức sản xuất, thay vì chỉ làm theo kinh nghiệm, đã bắt đầu bén rễ ở nhiều người và họ đã không ngần ngại lên các kế hoạch, dự định cho hành trình thoát nghèo.
Khu vực nông nghiệp, nông thôn rất cần tăng trưởng vốn đầu tư tín dụng. Ảnh: T.PHONG |
Theo nhận định của Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam, sau 5 năm triển khai Nghị định 41 của Chính phủ về chính sách tín dụng phục vụ phát triển nông nghiệp, nông thôn, cơ cấu tín dụng trên địa bàn đã chuyển dịch mạnh sang hướng tập trung vốn cho lĩnh vực nông thôn. Tỷ trọng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn tăng dần theo các năm (từ 15,83% năm 2010 đã tăng trên 30% vào năm 2015). Hiện dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn đã chiếm 31,6%/ tổng dư nợ, tương đương hơn 8.900 tỷ đồng. Nguồn vốn này đã tạo điều kiện phát triển kinh tế địa phương, góp phần xóa đói giảm nghèo, từng bước nâng cao đời sống của người dân trên địa bàn nông thôn. Nguồn vốn được phân bổ ở nhiều lĩnh vực tại nông thôn, với đối tượng cho vay được mở rộng từ cá nhân, kinh tế hộ đến các doanh nghiệp hoạt động trên địa bàn nông thôn của tỉnh. Nhất là việc đầu tư tín dụng cho kinh tế hộ (chiếm tỷ trọng 39,78% tổng dư nợ cho vay nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn). Đây là loại hình kinh tế chủ yếu, đem lại hiệu quả kinh tế khá cao và trực tiếp nâng cao đời sống nông dân trên địa bàn nông thôn Quảng Nam.
Ông Nguyễn Văn Diện - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước chi nhánh Quảng Nam cho hay dư nợ khu vực này đã gia tăng gấp đôi so với những ngày đầu thực hiện Nghị định 41. Vốn cung ứng kịp thời, dù đầu tư nhỏ lẻ, nhưng hiệu quả đầu tư và chất lượng tín dụng khá cao.
Ngân hàng ngại đầu tư
Hơn 31,6%/ tổng dư nợ (khoảng 8.900/29.000 tỷ đồng) vào nông nghiệp, nông thôn không phải ít, nhưng so với nhu cầu rất lớn của khu vực này thì con số ấy vẫn còn khá khiêm tốn. Động lực đẩy tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn chủ yếu vẫn là Agribank và Ngân hàng Chính sách xã hội Quảng Nam. Hai ngân hàng này chiếm đến hơn 90%. Số còn lại dành cho 16 ngân hàng khác có dư nợ về lĩnh vực này, dù theo chuẩn của Nghị định 41 là 26 ngân hàng, tổ chức tín dụng tại Quảng Nam phải cho vay nông nghiệp, nông thôn tối thiểu 20%. Không khó để lý giải việc các ngân hàng ngại đưa vốn về thị trường này bởi nhu cầu hiện chủ yếu vẫn là các món vay nhỏ lẻ, chi phí hoạt động cao và rủi ro lớn. Một giám đốc ngân hàng thương mại cổ phần cho biết, đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn luôn gặp rủi ro cao. Ngoài việc thiếu hụt vùng chuyên canh sản xuất hàng hóa, đầu ra thiếu ổn định thì việc quy định khắt khe về nhãn mác hàng hóa thiết bị sản xuất, phục vụ nông nghiệp, hay áp dụng các biện pháp bảo đảm tiền vay cũng gặp những trở ngại, nhất là những trường hợp chỉ có giấy chứng nhận tạm thời. Hoặc các hộ sản xuất chưa được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nên không đăng ký thế chấp được. Do đó, không đủ điều kiện vay vốn theo quy định. Hệ quả là không ít ngân hàng ngại cấp tín dụng cho lĩnh vực này.
Bà Nguyễn Thị Như Thủy - Giám đốc Agribank Điện Bàn, thuộc hệ thống ngân hàng tiên phong, chủ lực đầu tư tín dụng vào nông nghiệp, nông thôn cũng cho rằng một trong những yếu tố tiềm ẩn trong sản xuất của các hộ gia đình như rủi ro thị trường, mùa màng, sản xuất bởi thời tiết, khí hậu. Tình trạng “được mùa mất giá, được giá mất mùa” vẫn thường xuyên xảy ra với các sản phẩm chủ lực. Trong khi đó, chính sách bảo hiểm nông nghiệp chưa tạo nền tảng an toàn mở rộng tín dụng cho hộ sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn một cách có hiệu quả và đáp ứng nhu cầu vốn của hộ sản xuất. Ông Nguyễn Văn Diện cho rằng nếu không có mạng lưới chi nhánh ngân hàng gần dân, sát dân, không đủ lượng cán bộ thì các ngân hàng muốn cho vay tới hộ dân cũng không cho vay được. Hiện tại, còn khá nhiều ngân hàng chưa thể phát triển mạng lưới đến tận cơ sở.
Nhu cầu về tín dụng cho nông nghiệp, nông thôn đang rất lớn. Các vướng mắc, rào cản về tín dụng theo Nghị định 41 đã được tháo rào bằng Nghị định 55, mở rộng đối tượng cho vay và cả vốn. Nhưng để đáp ứng được nhu cầu vốn cho thị trường này vẫn còn khoảng cách khá lớn giữa chính sách và thực tiễn. Nếu doanh nghiệp cứ “ngại” rủi ro, lợi nhuận ít hoặc không giải quyết tận gốc về cơ chế phát triển nông nghiệp, nông thôn, tiến độ cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và tài sản ì ạch thì vốn vào khu vực này tiếp tục nhỏ giọt!
TÙY PHONG